Lúng túng trong thực hiện Quyết định số 22 ở Phú Bình

16:12, 03/10/2013

Không xác định được danh sách các hộ dân đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà trong năm 2013; nhiều nội dung chưa thống nhất trong cách hiểu nhưng vẫn triển khai lập danh sách… là những vướng mắc trong thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn huyện Phú Bình hiện nay. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do cả 2 cấp huyện và xã đều chưa được triển khai… quán triệt các nội dung của Quyết định cũng như các văn bản có liên quan.  

Ông Đào Anh Xuyến, cán bộ lao động - thương binh, xã hội xã Tân Đức: Theo chỉ đạo của huyện, chúng tôi mới chỉ rà soát, thống kê và lập danh sách các đối tượng được hưởng theo Quyết định số 22, còn những ý kiến thắc mắc của người dân về các nội dung có liên quan, hầu như chúng tôi đều không giải thích vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ cấp trên.


Ông Đào Ngọc Thanh, xóm Vàng, xã Tân Đức: Với mức hỗ trợ 40 triệu đồng để xây mới, nhiều gia đình như gia đình tôi chỉ có thể xây được một căn nhà đủ rộng tối thiểu để cho các thành viên trong gia đình ở. Vì thế, tôi mong, Nhà nước cho giữ lại ngôi nhà cũ để những hộ như gia đình tôi có thể tận dụng làm gian thờ và chứa thóc, gạo, củi…



Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, 21/21 xã, thị trấn của huyện Phú Bình đã rà soát được 894 đối tượng có nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà ở (với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 26 tỷ đồng). Trong đó, 713 hộ có nhu cầu được thực hiện trong năm 2013 (265 hộ làm mới, 448 hộ sửa chữa), 181 hộ có nhu cầu vào năm 2014 (132 nhà làm mới, 49 nhà sửa chữa). Cũng theo Quyết định số 22, trong năm 2013, tất cả các địa phương sẽ phải hoàn thành kế hoạch hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho các hộ đã được báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2011.

Cụ thể hóa nội dung này, ngày 30-8-2013, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 1702/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn. Theo đó, huyện Phú Bình có 85 hộ được hỗ trợ năm 2013, trong đó có 25 hộ xây mới, 60 hộ sửa chữa (mức hỗ trợ cho mỗi nhà xây mới là 40 triệu đồng, mỗi nhà sửa chữa là 20 triệu đồng)… Tuy nhiên đến nay, Phú Bình vẫn chưa thể triển khai được phần việc nào, nguyên nhân do huyện không nắm được danh sách 85 hộ được phê duyệt đó là những ai.


Đồng chí Hà Thị Nhàn, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 22 của huyện và đại diện lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội; Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, đều cho chúng tôi biết không nắm được danh sách 85 hộ đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đại diện lãnh đạo 2 phòng chuyên môn kể trên (những đơn vị có trách nhiệm chính trong việc triển khai thực hiện Quyết định của huyện đến các xã, thị trấn) cũng đã hỏi các Sở có liên quan về danh sách 85 hộ đó nhưng đều không có được câu trả lời. Bởi vậy, theo đồng chí Hà Thị Nhàn, trong thời gian tới, nếu cơ quan chức năng của huyện vẫn không thể xác định được danh sách 85 hộ đó thì huyện sẽ chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát một lần nữa để những hộ có nhà hư hỏng nặng, có nguy cơ đổ sập theo thứ tự ưu tiên là người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945, cán bộ tiền khởi nghĩa, thân nhân liệt sĩ… được hỗ trợ làm trước (được biết, tính đến ngày 2-10, nội dung này đang được triển khai).


Cùng với khó khăn trên, nhiều nội dung trong Quyết định 22 cũng đã và đang khiến việc triển khai ở cả cấp huyện và xã gặp nhiều khó khăn, do chưa thống nhất trong cách hiểu. Dẫn chứng cụ thể các nội dung này, các đồng chí: Dương Văn Hiển, Bí thư Đảng ủy xã Tân Đức; Đinh Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành… nói: Tại Điều 2 “Quy định về đối tượng và điều kiện được hỗ trợ” có ghi rõ trong phần 1. “Là hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế… Nhiều người cho rằng chỉ có những người trực tiếp tham gia kháng chiến thì mới được hưởng hỗ trợ; nhưng có ý kiến lại cho rằng trong gia đình chỉ cần có người có công với cách mạng (thuộc đối tượng kể trên) cũng thuộc diện được nhận hỗ trợ. Hay như tại điểm l, khoản l, cũng tại Điều 2 ghi: đối tượng được hỗ trợ là người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Ở điểm này, nhiều người băn khoăn, chỉ những người trực tiếp tham gia kháng chiến mới được hay cả những người công tác tại địa phương mà có huân, huy chương cũng được. Hay như mức hỗ trợ đưa ra cũng khiến nhiều người thắc mắc. Theo khoản 2, Điều 3 của Quyết định số 22, hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa khung, tường và thay mới mái nhà. Cụ thể hóa nội dung này, Thông tư 09 nêu: Đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải bảo đảm tiêu chuẩn 2 cứng (khung - tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên. Nhưng thế nào là khung, thế nào là tường, khung và tường có phải là một không cũng có nhiều ý kiến khác nhau; phải sửa cả khung, tường và mái thì mới được hỗ trợ, hay chỉ cần sửa 1 thứ cũng được hỗ trợ và mức độ hư hỏng như thế nào thì được hỗ trợ… Còn đối với hộ được hỗ trợ làm mới, tại khoản 2, Điều 2 và khoản 1, Điều 3 Quyết định 22, nêu rõ: Hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải phá dỡ để xây mới nhà ở. Nhiều người cho rằng, những hộ muốn được hỗ trợ xây mới nhất thiết phải phá dỡ nhà cũ đang ở thì mới được xây mới, nhưng theo đồng chí Hà Thị Nhàn thì điều đó là không cần thiết. Nhiều hộ dân cho rằng, việc yêu cầu họ phải tháo dỡ nhà ở cũ đi mới được nhận hỗ trợ là không phù hợp, bởi trên thực tế, tuy nhiều ngôi nhà không đảm bảo để ở nữa nhưng vẫn có thể tận dụng để làm nhà thờ, nhà kho hoặc cải tạo thành chuồng chăn nuôi… Nếu cứ nhất thiết phải tháo dỡ thì điều này vô tình đã gây ra một sự lãng phí rất lớn.


Cũng theo lãnh đạo nhiều xã của huyện Phú Bình, do việc chỉ đạo triển khai Quyết định cơ bản mới được thực hiện trên văn bản, giấy tờ mà chưa tổ chức được các hội nghị tập huấn để hướng dẫn, giải đáp cụ thể các nội dung có liên quan khi người dân thắc mắc, cán bộ xã đã không thể có căn cứ để giải thích. Hay như đối với những hộ dân đã được huyện, tỉnh phê duyệt trong danh sách được nhận hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa (nhưng chưa được cấp kinh phí trong năm 2013), do bức thiết về nhà ở đã và tiến hành làm mới (sửa chữa) rồi thì tới đây có được nhận hỗ trợ không?... Do đó, tuy việc thống kê danh sách các hộ đã hoàn tất và danh sách cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng danh sách đó có đúng, có đủ không, các xã đều không dám chắc chắn.


Thiết nghĩ, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và cả những lúng túng trong việc thực hiện Quyết định 22 này, UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan cần sớm đưa ra những hướng dẫn cụ thể; đồng thời tổ chức các buổi tập huấn để triển khai các nội dung của Quyết định, qua đó giải đáp những thắc mắc, khó khăn của cơ sở. Nếu không, việc thực hiện Quyết định trong năm 2013 cũng như các năm tiếp theo khó hoàn thành theo kế hoạch.