Vào vùng lũ quét

07:59, 18/10/2013

Ở Hà Tĩnh, dù mực nước nhiều con sông vẫn đang dâng cao, nhưng với tinh thần lũ rút đến đâu,  khắc phục hậu quả ngay đến đó, các địa phương đã huy động các lực lượng nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân vùng lũ.

Rốn lũ Hương Sơn

 

Chúng tôi vào xóm 3 (làng Chè) nơi trận lũ quét vừa xảy ra cách đây 24 tiếng đồng hồ. Xóm làng Chè  trù phú là thế, giờ đây tiêu điều xác xơ. Những gốc cây to bật rễ nằm ngổn ngang trên đường, thậm chí chui vào tận trong những ngôi nhà đổ sập hay vắt vẻo ở thành cầu đứt gãy... Toàn bộ diện tích cây chè và cây vụ đông ở đây bị bùn, cát vùi lấp... Ðiều đáng nói, trận lũ quét lịch sử xảy ra cách đây 11 năm ở huyện miền núi Hương Sơn, cũng quét qua đúng khu vực này. Chị Hồ Thị Thu (52 tuổi) ở xóm 3 làng Chè, xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vẻ mặt vẫn đang  thất thần nhớ lại: "Sau cả một đêm mưa như trút nước, đến 7 giờ sáng  hôm qua (16-10), lũ tràn về quét hết  cả xóm làng Chè chúng tôi. May bà con cảnh giác sơ tán người đi đến nơi an toàn trước đó". Người thì an toàn, nhưng lũ đã quét hết tài sản, lợn gà... Ngay sát nhà chị Thu, nhà anh Võ Ðức Hạnh cũng bị lũ kéo sập ngôi nhà dưới cùng tài sản và nhấn chìm gần hai tấn lúa... Anh Hạnh moi đống lúa trong sập ra, than: Thóc ngâm nước bùn ra ri, ít hôm nữa mọc mầm hết!

 

Ðáng thương nhất là nhà ông Trương Công Tứ cùng ba gia đình nữa bị cuốn trôi do trúng giữa dòng lũ. Ông Tứ cho biết: "Thấy nước sông lên nhanh, hai vợ chồng vừa giục nhau dắt được ba con trâu lên núi, khi quay xuống thì thấy nhà mình bắt đầu trôi...!".

 

Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 Cao Kỳ Vỵ cho biết: Trong số 416 ngôi nhà bị ngập thì có đến hai phần ba trong số đó bị lũ cuốn trôi hết tài sản. Ngoài ra, lũ còn phá hỏng ba cây cầu lớn cùng nhiều đoạn đường giao thông liên huyện, chia cắt hai thôn Tiền Phong, Thanh Dũng và Tổng đội thanh niên xung phong với trung tâm xã...

 

Ngay sau lũ, Ban Chỉ huy PCLB huyện đã huy động hơn 200 người, năm xuồng cứu hộ; phối hợp với 100 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và ba xuồng để ứng cứu và tìm kiếm cứu nạn. Lãnh đạo huyện Hương Sơn đã có mặt kịp thời để động viên thăm hỏi và cứu hộ khẩn cấp 370 thùng mì tôm, 100 két nước khoáng  ứng cứu các hộ dân xã Sơn Kim 2; phân bổ 3.000 thùng mì tôm cho các hộ bị ngập lũ. Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cũng đã có mặt kịp thời để giúp người dân thu dọn đống đổ nát; bới tìm tài sản trong đống bùn non; vệ sinh môi trường, gạt lớp bùn dày ra khỏi nhà, khỏi sân... Anh Ðặng Văn Lộc ở xóm 3 cho hay, nếu không có ba chiến sĩ biên phòng hỗ trợ từ sáng sớm thì gia đình không biết bao giờ mới đẩy được hết hàng chục m3 bùn ra khỏi nhà!

 

Tại Trường mầm non Sơn Kim 2, nhờ có sự tiếp viện của các cô giáo Trường tiểu học Sơn Kim 2 và mầm non Sơn Tây cùng phụ huynh học sinh, cho nên việc vệ sinh môi trường và dọn dẹp đồ dùng học tập cũng được tiến hành khẩn trương hơn. Hiệu trưởng nhà trường  Phan Thị Hồng Lan cho biết: Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, phấn đấu sang tuần có thể đón 128 cháu học sinh đến trường trở lại...

 

Hương Sơn là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do lũ và lụt gây ra với  thiệt hại ước hơn 250 tỷ đồng; mưa lũ làm bốn người chết và mất tích, bảy nhà bị lũ cuốn trôi và bị sập... Ðáng chú ý hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi bị hư hại nhiều; hơn 13 cầu cống bị trôi, bốn hồ đập bị sạt lở hư hỏng, 62 trường học và trạm y tế bị ngập sâu; quốc lộ 8 bị sạt lở nhiều điểm... Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Võ Văn Phúc cho biết, đến chiều  17-10, hiện vẫn còn 17 xã với hơn 6.600 hộ ở vùng dọc triền sông Ngàn Phố đang bị ngập nhưng hầu như không bị cô lập.

 

Không để dân đói sau lũ

 

Ðến chiều tối 17-10, nước lũ ở Hà Tĩnh bắt đầu rút, nhưng vẫn còn hơn 10 nghìn nhà dân ở  vùng ven sông hạ lưu của huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Ðức Thọ... bị ngập, trong đó ngập sâu gần 4.000 cái, 278 ngôi nhà bị tốc mái do lốc xoáy; một số trạm y tế ở vùng rốn lũ huyện Hương Khê, Vũ Quang... vẫn đang bị ngập sâu.

 

Trước, trong và sau lũ, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh sát cánh cùng người dân vùng lũ khi huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện để hỗ trợ cùng các địa phương tổ chức sơ tán dân và cứu hộ, cứu nạn. Chiều tối  16 và rạng sáng 17-10, lực lượng cứu hộ của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và Kiểm lâm Hương Sơn đã cứu được 12 người dân bị lật thuyền hay nước lũ cuốn trôi ở huyện Hương Sơn; Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh còn điều hàng chục cán bộ, chiến sĩ chi viện lương khô và nước uống cho số hành khách trong xe ca bị mắc kẹt tại Km 52 (quốc lộ 8) và tổ chức đưa họ đến vị trí tập kết an toàn chờ thông xe. Cán bộ, chiến sĩ  Ðồn Biên phòng 567 (Vũ Quang) sau nhiều giờ vật lộn dưới lũ lớn với nhiều thân cây từ thượng nguồn đổ về, đã đưa được 21 người dân xã Hương Quang cùng nhiều tài sản đến nơi an toàn và chằng chéo nhiều nhà cửa cho người dân.  Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh cùng tám xuồng máy đã có mặt tại điểm "nóng" Vũ Quang sớm di dời người dân vùng lũ lên các điểm an toàn...

 

Trưa 17-10, sau khi đi kiểm tra vùng ngập lụt, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã quyết định, hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương mì tôm, gạo cứu đói cùng một lượng hạt giống ngô, rau cần thiết để triển khai sản xuất ngay sau khi lũ rút; trong đó: Hương Sơn 3.000 thùng mì tôm, 100 tấn gạo cứu tế cùng 30 tấn  ngô giống, rau; đồng thời hỗ trợ cho gia đình có người chết là 10 triệu đồng/người, người bị thương hai triệu đồng/người... Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động khắc phục hậu quả, trong đó ưu tiên về an sinh xã hội, đi lại, ăn ở, học hành; tuyệt đối không để người dân vùng lũ bị đói, rét; khẩn trương khắc phục các công trình công cộng bị hư hỏng; các ngành liên quan tập trung xử lý môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, sức khỏe cho người dân. Tổ chức tiếp nhận và cấp phát hàng, tiền cứu trợ đúng đối tượng, bảo đảm công bằng. Sau lũ, ngoài việc ổn định cuộc sống cho người dân, các địa phương cần tập trung tổ chức lại sản xuất vụ đông sớm nhất.