Miền trung hứng trọn sức tàn phá của bão Nari

14:30, 15/10/2013

Tại Đà Nẵng-Quảng Nam, nơi tâm bão đi qua, nhiều nhà cửa bị sập, cây cối bị gãy đổ, đường sá bị chia cắt. Theo báo cáo nhanh ban đầu,  đã có ba người thiệt mạng, 11 người bị thương.

Cơn bão Nari đã đổ bộ vào các tỉnh miền trung, tâm bão trên đất liền Đà Nẵng-Quảng Nam vào khoảng 6 giờ sáng 15-10 với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

 

Đến lúc 8 giờ sáng , sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão đo được mạnh cấp 8 giật cấp 9, cấp 10.

 

Mặc dù đã có những chuẩn bị ứng phó với cơn bão đã làm 13 người thiệt mạng tại Phillipines, song sức tàn phá của cơn bão khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền trung vẫn rất mạnh. Hiện tại, mưa lớn, gió giật mạnh đã làm bật gốc, đổ nhiều cây lớn trên các tuyến phố. Gió giật làm tốc mái nhiều nhà. Nước ở các sông miền trung đang lên cao.

 

Tại Đà Nẵng, bão đi qua đã tàn phá nhiều nhà cửa, cây cối. Theo số liệu thống kê, đến nay đã có 11 người bị thương, chưa có thống kê về số lượng nhà tốc mái và bị sập.

 

Sáng nay, trên các trục đường chính như Trần Phú, Bạch Đằng… cây cối ngổn ngang. Tuyến đường Hoàng Sa chạy ven biển thuộc quận Sơn Trà bị sóng táp gây sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào lòng đường khoảng 5m.

 

Khoảng 10 giờ sáng nay, ở Đà Nẵng đã gió đã yếu đi, nhưng mưa vẫn rất to.

 

Cũng trong sáng nay, UB Phòng chống lụt bão Đà Nẵng họp với các ban ngành để thống kê thiệt hại và tìm cách khắc phục hậu quả của cơn bão.

  

Cây gãy đổ ngổn ngang trên đường Trần Phú, quận Hải Châu.

Xe lội nước của quân khu V sẵn sàng ứng cứu.

 

Một ngôi nhà ở phường Mân Thái bị sập trong bão (ảnh chụp lúc 7h45).

Người dân tổ 14, phường Hòa Hiệp Nam được đưa vào những ngôi nhà an toàn, cao ráo để tránh gió bão, sóng lớn.

Các lực lượng vũ trang ứng trực, sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

 

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa rất to, gió rất mạnh, rạng sáng ngày 15-10, lốc mạnh kèm mưa to đã làm cho hàng nghìn ngôi nhà dân, trường học bị sập và tốc mái hư hỏng nặng; cây cối ngã đổ ngổn ngang đầy đường. Nhiều tuyến đường ở thành phố Tam Kỳ và Hội An bị ngập sâu trong nước.

 

Tại thành phố Tam Kỳ, cây cối ngã đổ đè lên nhà dân rất nguy hiểm. Mưa bão gây ngập lụt cục bộ nhiều tuyến đường. Tại nhiều đoạn ở đường Hùng Vương nước ngập từ 30cm đến 50cm, gây ách tắc giao thông cục bộ. Toàn tỉnh Quảng Nam đã mất điện từ đêm 14-10.

 

Lúc 7 giờ ngày 15-10, tại Đà Nẵng, gió giật mạnh làm nhiều nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng nặng. Trên nhiều tuyến đường lớn như Quang Trung, Nguyễn Văn Linh, Yên Bái, Nguyễn Tất Thành... nhiều cây cổ thụ, cột điện bị đổ và mưa lớn làm ngập đường.

 

Tại Thừa Thiên Huế, đến sáng nay, tại các huyện, thị xã và thành phố Huế vẫn còn có gió mạnh cấp 7, cấp 8, riêng Phú Lộc và Nam Đông vẫn còn cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Nhiều cây xanh trên địa bàn thành phố Huế và các địa phương bị đỗ, gãy. Thành phố Huế và nhiều huyện chung quanh mất điện hoàn toàn.

 

Tại Nam Đông trời đang mưa, gió đã ngưng dần, đường quốc lộ 14 đi lên huyện  bị chia cắt và ách tắc nhiều đoạn do cây cối bị đổ.

 

Hiện tại, thiệt hại lớn nhất ở Nam Đông là cây cao-su, đã có khoảng 160 ha cây cao-su bị gãy đổ, hàng trăm ha cây keo,  cây công nghiệp khác và hoa màu cũng bị tàn phá nặng nề.

 

Hiện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã điều hơn 30 cán bộ chiến sĩ lên giúp huyện khắc phục thiệt hại bước đầu.

 

Một số tuyến đường tỉnh lộ 8A, 8B, 10A; Quốc lộ 49 B đoạn qua Vân Trình- Phong Điền bị ngập từ 0,3-0,4m; Tỉnh lộ 4 đoạn qua tràn Thủ Lễ - Quảng Điền ngập sâu 0,8m. Đường ven biển đầm Lập An bị ngập nhiều đoạn với độ sâu từ 0,3-0,5m. Một số điểm giao thông trên tuyến Quốc lộ 49A bị sạt lở.

 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu gió bão, gây triều cường trên 1,5m, sóng lớn tràn qua làm sạt lở xói vào 10m, rộng 4m, sâu 1,5m đoạn qua thôn Thai Dương Hạ, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế.

 

Quốc lộ 14 đi lên huyện Nam Đông bị ách tắc nhiều đoạn.

 

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) sáng nay có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7 - 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to.

 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 8 giờ ngày 16-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 102,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).