Cháy lớn luôn là nỗi lo của các cấp, ngành, đơn vị, nhân dân bởi không chỉ gây chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tác động tiêu cực đến môi trường. Vì thế, ngăn chặn cháy lớn là nhiệm vụ cấp bách, được quan tâm hơn bao giờ hết.
Nhiều người còn nhớ vụ cháy kho thành phẩm Xí nghiệp May Sông Công, phường Bách Quang, thị xã Sông Công (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG) xảy ra vào hồi 20 giờ 15 phút ngày 20-5-2011. Ngọn lửa đã thiêu hủy toàn bộ hàng hóa thành phẩm và trên 2.000m2 kho nhà xưởng, gây thiệt hại trên 74 tỷ đồng của Công ty. Trước đó, trên địa bàn tỉnh ta cũng đã xảy ra vụ cháy, nổ lớn tại khu vực sản xuất của Công ty Điện cơ hóa chất 15 - Bộ Quốc phòng (xã Quyết Thắng, T.P Thái Nguyên) làm 1 người chết, 37 người bị thương, tài sản thiệt hại trị giá 250 tỷ đồng. Công ty đã phải dừng sản xuất 2 năm để di chuyển và xây dựng lại nhà xưởng, dây chuyền sản xuất. Đó là những vụ cháy, nổ lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại lớn về nhiều mặt và trở thành nỗi sợ của người dân.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Chu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH, Công an tỉnh), đám cháy xảy ra từ diện tích 500m2 trở lên, gây thiệt hại trên 3 tỷ đồng hoặc có người chết thì được coi là cháy lớn. Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 6.000 cơ sở thuộc diện quản lý PCCC của Phòng, trên 1.200 cơ sở thuộc nhóm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Nguyên nhân dẫn đến cháy lớn là do: phát hiện chậm để cháy tự do quá lâu, để nhiều chất dễ cháy, lực lượng PCCC cơ sở không có hoặc có nhưng không đảm bảo quân số, không có phương tiện PCCC hoặc có nhưng không đủ, cơ sở tự chữa cháy nhưng không chữa được lúc đó mới gọi 114 thì quá muộn, cháy vào ban đêm hoặc lúc không có người.
Đại tá Nguyễn Văn Chu chia sẻ: Căn cứ vào tình hình thực tế về phương tiện, nguồn nước để chữa cháy hiện nay của lực lượng PCCC chuyên nghiệp thì chưa đủ sức để chữa những đám cháy lớn nếu xảy ra. Về nguồn nước, ngay cả các đơn vị trọng điểm về PCCC hiện cũng chỉ được trang bị bể nước chứa từ 200 đến 300m3, có đơn vị chỉ vài chục đến hơn 100m3 (thậm chí không được chứa đầy nước). Trong khi chữa cháy lớn cần từ 400 đến 500m3 nước trở lên. Muốn vậy, cần phải tiếp nước con thoi dẫn từ các nguồn nước (sông, ao, hồ…) nhưng để làm được điều đó cần nhiều phương tiện: máy bơm, trạm trung chuyển, vòi dẫn nước với số lượng lớn… Những phương tiện đó hiện đều thiếu.
Với những diễn biến phức tạp về tình hình cháy nổ cũng như yêu cầu thực tế về PCCC trên địa bàn, UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai tăng cường công tác PCCC&CNCH, trong đó trọng tâm là các biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn. Thực hiện kế hoạch này, vừa qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức đợt tổng kiểm tra, rà soát thực hiện các quy định về PCCC trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực tế kiểm tra cho thấy, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã quan tâm tới công tác PCCC, thành lập Ban Chỉ đạo và đội PCCC cơ sở, xây dựng phương án chữa cháy… Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn coi nhẹ công tác này. Chẳng hạn như Công ty TNHH Banpo Việt Nam (trụ sở tại thị trấn Đu, Phú Lương) là cơ sở dệt may lớn tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao nhưng lại chưa nghiêm túc trong việc triển khai công tác PCCC&CNCH đến người lao động và cán bộ công nhân viên, trong khi hệ thống điện đấu nối không an toàn. Đơn vị này vẫn chưa thực hiện thẩm định thiết kế về PCCC&CNCH khi mở rộng công trình đúng quy định… Tương tự, nhiều đơn vị chưa chú ý đến việc bảo quản, bảo dưỡng cũng như bố trí các phương tiện chữa cháy không hợp lý; phương tiện phục vụ công tác chữa cháy tại chỗ thiếu, xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu hoặc không thực hiện nghiêm túc việc huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng chữa cháy cơ sở theo quy định như: Công ty TNHH Một thành viên Cơ điện - vật liệu nổ 31, Công ty TNHH ShinWon Ebenezer, Công ty Công nghiệp hóa chất Mỏ Việt Bắc… Điều đó chứng minh rằng, nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự chú trọng đến công tác PCCC, coi thường sự an toàn tính mạng, tài sản của bản thân và người lao động.
Ngay sau đợt kiểm tra, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức Hội nghị triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn với sự tham dự của đại diện 34 cơ sở, doanh nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn. Điều đáng mừng là sau Hội nghị, các đơn vị trên đều nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC, tác hại khi xảy ra cháy nổ và nhất trí thực hiện theo các nội dung các kế hoạch về phòng chống cháy lớn (đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ thường xuyên cho đội PCCC cơ sở, trang bị đầy đủ các phương tiện, thực hiện tuần tra…).
Cũng trong thời gian vừa qua, một số khu, cụm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như: khu công nghiệp Gang thép, Sông Công, cụm Quốc phòng đã tổ chức hội thao về PCCC, thu hút 22 doanh nghiệp, cơ sở tham gia. Hoạt động trên vừa thiết thực hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC 4-10-2013 cũng là dịp để đánh giá chất lượng công tác huấn luyện, rèn luyện của lực lượng PCCC cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị trong PCCC, nhất là trong phòng ngừa cháy lớn.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Chu, phòng chống cháy lớn không phải là điều quá khó nếu các đơn vị, cơ sở nâng cao ý thức, tổ chức tuần tra, canh gác kịp thời phát hiện những sự cố, đám cháy ngay từ những phút ban đầu. Khi chúng ta có được những biện pháp khắc phục được các nguyên nhân như đã nêu thì cháy lớn không có cơ hội bùng phát, giảm thiểu tối đa thiệt hại về mọi mặt. Những hành động nhỏ sẽ phòng ngừa được cháy lớn.