Những năm qua, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo tích cực và mang lại hiệu quả đáng kể. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân mà còn hướng dẫn nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động quản lý Nhà nước, xã hội; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Buổi tuyên truyền, PBGDPL lưu động của Trung tâm trợ giúp pháp (TGPL) Nhà nước của tỉnh tại thôn Đồng Ban, Nạ Tẩm, Nạ Tiển, xã Phú Đình (Định Hóa) vào đầu tháng 11 vừa qua chật kín người tham gia mặc dù đang trong thời điểm bà con thu hoạch lúa. Nhiều gia đình có tới 2, 3 người cùng đến dự.
Sau khi ghi nội dung cần tư vấn vào phiếu, bà con đã được các cán bộ của Trung tâm TGPL giải đáp rành mạch từng vấn đề. Quan sát chúng tôi thấy, khi ra về, ai cũng tỏ vẻ hài lòng. Chúng tôi gặp bà Hoàng Thị Thang và bà Ma Thị Chỏi, ngoài 75 tuổi cùng là dân tộc Sán Chí ở thôn Đồng Ban và được các bà cho biết: Cán bộ nói rất rõ ràng và dễ hiểu. Chúng tôi rất phấn khởi khi được cấp trên trả lời trực tiếp những vấn đề người dân thắc mắc.
Trưởng thôn Nạ Tẩm, ông Trần Văn Lợi cho biết: 100% dân số trong thôn là đồng bào dân tộc Sán Chí, đời sống vẫn còn khó khăn và nhất là hiểu biết về pháp luật còn ít. Hôm nay, đến đây được cán bộ tỉnh giải thích tường tận, hướng dẫn cụ thể những thủ tục, các bước cần thiết liên quan đến chính sách người có công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... nên bà con rất phấn khởi.
Cùng chung nhận xét, Trưởng thôn Đồng Ban, ông Ma Tuấn Vân và Trưởng thôn Nạ Tiển, bà Âu Thị Tươi cho hay: Ban đầu được mời đến buổi tư vấn pháp lý bà con vẫn còn ngần ngại, nhưng sau khi được giải đáp miễn phí các câu hỏi về nhiều vấn đề liên quan đến chính cuộc sống, lợi ích của mình thì mọi người rất hào hứng. Chúng tôi mong rằng mỗi năm cấp trên sẽ tổ chức được vài buổi như thế này.
Ông Bùi Cẩm Thái, cộng tác viên TGPL, nguyên là Phó Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Tôi đã đi đến nhiều xóm, xã trên địa bàn và rất vui vì những thông tin mình cung cấp đã góp phần giúp người dân hiểu biết hơn về pháp luật. Nhìn chung, các nội dung người dân thắc mắc chủ yếu về chính sách với người có công, vấn đề tranh chấp đất đai, thừa kế, tặng cho hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì cần phải làm những thủ tục gì, kinh phí bao nhiêu. Cũng có nhiều người ý kiến về việc bình xét hộ nghèo, miễn giảm học phí cho con em đang theo học các trường phổ thông và chuyên nghiệp hoặc cải chính hộ tịch... Để tư vấn hiệu quả, được bà con đón nhận thì ngoài chuyện nắm kỹ kiến thức chuyên môn, chúng tôi cũng buộc phải hiểu về phong tục tập quán của người dân nơi đó hay đôi khi ngoài lề tư vấn có vài chuyện nhỏ pha hài hước để thu hút họ lắng nghe.
Nói về hoạt động TGPL lưu động cho người dân, ông Vũ Văn Chính, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ TGPL (Sở Tư pháp) cho biết: Từ nay đến cuối năm, Trung tâm sẽ thực hiện nhiều buổi trợ TGPL lưu động như thế này cho bà con các huyện Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai... Hoạt động này giúp bà con mở rộng hiểu biết về pháp luật, quyền lợi, nghĩa vụ của mình để chấp hành tốt cũng như vận động người thân, hàng xóm sống và làm việc theo đúng hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Từ năm 2004 đến nay, Trung tâm đã TGPL miễn phí trên 9.000 vụ việc cho người dân, trong đó tổ chức trợ giúp lưu động tại các xã, xóm, bản trên địa bàn tỉnh là trên 500 chuyến. Riêng năm 2013, Trung tâm thực hiện 88 chuyến TGPL lưu động, tư vấn cho 1.322 lượt người với 1.182 vụ việc. Ngoài ra, chúng tôi cũng cử luật sư bào chữa miễn phí tại các phiên toà và tư vấn pháp lý qua đơn thư, trợ giúp trực tiếp tại trụ sở hàng nghìn vụ việc…
Hoạt động TGPL nói chung và TGPL lưu động kể trên chỉ là một trong nhiều hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật đã được các cấp ngành, chức năng, địa phương phối hợp thực hiện và mang lại hiệu quả trong hơn 5 năm qua. Tùy đặc điểm tình hình, điều kiện cụ thể của từng địa phương, các cấp các ngành, cơ quan, đơn vị đã nghiên cứu, lựa chọn và triển khai hoạt động PBGDPL với hình thức phù hợp, sáng tạo, linh động. Ví dụ như cán bộ huyện, xã trực tiếp tư vấn cho người dân là cách làm ở xã Thuận Thành (Phổ Yên). Ông Nguyễn Trường Thọ, Chủ tịch UBND xã Thuận Thành cho biết: Địa phương nằm trong vùng quy hoạch nhiều dự án trọng điểm của huyện nên người dân có nhu cầu tìm hiểu về các thủ tục liên quan đến vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh việc phối hợp với các phòng chức năng của huyện giải đáp cho người dân, chúng tôi cũng giao cho cán bộ chuyên trách ở bộ phận "một cửa"... trực tiếp thông tin cho nhân dân khi họ đến làm việc tại trụ sở UBND hoặc lồng ghép tuyên truyền thông qua các hội nghị, cuộc họp ở xã, thôn, xóm.
Ngoài ra, những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh); cấp phát tài liệu pháp luật (sách, tờ rơi) hay thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật, công tác thi hành án dân sự; hoạt động tư vấn pháp luật của Hội Luật gia, Đoàn Luật sư; công tác tiếp công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo... Nhất là việc đẩy mạnh công tác hoà giải ở cơ sở đã góp phần giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình đoàn kết làng xóm, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp (hiện toàn tỉnh có 3.029 tổ hoà giải với trên 14.000 hoà giải viên; hàng năm số vụ hoà giải thành đạt tỷ lệ khoảng 75%).
Để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPl, tỉnh cũng quan tâm xây dựng, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác này từ tỉnh đến cơ sở. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 1.600 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện, tuyên truyền viên, cộng tác viên pháp luật cơ sở và hàng nghìn đội ngũ báo cáo viên của Đảng, giảng viên, giáo viên giảng dạy kiến thức pháp luật trong các nhà trường ở các cấp học. Đây là những cánh tay đắc lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, góp phần quan trọng trong hoạt động PBGDPL trên địa bàn thời gian qua.
Ông Nguyễn Hùng Tráng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá: Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình PBGDPL, tỉnh ta đã đạt được các mục đích, yêu cầu và mục tiêu đề ra. Các ngành, địa phương đã có nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của công tác PBGDPL, kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ thị, chương trình, kế hoạch hàng năm, hàng quý về công tác này. Đặc biệt là việc tuyên truyền, PBGDPL cơ bản đảm bảo được tính đồng bộ, toàn diện, phù hợp, hiệu quả. Chương trình không chỉ cung cấp thông tin, PBGDPL mà còn bao gồm cả vận động cán bộ, nhân dân nhằm mục đích nâng cao ý thức chấp hành trong cán bộ, nhân dân, hạn chế vi phạm pháp luật.