Khi phụ nữ làm nghiên cứu khoa học

09:26, 20/10/2013

Đam mê, yêu nghề và nghị lực là nét đặc trưng của những nữ cán bộ, giảng viên, đặc biệt là những nữ cán bộ làm nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên). Nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ khoa học nông nghiệp có trình độ cao, là trung tâm nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Hiện nay, Trường Đại học Nông Lâm có đội ngũ nữ cán bộ, viên chức chiếm trên 60% tổng số cán bộ, viên chức toàn Trường, trong đó có 1 giáo sư, 4 phó giáo sư, 33 tiến sĩ, 128 thạc sĩ; hiện có 37 chị đang làm nghiên cứu sinh, cao học (trong nước: 15 người, ngoài nước: 22 người). Cùng với nhiệm vụ giảng dạy, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được Nhà trường xác định là một trong các yếu tố quyết định chất lượng đào tạo, năng lực nghiên cứu và khả năng phục vụ xã hội của Trường. Đặc biệt, công tác nghiên cứu khoa học của nữ cán bộ trong Nhà trường đã vươn tới hội nhập Quốc tế.

 

Tính từ năm 2007 đến nay, nữ cán bộ nhà trường đã chủ trì và tham gia  7 đề tài Nghị định thư, 8 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, hàng chục dự án quốc tế, trên 500 đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Đại học và cấp cơ sở, hướng dẫn hàng ngàn lượt sinh viên nghiên cứu khoa học. Nhiều sản phẩm nghiên cứu ra đời đã và đang được áp dụng trong sản xuất trên cả nước đều có sự đóng góp công sức và trí tuệ của các nhà khoa học nữ trong trường. Điển hình là giống lúa Nông lâm số 7, giống lúa Nông lâm số 3, đã được Hội đồng khoa học công nghệ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiệm thu và cho phép khảo nghiệm trên diện rộng; sản phẩm phân hữu cơ sinh học và vi lượng đất hiếm đã đươc áp dụng trong sản xuất chè và cây trồng ở tỉnh; chế phẩm sinh học nhãn hiệu YPIX phòng bệnh tiêu chảy lợn con... Đặc biệt, hưởng ứng chương trình sử dụng năng lượng sạch của Chính phủ, năm 2010 Nhà trường đã ký hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam để chuyển giao công nghệ trồng một số giống sắn có năng suất cao phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân 17 tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc. Trong đó, nhiều đề tài do các chị chủ trì được giải thưởng của Chính phủ các nước đối tác như: Đề tài “Quản lý rừng dựa vào cộng đồng ở Bắc Kạn” hợp tác với Chính phủ Úc của Tiến sĩ Trần Thu Hà; Đề tài: “Nghiên cứu chế biến cồn sinh học từ cây cao lương ngọt” hợp tác với Nhật Bản của Tiến sĩ Hoàng Thị Bích Thảo...

 

Không chỉ say mê nghiên cứu khoa học,  trong cuộc sống các chị còn đảm nhiệm tốt vai trò “người giữ lửa” trong gia đình. Tiến sĩ Phan Thị Thu Hằng, đại diện Ban Nữ công Nhà trường cho biết: Chăm lo đời sống gia đình luôn được Ban nữ công xác định là công tác quan trọng. Hàng năm chúng tôi đều phát động phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” đến từng chị em. Dù có bận rộn đến mấy, các chị đều dành sự quan tâm, chăm sóc gia đình và con cái. Chính sự ổn định, hạnh phúc trong gia đình đã góp phần động viên các chị trong công tác. Phải đảm nhiệm thiên chức làm vợ, làm mẹ nên phụ nữ làm nghiên cứu khoa học vất vả hơn nhiều so với nam giới, nếu không có tâm huyết, nghị lực và nhận được sự ủng hộ của gia đình các chị sẽ khó có thể vượt qua.

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Ngọc Lan, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, năm 2001 giành được học bổng làm luận án Tiến sĩ tại Đức. Đó là niềm vinh dự lớn lao của chị, nhưng nếu đi, chị phải xa con mới lên 8 tuổi trong khoảng thời gian 5 năm. Chồng chị mất sớm, thương con đã thiếu đi bàn tay chăm sóc của người cha, nếu chị đi, con gái lại thiếu đi sự chăm sóc của mẹ. Những suy nghĩ ấy cứ đan xen khiến chị nhiều đêm mất ngủ không thể quyết định. Chị nhớ lại: Cũng may lúc đó tôi được bố mẹ 2 bên động viên, cổ vũ khuyên tôi không nên bỏ lỡ cơ hội hiếm có này, con cái ông bà sẽ chăm lo giúp. Suốt 5 năm tôi chỉ được về nhà 1 lần. Trong khoảng thời gian này có rất nhiều áp lực đối với tôi: Học hành vất vả, lại thêm nỗi nhớ nhà, nhớ con, nhất là mỗi dịp lễ, Tết hay vào năm học mới, tôi lại nghĩ giá mình không làm nghiên cứu khoa học thì đã không phải xa con lâu đến thế?  Rồi tôi lại tự nhủ: Nếu “đầu hàng” là kém cỏi, phụ lại sự tin yêu của Ban Giám hiệu Nhà trường, bạn bè, đồng nghiệp và chắc con gái tôi cũng không muốn mẹ “đầu hàng” như thế. Cố kìm nén nỗi nhớ con, tôi tranh thủ từng giờ, từng phút để học, mong hoàn thành đề tài nghiên cứu để sớm về đóng góp sức mình cho đất nước và bù đắp cho con, phụng dưỡng bố mẹ già.

 

Nỗi vất vả của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học không chỉ dừng ở một giai đoạn mà là sự vất vả trong suốt hành trình công tác. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Lan, Phó Trưởng khoa Tài nguyên Môi trường chia sẻ: Cuộc đời của người làm khoa học là những cuộc hành trình nối tiếp nhau. Nhiều chuyến công tác lên miền núi, điều kiện đi lại, ăn ở khó khăn, trong điều kiện thời tiết bất lợi, chưa kể là phải lỉnh kỉnh mang theo dụng cụ đo đạc. Nhiều khi đi lên dốc, ba, bốn người bám vào nhau lần từng bước, có lúc trơn trượt ngã cả hàng. Dọc đường đi vừa đói, vừa khát, rừng lại nhiều muỗi, vắt là chuyện thường tình, không đam mê khó lòng làm nghiên cứu khoa học được. Vất vả là thế nhưng mỗi khi về đến nhà thấy con cái ngoan ngoãn, được chồng động viên khích lệ, chúng tôi lại như được tiếp thêm sức lực để làm việc và càng có động lực để chăm lo, vun vén cho hạnh phúc gia đình.

 

Với những đóng góp quan trọng của nữ cán bộ làm nghiên cứu khoa học trong công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ, mấy năm trở lại đây Nhà trường đã phối hợp cùng các địa phương xây dựng được trên 300 mô hình canh tác bảo vệ đất, chống xói mòn, hàng trăm mô hình kinh tế vườn đồi, trang trại, phát triển chăn nuôi hộ gia đình tại nhiều địa phương trong khu vực phía Bắc.

 

Lòng nhiệt tâm với nghiên cứu khoa học của các chị đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nên hình ảnh một đơn vị “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”. Đặc biệt, tập thể nữ cán bộ của Nhà trường vinh dự là 1 trong 5 tập thể trên toàn quốc được nhận giải thưởng cao quý “Phụ nữ Việt Nam” năm 2013 do Nhà nước trao tặng. Đây là dấu mốc ghi nhận sự cống hiến tài năng, sức sáng tạo của tập thể nữ cán bộ Trường Đại học Nông lâm.

 

Từ năm 2005 đến nay, nữ cán bộ, giảng viên làm công tác nghiên cứu của Nhà trường đã nhận được trên 50 giải  thưởng gồm: Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam; giải thưởng của tổ chức Loreal (giải thưởng Quốc tế dành để công nhận thành tựu xuất sắc của nữ khoa học gia); giải thưởng của tổ chức Vifotec (Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam); giải thưởng nghiên cứu khoa học trẻ toàn quốc cùng nhiều Giấy khen, Bằng khen khác.