Ngày 4-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố Pháp lệnh Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy. Từ đó, ngày 4-10 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).
Trải qua 52 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng lớn mạnh và phát triển, lập được nhiều thành tích xuất sắc. Trong thời kỳ kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cùng với lực lượng Công an toàn tỉnh đã kiên cường chiến đấu dũng cảm. Trong tất cả các cuộc ném bom, bắn phá của giặc Mỹ, ngay khi tiếng bom còn chưa dứt, khói lửa còn bao trùm các dãy phố, các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH đã kịp thời có mặt ở hiện trường để chữa cháy, cứu người và cứu tài sản, nhiều trận chiến đấu ác liệt diễn ra dưới bom đạn của giặc Mỹ như chữa cháy trận địa pháo Quang Vinh, kho xăng dầu Hoá Trung, ga Lưu Xá, khu dân cư cầu Gia Bẩy... Hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH áo bạt, mũ đồng xông pha trong khói lửa để chữa cháy, cứu người, cứu tài sản còn mãi mãi in sâu trong tâm trí người dân tỉnh ta.
Hòa bình lập lại, với phương châm “Tích cực đề phòng không để nạn cháy xảy ra, sẵn sàng chữa cháy kịp thời và có hiệu quá”, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tham mưu, hướng dẫn các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, quy định của Nhà nước về công tác PCCC. Phong trào toàn dân PCCC được củng cố và phát triển trong các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp và khu dân cư. Lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở đã kịp thời phát hiện và dập tắt trên 70% số vụ cháy xảy ra tại cơ sở khi đám cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Công tác kiểm tra an toàn về PCCC tại các cơ quan, xí nghiệp và khu dân cư được tổ chức thực hiện thường xuyên, đã phát hiện và khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót, mất an toàn về PCCC, ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy nổ xảy ra. Đồng thời, luôn đảm bảo thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ, trong mọi tình huống đều xuất xe đi cứu chữa cháy kịp thời, đạt hiệu quả…
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nền kinh tế nước ta đang phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Theo quy luật khách quan, khi kinh tế - xã hội càng phát triển thì nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng ngày càng tăng cả về số vụ và thiệt hại. Chỉ tính từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 639 vụ cháy, 29 vụ nổ, làm 27 người chết, 21 người bị thương, thiệt hại về tài sản trị giá 516,9 tỷ đồng và 207,98ha rừng. Nguyên nhân cháy, nổ chủ yếu là do sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, vi phạm quy định an toàn PCCC, không tuân thủ nghiêm túc các quy trình kỹ thuật an toàn trong sản xuất, kinh doanh chất cháy, nổ...
Để chủ động PCCC, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, ngày 29-6-2001, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật PCCC, có hiệu lực thi hành từ ngày 4-10-2001. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị... tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, trong những năm qua, công tác PCCC đã được tăng cường và đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác PCCC ở địa phương. Công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC đã được quan tâm, nhận thức của cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân về công tác PCCC được nâng cao. Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 2.148 đội dân phòng với 13.146 đội viên, 1.570 đội PCCC cơ sở với 14.443 đội viên, thành lập 12 tổ kiểm lâm cơ động - PCCC rừng gồm 269 thành viên và 1.290 tổ PCCC rừng ở các thôn, xóm, bản, tổ dân phố với 7.500 đội viên. Xây dựng và duy trì hoạt động 2 cụm doanh nghiệp an toàn PCCC tại Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên và Khu công nghiệp Sông Công với 19 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Đã tổ chức 264 lượt kiểm tra chuyên đề, chuyên ngành (như: chợ, trung tâm thương mại; nhà cao tầng; xăng dầu, gas, vật liệu nổ công nghiệp; PCCC điện; PCCC mùa hanh khô, PCCC rừng…) tại 12.638 lượt cơ quan, đơn vị, cơ sở, lập 12.638 biên bản kiểm tra an toàn PCCC; qua quá trình kiểm tra đã kiến nghị khắc phục hàng nghìn sơ hở, thiếu sót, mất an toàn về PCCC, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 616 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 3 trường hợp, cảnh cáo 83 trường hợp, phạt tiền 712,2 triệu đồng nộp ngân sách.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ chữa cháy chuyên nghiệp đạt 720 giờ/người/năm; lập mới 375 phương án chữa cháy, bổ sung 633 phương án chữa cháy đối với các cơ sở có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao; tổ chức thực tập 138 phương án chữa cháy tại các cơ sở trọng điểm, 5 phương án xử lý cháy, nổ lớn phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. Đã xuất 673 lượt xe chữa cháy và 4.290 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy, góp phần hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra…
Bên cạnh việc thực hiện công tác PCCC, ngày 15-10-2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) đã tham mưu và tổ chức thực hiện tốt công tác cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm người bị nạn trong các vụ tai nạn, sự cố trên địa bàn tỉnh, điển hình như vụ sạt lở đất xảy ra hồi 4 giờ 15 phút ngày 15-4-2012 tại bãi thải số 3 của Mỏ than Phấn Mễ (Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên); vụ tai nạn lao động sập giàn giáo xảy ra hồi 10 giờ 30 phút ngày 16-1-2013 tại công trình chợ Đồng Quang 2 (T.P Thái Nguyên)…
Để tiếp nối truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong các thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) cần đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, bởi đây là yếu tố quyết định trong việc tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; tham gia thực hiện nghiêm túc việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống vì nhân dân phục vụ” và xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ cơ bản nhằm thực hiện có hiệu quả công tác PCCC&CNCH. Đặc biệt chú ý giải quyết các tình huống như chữa cháy trong điều kiện có gió, có khói, khí độc; cứu người, cứu tài sản; chữa cháy ban đêm; chữa cháy trong điều kiện thiếu nước… Toàn lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.
Với những thành tích đạt được, 52 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Thái Nguyên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba; được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc, UBND tỉnh tặng Bằng khen… Nhiều cán bộ, chiến sĩ được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương các hạng và được Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh tặng Bằng khen.