Trao quyền làm chủ cho nhân dân

09:48, 22/10/2013

Thực hiện chủ trương của tỉnh về hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới, Thị ủy Sông Công đã có cách làm sáng tạo riêng: Không thu tiền thiết kế, giám sát nhằm giảm bớt chi phí cho cơ sở; trao quyền cho các xóm tự lựa chọn đơn vị xây dựng... Nhờ đó, đã nâng cao được tính dân chủ, tránh được thắc mắc không đáng có trong nhân dân về quản lý tài chính.

Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi được dự buổi họp của xóm La Doan, xã Tân Quang về việc phổ biến nội dung làm 420m đường bê tông. Nhìn chung các ý kiến đều đồng tình với cách triển khai thực hiện nhất trí biểu quyết mức đóng góp 350 nghìn đồng/người, thu làm 2 đợt. Bà Trần Thị Dung, người dân trong xóm cho biết: Mọi thu, chi làm đường được dán công khai ở nhà văn hóa, các cán bộ, đảng viên của xóm đều gương mẫu vì công việc chung nên chúng tôi rất phấn khởi và ủng hộ. Còn bà Trịnh Thị Năm cho hay: Năm ngoái, khi người dân chưa đóng hết tiền để thanh quyết toán cho nhà thầu, ông Đào Mạnh Cường, Bí thư Chi bộ và ông Nguyễn Văn Uyên, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm còn ứng tiền túi ra hơn 23 triệu đồng cho xóm vay. Cán bộ, đảng viên biết hy sinh vì lợi ích của dân như thế, chúng tôi mừng lắm.

 

Năm 2012, La Doan cùng với 18 xóm khác thuộc 4 xã: Bình Sơn, Vinh Sơn, Tân Quang, Bá Xuyên đã huy động tốt nguồn lực trong nhân dân xây dựng đường bê tông theo chủ trương hỗ trợ xi măng của tỉnh. Với 1.700 tấn xi măng, trị giá trên 2 tỷ đồng tỉnh hỗ trợ, nhân dân các xã đã hiến gần 10.300m2 đất, đóng góp hơn 3 tỷ đồng để xây dựng 19 tuyến đường bê tông có tổng chiều dài trên 8,8km. Ông Ngô Mạnh Hùng, Trưởng ban Dân vận Thị ủy cho biết: Cuối tháng 9-2013, Đoàn kiểm tra của Thị ủy đã kiểm tra tại 4 Đảng bộ có công trình thực hiện từ nguồn vay xi măng của tỉnh. Nhìn chung, các Đảng bộ đều chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Các tổ vận động của xã được thành lập, giao nhiệm vụ trực tiếp cho cán bộ chủ chốt phụ trách thường xuyên bám sát cơ sở nên đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Các tuyến đường được giám sát chặt chẽ từ thị xã đến xã, xóm nên đều hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng theo thiết kế và đã được nghiệm thu, quyết toán.

 

Thực hiện các Quyết định của UBND tỉnh về hỗ trợ xi măng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn năm 2012, UBND thị xã đã phân bổ cho 4 xã xây dựng nông thôn mới. Phòng Quản lý đô thị thị xã được giao thực hiện thiết kế, tư vấn thiết kế, thẩm định 19 công trình không thu tiền của các xã (giá trị khoảng trên 200 triệu đồng). Năm 2013, T.X Sông Công có kế hoạch thực hiện các công trình đường bê tông ở 4 xã xây dựng nông thôn mới với chiều dài trên 15km. Phòng Quản lý đô thị thị xã đã hoàn thành thiết kế xây dựng không thu tiền của các xã (giá trị khoảng gần 400 triệu đồng). Hiện, một số xóm đang triển khai xây dựng, dự kiến tiến độ hoàn thành các công trình xong trước tháng 12-2013. Ông Hoàng Văn Pha, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã cho biết: Thực hiện chỉ đạo của thị xã, chúng tôi không thu tiền thiết kế với các công trình ở các xã và không hạch toán vào giá trị công trình. Đây là việc làm của cán bộ nhân viên cơ quan chuyên môn cùng chung sức với nhân dân thị xã xây dựng nông thôn mới.

 

Ông Nguyễn Đức Giang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bá Xuyên nhận xét: Tôi thấy, áp dụng thiết kế mẫu đường bê tông tại các xã xây trên địa bàn đều phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Việc thị xã không thu tiền thiết kế (tính trung bình hơn 10 triệu đồng/công trình), giảm bớt chi phí cho cơ sở đã động viên và khích lệ lớn về tinh thần cho người dân. Nhất là việc cho các xóm tự lựa chọn đơn vị xây dựng đã giảm nhiều kinh phí cho công trình, được bà con đồng thuận (18 công trình do các tổ, nhóm thợ ở địa phương thực hiện, chỉ có 1 công trình do doanh nghiệp thực hiện - PV). Về điều này bà Phạm Thị Đào, Trưởng xóm La Doan, xã Tân Quang nói: Chúng tôi được tự lựa chọn đơn vị xây dựng, khoán trắng cho họ mỗi m3 quy ra tiền là 430 nghìn đồng (năm nay là 500 nghìn đồng). So với một số địa phương trong tỉnh thuê doanh nghiệp làm mà chúng tôi tham khảo thì rẻ hơn một nửa tiền cho mỗi m3, tính cả công trình chúng tôi giảm được khoảng trên dưới 100 triệu đồng (tính cả tiền thị xã không thu thiết kế và giám sát - PV).

 

Tìm hiểu việc xây dựng đường bê tông từ nguồn vốn hỗ trợ xi măng của tỉnh trên địa bàn T.X Sông Công chúng tôi thấy, quá trình thực hiện ở 4 xã đều được nhân dân họp bàn công khai và dân chủ, sau đó lên phương án đối ứng và thực hiện thu tiền đối ứng của nhân dân trước thi công. Sau thi công, thu, chi đều được dán công khai ở nhà văn hóa. Các xã thành lập Ban quản lý công trình và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, có giám sát kỹ thuật của chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và giám sát cộng đồng do các xóm cử ra. Việc giám sát từ phía thị xã cũng được chỉ đạo không thu tiền của nhân dân nhằm giảm bớt chi phí đầu tư. Chỉ có Ban xây dựng, Ban giám sát do nhân dân bầu ra ở xóm, xã mới có bồi dưỡng từ 30-100 nghìn đồng/người/buổi giám sát theo điều kiện từng nơi. Nhờ sự chỉ đạo đúng hướng cũng như các cơ chế hỗ trợ kịp thời từ tỉnh đến thị xã nên đã được nhân dân đồng thuận, nhất trí cao và sẵn sàng góp sức người, sức của. Thống kê của thị xã cho thấy, mức đóng góp trong nhân dân từ 350 -650 nghìn đồng/người, tính ra nhiều hộ mặc dù đời sống còn khó khăn nhưng vẫn hoàn thành đóng gần chục triệu đồng làm đường.

 

Nói về việc hỗ trợ xi măng xây dựng hạ tầng nông thôn, đồng chí Cao Ngọc Loan, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy cho biết: Chúng tôi đề nghị với Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành quan tâm, xem xét phân bổ thêm vốn hỗ trợ (phần đối ứng bằng tiền) cho các công trình được cấp vật tư xi măng vì phần tỉnh hỗ trợ hiện nay chỉ chiếm khoảng 18% tổng dự toán công trình trên địa bàn thị xã.

 

Còn đồng chí Dương Hồng Vượng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Sơn bày tỏ: Từ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, năm 2012 chúng tôi đã triển khai làm hơn 1,7km tuyến đường xóm Linh Sơn 1 - Kim Long 1. Năm nay, tiếp tục được nhận hỗ trợ của tỉnh 400 tấn xi măng, chúng tôi đã có thiết kế hoàn thiện 7 công trình đường bê tông xóm với tổng chiều dài hơn 1,5km, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 12. Qua nắm bắt tình hình, chúng tôi thấy nhân dân đều mong muốn sẽ được tăng cường thêm lượng xi măng được vay trong các năm tiếp theo để làm các tuyến đường nội đồng và các công trình khác như kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa…