Với nghề y, cần hơn nữa sự sáng về y đức, sâu về y lý và giỏi về y thuật

14:06, 28/10/2013

Trao đổi với báo chí chung quanh vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường thực hiện phẫu thuật thẩm mĩ gây chết người rồi ném xác phi tang, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập của ngành hiện nay. Ðồng thời đưa ra những giải pháp để nâng cao đạo đức nghề nghiệp và hạn chế những tai biến y khoa.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Không riêng bản thân tôi, mà tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành y tế đều trải qua các cung bậc cảm xúc trước sự việc trên, từ chỗ thấy choáng váng, sốc, đến phẫn nộ, đau xót và buồn. Choáng và sốc vì không thể tưởng tượng nổi một bác sĩ lại có thể hành động như vậy. Phẫn nộ vì vị bác sĩ này đã phản bội lời thề Hepocrat, vi phạm nghiêm trọng luật pháp và các quy định của ngành. Việc vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng phi tang là một hành động không còn tính người. Còn buồn và đau xót vì một cán bộ trong ngành, còn trẻ, được đào tạo, có cả con đường rộng mở phía trước đã phạm một sai lầm không thể tha thứ, để phút chốc phá đổ tất cả sự nghiệp, tiền đồ, tương lai của bản thân, làm ảnh hưởng đến gia đình, làm hoen ố mầu áo trắng của bác sĩ.

 

Trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế có hành vi sai trái và biểu hiện xuống cấp về y đức. Nhưng cũng không vì như vậy mà phủ nhận sạch trơn công lao của nhiều thế hệ cán bộ ngành y tế, trong đó có rất nhiều cán bộ, bác sĩ, nhân viên tâm huyết, giỏi nghề, luôn lấy cứu người làm trọng. Trường hợp này chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" và chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục, sửa chữa cho tốt hơn. Nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp, nhưng riêng nghề y càng cần hơn nữa sự sáng về y đức, sâu về y lý và giỏi về y thuật để tận tâm với nghề.

 

Vụ việc này xảy ra, trước tiên là lỗi quản lý của ngành. Trước mắt, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để giải quyết vụ việc một cách nghiêm minh theo đúng pháp luật. Ðồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra và rà soát lại toàn bộ các hoạt động của thẩm mĩ viện cũng như hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn Hà Nội nói riêng và trong cả nước nói chung. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, chúng tôi cần sự chung tay ủng hộ của toàn xã hội, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, sự phối hợp và ủng hộ của các cơ quan truyền thông nhiều hơn nữa và nhất là của người dân.

 

Ðối với việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ y tế, thời gian tới, Bộ Y tế  sẽ tiếp tục thực hiện một số biện pháp: Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện Chỉ thị 03- CT/BCT ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 1793/CT-TTg ngày 07-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vai trò gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị... Ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy tắc ứng xử, quy định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, giám đốc sở y tế, lãnh đạo y tế các cấp, trách nhiệm của giám đốc các bệnh viện, lãnh đạo khoa, phòng bệnh viện... Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường chỉ đạo, giám sát việc giảng dạy, hướng dẫn sinh viên các nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp để sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng y, ngoài việc nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, còn phải nắm thành thạo các tiêu chí đạo đức của người làm y tế.

 

Việt Nam có hơn 13 nghìn cơ sở y tế công lập, 35 nghìn cơ sở y tế tư nhân với hơn 400 nghìn cán bộ y tế hằng ngày phục vụ hàng triệu lượt khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nên không thể tránh khỏi những sai sót chuyên môn. Mặc dù Bộ Y tế đã tích cực, chủ động chỉ đạo sát sao và có nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế những sai sót không đáng có trong chuyên môn, nhưng thời gian vừa qua một số cơ sở y tế vẫn để xảy ra sai sót và tai biến về chuyên môn. Việc bác sĩ Tường không được phép làm thẩm mĩ nhưng vẫn làm và còn để xảy ra tai biến là một sai sót chuyên môn không đáng có trong ngành y, nhưng việc bác sĩ Tường không cấp cứu kịp thời, hơn nữa còn làm tử vong khách hàng và vứt nạn nhân xuống sông là hành vi không thể chấp nhận được, hành vi đó bị xã hội lên án và pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Ngành y tế sẽ cố gắng đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế thấp nhất những trường hợp tai biến và sai sót trong ngành. Các giải pháp tập trung vào: Rà soát lại hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề tai biến và sai sót chuyên môn, nếu thấy còn thiếu thì sẽ bổ sung kịp thời nhằm hạn chế tới mức tối đa những tai biến và sai sót đó. Siết chặt công tác đào tạo các cấp học của ngành y, không chỉ về chuyên môn mà còn bao gồm cả đào tạo đạo đức nói chung, y đức nói riêng. Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế tư nhân bao gồm cả cơ sở thẩm mĩ viện để phát hiện những sai sót, chấn chỉnh kịp thời hoặc không đủ điều kiện hành nghề sẽ buộc phải đóng cửa. Tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm quá tải bệnh viện, nhằm giảm áp lực khám, chữa bệnh cho thầy thuốc, góp phần giảm tai biến và sai sót. Bộ Y tế đang đề nghị: Xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học. Vì bác sĩ có thời gian đào tạo sáu năm, trong khi các đại học khác có thời gian đào tạo ngắn hơn; công chức, viên chức ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề, nhất là những chuyên ngành lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh, y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS...

 

Ðặc biệt cũng cần có sự chung sức của toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, nhất là các cơ quan báo chí có tiếng nói khách quan, trung thực nêu gương những việc tốt, điển hình và đấu tranh, loại trừ những việc xấu, tiêu cực trong ngành y tế.