Bão số 10 gây thiệt hại nặng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ

07:48, 01/10/2013

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, hồi 22 giờ đêm qua, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 17,8 độ vĩ bắc; 104,8 độ kinh đông, trên địa phận Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, hồi 22 giờ đêm qua, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 17,8 độ vĩ bắc; 104,8 độ kinh đông, trên địa phận Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to đến rất to.

 

Dự báo trong đêm 30-9 đến 11 giờ sáng 1-10, bão di chuyển theo hướng giữa tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Sau đó, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía tây và suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

 

Tại Quảng Bình, bão số 10 đã làm hơn 30% số nhà (hơn 250 nghìn ngôi nhà) bị tốc mái, tập trung chủ yếu ở Ðồng Hới và Bố Trạch. Hàng nghìn cây cao-su bị gãy đổ, hệ thống thông tin liên lạc bị cắt đứt, đổ cột phát sóng Ðài Tiếng nói Việt Nam. Thống kê ban đầu toàn tỉnh có bảy người bị thương ở huyện Quảng Ninh và Quảng Trạch.

 

Bão số 10 đã quét qua địa bàn huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, làm toàn bộ nhà dân, trụ sở cơ quan và nhiều công trình dân sinh bị tốc mái, hư hỏng. Ðã có 17 người dân bị thương nặng do cây đổ, sập nhà và tai nạn trong lúc ứng cứu (Hải Lăng 5 người, TP Ðông Hà 4 người, Gio Linh 4, Vĩnh Linh 3, Triệu Phong 1). Toàn tỉnh có hơn 3.500 nhà dân bị sập đổ, xiêu vẹo và tốc mái; hơn 6.900 ha cây cao-su tiểu điền từ 5 đến 7 năm tuổi, hàng nghìn ha cây công nghiệp bị gãy đổ; đường dây điện lưới bị đứt dẫn đến mất điện trên địa bàn toàn tỉnh. Hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, bộ đội biên phòng, công an bám trụ tại các địa phương tích cực giúp đỡ người dân trú tránh, ứng phó với bão; bảo đảm an ninh trật tự, tài sản cho bà con. Tỉnh chỉ đạo ngành Công thương và các đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu để cung ứng và cứu trợ khẩn cấp các gia đình bị thiệt hại nặng do bão hơn 28 nghìn thùng mì tôm, 90 tấn gạo tẻ, 40 nghìn chai nước uống, 565 nghìn lít xăng, 780 nghìn lít dầu, với tổng số tiền dự trữ hơn 37 tỷ đồng.

 

Tại tỉnh Hà Tĩnh, bão đã làm ngập nhiều tuyến đường quốc lộ đoạn thị trấn Kỳ Anh, Kỳ Thịnh, Kỳ Liên. Theo báo cáo sơ bộ, đến chiều tối 30-9, huyện Kỳ Anh không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, hiện có một số công nhân của nhà thầu ở Kỳ Trinh do nước dâng lên cao đã mắc kẹt trong công-ten-nơ. Các ngành chức năng cùng địa phương đang tìm cách giải cứu. Huyện Kỳ Anh có khoảng gần 1.200 nhà dân và các công sở, trường học, trạm y tế bị hư hại nhẹ hoặc tốc mái. Hai thuyền nhỏ của người dân xã Kỳ Lợi bị sóng giật nhấn chìm. Hiện, các lực lượng của huyện đang có mặt tại các điểm xung yếu để chỉ đạo công tác hỗ trợ và khắc phục thiệt hại sau bão...

 

Tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), ảnh hưởng của bão số 10, gió giật mạnh, nước biển dâng cao, tràn qua một số điểm thấp trũng gây ngập nhà dân, hàng trăm cây xanh, cổ thụ bị ngã đổ, một số trụ điện, nhà cửa bị đổ, tốc mái. UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, đến trưa 30-9, có ít nhất 45 căn nhà bị tốc mái, hai căn nhà bị sập đổ hoàn toàn.

 

Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế đến 15 giờ ngày 30-9, toàn tỉnh có hơn 30 ngôi nhà bị sập và tốc mái; hàng trăm cây xanh bị gãy đổ; nhiều đê bao, hồ nuôi thủy sản bị hư hỏng nặng. Các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ đi các xã thuộc thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang, Phú Lộc... nước lũ gây ngập từ 0,5 đến 1m. Các ngành chức năng đã cử người bảo vệ các tuyến đường, không cho người dân đi qua, tránh nguy hiểm về tính mạng.

 

Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Bình Thuận cho biết, do ảnh hưởng của bão số 10 kết hợp với gió mùa tây nam, tại thị xã La Gi, đã có mưa rất to, làm ngập lụt một số khu vực dân cư. Hơn 80 ha lúa từ 20 đến 30 ngày tuổi bị ngập úng. Hai căn nhà của dân bị sập. Ðường giao thông nông thôn bị sạt lở nhiều đoạn. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Ngành chức năng địa phương đang nhanh chóng khắc phục hậu quả giúp người dân ổn định sản xuất.

 

Tối 30-9 ngay sau khi bão số 10 đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung Bộ, tại TP Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với đại diện các ban, ngành nhằm đánh giá tác động của cơn bão và bàn biện pháp khắc phục. Trước đó, vào sáng 30-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn công tác của Ủy ban quốc gia PCLB và TKCN đã kiểm tra công tác phòng, chống bão số 10 tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Cùng ngày, Bộ NN và PTNT cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư đã kiểm tra công tác đối phó bão số 10 tại tỉnh Hà Tĩnh. Bộ yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh bố trí lực lượng cùng với vật tư, phương tiện thường xuyên túc trực tại các hồ đập xung yếu để ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra.

 

Bộ Y tế đã có công điện yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Ðịnh, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền bắc, miền trung sẵn sàng về nguồn lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng, chống lụt bão... Các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra. Bộ Giao thông vận tải có Công điện số 55 gửi các đơn vị trực thuộc, yêu cầu thực hiện tuần đường 24/24 giờ đối với các tuyến đường bộ, đường sắt... tạm dừng các phương tiện vận chuyển khách bằng đường sắt, đường bộ, dừng cấp phép rời cảng cho các tàu, thuyền, các chuyến bay trong thời gian bão đổ bộ.

 

Bộ Giáo dục và Ðào tạo có công điện đề nghị các Sở Giáo dục và Ðào tạo, các học viện, viện, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thuộc các tỉnh miền trung, Tây Nguyên chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, ngừng các hoạt động ngoại khóa, bảo đảm an toàn tính mạng cho giáo viên, học sinh và cơ sở vật chất thiết bị nhà trường. Yêu cầu các đơn vị, nhà trường thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo nhanh về Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão địa phương và Bộ Giáo dục và Ðào tạo khi có các sự cố bất thường.

 

Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau chủ động triển khai các kế hoạch, phương án phòng chống bão, mưa lũ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người, phương tiện đi lại tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; bảo đảm an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, trụ sở cơ quan, hồ sơ tài liệu, nơi giam giữ do Bộ Công an quản lý.

 

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 10

 

Ngày 30-9, Thủ tướng Chính phủ có Công điện gửi UBND các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế; các bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Giáo dục và Ðào tạo, Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão T.Ư; Trung tâm Khí tượng-Thủy văn quốc gia; Báo Nhân Dân; Ðài Truyền hình Việt Nam; Ðài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam, yêu cầu:

 

Chủ tịch UBND các tỉnh phải theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chỉ đạo ứng phó, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở, an toàn hồ chứa, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Các tỉnh bị thiệt hại nặng khẩn trương tổ chức việc kiểm tra nắm chắc tình hình thiệt hại để xử lý kịp thời: cứu chữa người bị thương, hỗ trợ các hộ gia đình có người bị chết, nhà bị sập đổ hư hỏng; huy động mọi nguồn lực xử lý ách tắc giao thông, khắc phục sự cố thông tin, điện lực, xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh ổn định đời sống nhân dân.

 

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo khắc phục hệ thống thông tin viễn thông nhanh nhất để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó thiên tai và sản xuất, đời sống.

 

Bộ Công thương tập trung mọi nguồn lực để khắc phục sự cố lưới điện đặc biệt đối với các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

 

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố giao thông bảo đảm sớm thông tuyến đường sắt bắc - nam và quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh.

 

Bộ Quốc phòng tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ các địa phương ứng phó mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả bão lũ.

 

Bộ Công an tập trung chỉ đạo bảo đảm trật tự trị an, hướng dẫn giao thông khu vực bão.

 

Các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục đưa tin về diễn biến thiên tai, chỉ đạo, chỉ huy các hoạt động ứng phó khắc phục hậu quả bão lũ để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh và tham gia khắc phục hậu quả.

 

Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão T.Ư tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành triển khai ứng phó kịp thời, tổng hợp tình hình thiệt hại đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp nguồn lực hỗ trợ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

 

Ðề phòng lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình

 

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, lũ trên các sông ở Quảng Bình tiếp tục lên. Ðêm qua, sáng sớm nay (1-10), lũ trên các sông ở Quảng Bình có khả năng đạt đỉnh và ở trên mức báo động 2.

 

Cụ thể mực nước đỉnh lũ các sông như sau: sông Giang tại Mai Hóa ở mức 5,5 m, trên báo động 2: 0,5 m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 2,2 m, ở mức báo động 2.

 

Từ đêm qua, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh đã lên. Ðến chiều tối nay, mực nước thượng nguồn sông La có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, hạ lưu sông La và sông Cả lên mức báo động 1.

 

Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng.

 

Cứu tàu của ngư dân trôi dạt trên phá Tam Giang

 

Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-9, Ban chỉ huy Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được tin báo có một tàu đánh cá mang BKS 9999TM, do ông Nguyễn Viết Chinh, trú tại thôn Minh Hải, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) bị đứt dây neo trôi dạt, mắc cạn trên phá Tam Giang, trên tàu có 10 ngư dân. Ðược sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng đã điều một tàu tuần tra biên phòng, một ca-nô cao tốc và 15 cán bộ, chiến sĩ kịp thời có mặt ứng cứu tàu gặp nạn. Sau ba giờ vật lộn với sóng to, gió lớn, những chiến sĩ Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế đã đưa được người và phương tiện vào bờ an toàn.