Quỹ Phát triển đất (PTĐ) tỉnh Thái Nguyên được thành lập theo Quyết định số 3135/QĐ-UBND, ngày 22-12-2010 của UBND tỉnh và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-10-2012, với nhiệm vụ tiếp nhận vốn, ứng vốn cho các tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) và xây dựng hạ tầng các khu dân cư; tạo quỹ đất sạch phát kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, sau 8 tháng hoạt động, Quỹ còn gặp nhiều khó khăn trong thực thi nhiệm vụ, nhất là nguồn vốn, trong khi đó, nguồn vốn là yếu tố quan trọng để Quỹ hoạt động.
Với ý tưởng đi học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh đã và đang triển khai thực hiện khá tốt mô hình trên để triển khai thực hiện có hiệu quả ở địa phương, nên trong 4 ngày (từ ngày 26 đến 29-9), Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nhữ Văn Tâm, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý (HĐQL) Quỹ PTĐ tỉnh làm trưởng đoàn đã cùng các thành viên HĐQL Quỹ; cán bộ, nhân viên của Quỹ PTĐ tỉnh làm việc với Quỹ PTĐ tỉnh Quảng Bình. Đây là đơn vị tuy mới đi vào hoạt động từ ngày 1-4-2012, song đang là mô hình hoạt động rất hiệu quả trên cả nước. Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn đã làm việc với UBND tỉnh, Quỹ PTĐ Quảng Bình để trao đổi về tình hình hoạt động của Quỹ; đi thăm một số dự án mà Quỹ PTĐ đã ứng vốn đang phát huy hiệu quả tốt. Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn đã được đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch HĐQL Quỹ PTĐ Quảng Bình cùng lãnh đạo Quỹ PTĐ tỉnh thông tin, trao đổi về cơ cấu, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Quỹ trong thời gian qua.
Từ kinh nghiệm của Quảng Bình
Điều mà chúng tôi ghi nhận đầu tiên là ở Quảng Bình, đất các dự án xây dựng khu dân cư không giao cho các doanh nghiệp mà chỉ giao cho các Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) thực hiện (tỉnh có 7 trung tâm PTQĐ các huyện, thành và 1 Trung tâm trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; 1 Trung tâm thuộc Sở Xây dựng). Theo đồng chí Hoàng Ngọc Hoà, Giám đốc Quỹ PTĐ Quảng Bình thì từ năm 2010 trở về trước, tỉnh cũng giao các dự án xây dựng khu dân cư (KDC) cho doanh nghiệp thực hiện, song do giao cho doanh nghiệp 1 giá, doanh nghiệp lại bán cho hộ gia đình, cá nhân với giá cao hơn so với giá quy định, nên Nhà nước vừa không thu được ngân sách, người dân có nhu cầu thực sự, các hộ thu nhập thấp khó mua được đất để ở, dẫn đến kiện cáo.
Trước thực trạng đó, Thường trực Tỉnh uỷ và Thường trực UBND tỉnh đã có chủ trương chỉ giao các DA cho các Trung tâm PTQĐ làm chủ đầu tư; Quỹ PTĐ tỉnh là cơ quan duy nhất của tỉnh có nhiệm vụ ứng vốn cho các Trung tâm PTQĐ để thực hiện BTGPMB và xây dựng hạ tầng các khu dân cư; tạo quỹ đất sạch. Do được các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nên tiền thu, chi từ đất thực hiện minh bạch, không thất thoát. Từ quỹ đất sạch, Nhà nước xác định giá hoặc đấu giá giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Đối với đất khu dân cư (KDC), sau khi BTGPMB và xây dựng hạ tầng, Nhà nước Quyết định giá khởi điểm để bán đấu giá. Trong trường hợp bán đấu giá không thành sẽ được bán theo giá khởi điểm; hoặc điều chỉnh giá phù hợp với thị trường để thu tiền sử dụng đất nhanh nhất.
Hiện, tỉnh đang có 9 dự án khu đô thị (KĐT), KDC đang triển khai. Nhằm đáp ứng nhu cầu và sức mua của người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình, tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng hạ tầng vừa phải; mỗi diện tích ô đất trên, dưới 100m2 để người dân mua được (đã và đang triển khai 32 dự án đấu giá rẻ cho người có thu nhập thấp). Với cách làm như vậy, tỉnh đã giải quyết một lúc 3 vấn đề: thu tiền sử dụng đất nhanh, đầy đủ vào NS Nhà nước; đáp ứng nhu cầu cho mọi đối tượng có đất làm nhà ở; nguồn vốn Quỹ được bổ sung nên có điều kiện ứng vốn cho các dự án lớn khác. Vì vậy, tuy Quỹ PTĐ tỉnh mới đi vào hoạt động gần 2 năm, nhưng nguồn quỹ đã liên tục được tăng lên (đến nay có 449 tỷ đồng, trong đó, riêng vốn quỹ đất 374 tỷ đồng). Nguồn vốn luân chuyển kịp thời, đáp ứng có hiệu quả cho các dự án KDC, KĐT, tạo ra nguồn thu từ 25% đến 30% so với tổng thu ngân sách trên địa bàn. Các dự án do Quỹ ứng vốn có hiệu quả cao, chênh lệch tăng từ 65% đến 110% so với chi phí. Ngoài ra, Quỹ còn cho vay 6 dự án ngoài nhiệm vụ Quỹ PTĐ (dùng nguồn quỹ để tạm ứng cho ngân sách tỉnh phục vụ thi công hoàn thành các dự án trọng điểm trong khi tỉnh chưa thu xếp kịp nguồn vốn).
Qua đi thăm các dự án khu đô thị Bắc Lê Lợi và KDC Nam Trần Hưng Đạo ở thành phố Đồng Hới; KĐT thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, chúng tôi thấy, hầu hết các dự án được triển khai khá quy mô; các ô đất được người dân đón nhận; không khí xây dựng hạ tầng, công trình dân dụng khá sôi động … Ngoài ra, Quỹ PTĐ tỉnh còn được nhận bàn giao Quỹ đầu tư địa phương (75 tỷ đồng) từ Ngân hàng Phát triển tỉnh Quảng Bình chuyển sang (trước đây Sở Tài chính ủy thác) để thực hiện cho vay các dự án trên địa bàn tỉnh (hiện đang có 11 dự án, vay với dư nợ gần 78 tỷ đồng) đã và đang đi vào hoạt động khá hiệu quả.
Chọn phương án tối ưu để đảm bảo các lợi ích hài hoà
Từ mô hình của Quảng Bình và thực tế của tỉnh cho thấy, đã đến lúc Thái Nguyên cũng nên xem xét, chỉ đạo rà soát lại các dự án hiện nay đang giao đất cho các doanh nghiệp và lựa chọn phương án giao đất tối ưu để đảm bảo các lợi ích hài hoà nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn đọng hiện nay; tránh để doanh nghiệp tự ý đẩy mức đầu tư để bù trừ so với giá đất UBND tỉnh quy định, khiến giá đất lên cao hơn giá quy định, Nhà nước không thu được phần chênh lệch nhất là trong điều kiện thị trường đất đai đang trầm lắng như hiện nay. Đối với Quỹ PTĐ, tỉnh cũng nên tạo điều kiện về nguồn vốn để hoạt động (ví dụ ở Quảng Bình, đầu năm 2013, khi chưa thu được tiền sử dụng đất, ngân sách tỉnh vẫn ứng trước cho Quỹ 100 tỷ đồng để Quỹ ứng vốn cho các dự án tạo quỹ đất sạch; trong khi đó, dự toán thu ngân sách của Quảng Bình năm 2013 là 2.100 tỷ đồng). Đồng thời, được trích tỷ lệ điều tiết thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất hàng năm theo đúng quy định, có như vậy Quỹ mới đảm bảo vốn để thực hiện nhiệm vụ. Quỹ PTĐ Quảng Bình là mô hình hoạt động hiệu quả. Từ kinh nghiệm của Quảng Bình, thiết nghĩ, tỉnh ta nên tham khảo để có thể vận dụng tốt vào thực tế của địa phương, nhằm quản lý quỹ đất, nguồn thu ngân sách của tỉnh nói chung tốt hơn và tạo điều kiện để Quỹ PTĐ của tỉnh hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ quy định tại Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg ngày 12-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định khi quyết định thành lập các Quỹ PTĐ các tỉnh, thành trong cả nước và Quyết định số 39/2012/QĐ-UBND ngày 02-11-2012 của UBND tỉnh Thái Nguyên.