Theo thống kê của ngành chức năng, phần lớn các vụ tai nạn giao thông, kể cả những vụ đặc biệt nghiêm trọng, là do ý thức chấp hành giao thông của người lái xe chưa nghiêm. Từ tháng 7-2012 đến nay, việc toàn tỉnh triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là “hộp đen”) đối với các phương tiện vận tải hành khách (xe ô tô) theo quy định của Nhà nước đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Thiết bị này đã trở thành một thứ công cụ tiện ích, nhằm “giám sát” chính ý thức của người lái xe.
Toàn tỉnh hiện có 370 xe vận tải hành khách chạy tuyến cố định, 112 xe buýt, 177 xe hợp đồng du lịch và 7 xe công-ten-nơ (là đối tượng bắt buộc) đều đã lắp thiết bị giám sát hành trình từ tháng 7-2012. Ngoài ra, trong số 542 xe taxi (đối tượng không bắt buộc) cũng đã có hơn 300 xe tự nguyện lắp “hộp đen”. |
Thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô là một trong những ứng dụng của công nghệ định vị toàn cầu (GPS). Thiết bị này cho phép nhà quản lý kiểm tra vị trí, tốc độ của xe từ các tín hiệu được gửi trở lại trung tâm một cách đều đặn. Thiết bị này còn kiểm soát được độ an toàn khi chạy xe như: Cảnh báo xe chạy quá tốc độ, quá thời gian lái xe theo quy định...
Không dám chạy ẩu, chạy quá tốc độ
Anh Nguyễn Tiến Trung, tài xế taxi còn khá trẻ, mới cầm vô lăng được bốn năm nay, đang lái xe cho hãng taxi Thái Bảo, tâm sự: Trước đây, nhiều khi phải đón, trả khách cho kịp thời gian, tôi thường không để ý đến tốc độ, thấy đường vắng là phóng nhanh mà không cần biết là có vi phạm luật hay không. Nhưng nay, khi hãng lắp “hộp đen” trên xe, chỉ cần mình chạy quá 70km/h là chuông báo động trong xe kêu vang, đồng thời bộ phận quản lý tại trung tâm sẽ biết và có hình thức nhắc nhở ngay. Bởi thế, từ khi lắp “hộp đen” đến nay tôi luôn chạy xe đúng tốc độ quy định, không vượt ẩu, không dừng, đỗ sai vị trí… Điều quan trọng là mặc dù mật độ chạy xe nhiều, nhưng hơn một năm nay tôi không gây ra vụ va quệt, tai nạn nào.
Còn đối với anh Trần Mạnh Hiệp, tài xế xe khách tuyến cố định Thái Nguyên - Hải Dương, Thái Nguyên - Hưng Yên thì từ khi xe của anh lắp “hộp đen” đến nay cũng chưa để xảy ra vụ va chạm nào. Anh Hiệp cho biết: Trong nghề lái xe nhiều khi người tài xế không tự kiểm soát được những lỗi nên không ít trường hợp để xảy ra tai nạn đáng tiếc. Cách đây mấy năm tôi đã gây ra một vụ tai nạn giao thông chỉ vì cố giành khách với một xe cùng tuyến mà chạy ẩu, vượt bừa. Nếu trong hoàn cảnh đó, xe của tôi có “hộp đen” thì chắc chắn thiết bị này sẽ réo chuông báo động giúp tôi kịp thời điều chỉnh hành vi để không gây ra tai nạn.
Chuyên chạy xe khách đường dài, tuyến cố định Thái Nguyên - Lai Châu cho Công ty CP Thương mại vận tải và dịch vụ Khánh Thịnh, với anh Phạm Văn Sỹ, việc duy trì tốc độ cho phép khi lái xe là quan trọng bậc nhất. Do chủ yếu chạy trên tuyến đường đèo dốc, cua gấp, lại vào ban đêm nên theo anh chỉ mất tập trung hoặc chạy ẩu một chút cũng có thể khiến cả chiếc xe giường nằm với trên dưới 50 hành khách lăn xuống vực. Theo anh Sỹ thì chính “hộp đen” đã “nhắc nhở” anh thường xuyên trên cả quãng đường dài mấy trăm cây số. Khi xe chạy quá tốc độ hoặc lái xe liên tục 4 giờ đồng hồ thì “hộp đen” sẽ báo động. Công ty có quy định, hễ tài xế để xe chạy quá tốc độ cho phép lần đầu thì sẽ bị nhắc nhở, cảnh cáo. Nếu vi phạm nhiều lần sẽ bị cắt tiền thưởng, thi đua hoặc trừ lương, có trường hợp còn chấm dứt hợp đồng lao động.
Giảm thiểu tai nạn giao thông
Trao đổi với chúng tôi, đại diện một số doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn đều cho rằng, chính nhờ có “hộp đen” mà số vụ tai nạn giao thông do các tài xế của đơn vị mình gây ra giảm đáng kể. Ông Đặng Tiến Hùng, Phó Giám đốc Công ty Thương mại vận tải và Dịch vụ Khánh Thịnh cho biết, từ tháng 7-2012 đến nay, 40 đầu xe chạy tuyến cố định và 10 đầu xe hợp đồng du lịch của doanh nghiệp không để xảy ra vụ tai nạn nào, chỉ có một hai trường hợp va quệt nhẹ, không gây thiệt hại. Với Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan, đơn vị có 11 đầu xe du lịch và chở khách tuyến cố định, 72 xe buýt, 25 xe taxi thì thời gian gần đây việc gây ra tai nạn giao thông đã giảm tới 90%. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty chia sẻ: Từ ngày lắp “hộp đen”, mỗi tháng chi phí cho hoạt động giám sát cũng không ít, nhưng chưa đáng kể gì so với khi để xảy ra tai nạn. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh thì từ năm 2012 đến nay, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và người bị thương). Trong đó, số vụ gây tai nạn do chủ quan của các xe vận tải hành khách cũng đã giảm đáng kể. Năm 2012, toàn tỉnh để xảy ra 414 vụ tai nạn giao thông, giảm 217 vụ so với năm trước, trong đó giảm 46 người chết và 232 người bị thương. 8 tháng năm 2013, số vụ tai nạn giao thông trong tỉnh cũng giảm 34 vụ so với cùng kỳ năm trước, đồng thời giảm 21 người chết và 56 người bị thương.
Nhiều chủ phương tiện tự nguyện tham gia
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó phòng Quản lý vận tải và phương tiện (Sở Giao thông - Vận tải) thì từ trước tháng 7-2012, khi chưa có chủ trương bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đã chủ động lắp đặt “hộp đen” để tiện cho việc quản lý phương tiện, bảo đảm an toàn và giảm thiểu tai nạn giao thông. Ví dụ như Công ty Thương mại vận tải và Dịch vụ Khánh Thịnh đã lắp “hộp đen” cho hơn 10 đầu xe tuyến cố định từ năm 2009. Mặc dù không là đối tượng bắt buộc phải lắp “hộp đen”, nhưng hiện nay, hầu hết các hãng taxi trên địa bàn đã tự nguyện mua và lắp thiết bị này. Theo ông Trần Đức Hiểu, Giám đốc Công ty taxi Hoa Mai thì việc tự lắp “hộp đen” là một quyết định đúng đắn của đơn vị. “Hộp đen” đã giúp đơn vị quản lý chặt phương tiện, hạn chế được thất thoát về nhiên liệu, thời gian lao động và trên hết là kiểm soát được ý thức tham gia giao thông của các tài xế taxi. Còn theo ông Phạm Quý Quỳnh, lãnh đạo hãng taxi Mai Linh tại Thái Nguyên thì do hầu hết các lái xe còn rất trẻ, xử lý tình huống trên đường còn non nớt nên đơn vị quyết định trang bị “hộp đen” để tiện kiểm soát, nâng cao ý thức và kiềm chế lái xe chạy ẩu, chạy quá tốc.
Đấy là các hãng kinh doanh vận tải, còn những chủ xe cá nhân không hoạt động kinh doanh thì sao? Qua khảo sát của chúng tôi, hiện đã có một bộ phận lái xe gia đình đã tự mua và lắp “hộp đen” vì thấy thiết bị này có nhiều tiện ích. Anh Trương Văn Hưng, ở phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) tâm sự: Từ lúc gắn “hộp đen” mình thấy an tâm hơn mỗi khi ra đường, mọi hoạt động trên xe mình đều kiểm soát được. Nếu giả sử có hứng khởi chạy quá tốc độ thì ngay lập tức được thiết bị thông báo, từ đó biết mà điều chỉnh…
Ông Đinh Xuân Tùng, Đội phó Đội Tuần tra, kiểm soát (Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh): “Hộp đen” sẽ bắt tốc độ của xe 10 giây/lần nên nếu xe đó gây tai nạn thì lực lượng chức năng cũng dễ dàng xác định tại thời điểm đó xe có chạy quá tốc độ cho phép hoặc chạy sai làn đường không để xử lý một cách chính xác, nhanh chóng. |
Ông Đặng Thế Việt, Đội trưởng đội xe của Công ty Thương mại vận tải và Dịch vụ Khánh Thịnh: Từ khi các xe của đơn vị lắp “hộp đen” đến nay, gần như chúng tôi không phải đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết một vụ tai nạn giao thông nào do các tài xế của doanh nghiệp gây ra. |