Để người làm công tác Đảng yên tâm làm việc

09:26, 01/11/2013

Có một số văn bản, chính sách đang khiến nhiều cán bộ chuyên ở cấp xã trách thiếu yên tâm công tác. Trong quá trình đi cơ sở, tôi đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ.

Một lần về xã Tân Phú (Phổ Yên), sau khi trao đổi nội dung chính theo yêu cầu của báo chí, ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú đưa tôi xem Công văn số 3692-CV/BTCTW ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Ban Tổ chức TW “Về việc xếp ngạch, bậc lương đối với cán bộ cấp xã có trình độ lý luận chính trị”. Nội dung chính của văn bản này có thể diễn đạt nôm na là: việc xếp lương cho cán bộ, công chức cấp xã thời gian tới đối với người đã có bằng chính trị nhưng đi học để có trình độ chuyên môn thì được xếp theo ngạch chuyên môn.

 

Cụ thể, bản thân ông Nguyễn Văn Bình là Bí thư Đảng ủy, đã có bằng trung cấp (TC) chính trị từ tháng 4-1997, ông đã khắc phục khó khăn để học và được cấp bằng TC chuyên môn nghiệp vụ từ tháng 12-2005, hiện đang được hưởng bậc 4 của mã ngạch 01004. Theo Công văn 3692, ông sẽ được xếp bậc 9 nếu theo bằng chính trị. Nhưng ông chỉ được xếp bậc 4 nếu theo bằng chuyên môn. Ở xã, có người chịu thiệt thòi nhiều hơn nữa là ông Trần Văn Phái, Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND. Ông Phái có bằng TC chính trị năm 1997. Mặc dù tuổi cao, ông vẫn cố gắng học và năm 2010 ông có bằng TC chuyên môn. Theo cách tính này, ông cũng chỉ được hưởng lương bậc 2 (hệ số 2,06), giảm 7 bậc so với xếp theo bằng chính trị. Trong khi đó, một cán bộ chuyên trách khác cũng có bằng chính trị từ tháng 4-1997, nhưng người này không học nâng cao trình độ chuyên môn. Theo Công văn này, thì người đó được xếp lương bậc 9. Ông Bình lý luận: Việc xếp lương như vậy sẽ triệt tiêu những người tích cực học tập để phục vụ nhân dân tốt hơn. Tính cụ thể, tôi thiệt khoảng 1,4 triệu đồng/tháng khi còn đang làm việc. Và khi về hưu, mỗi tháng tôi thiệt khoảng 400 nghìn đồng. Hiện xã Tân Phú có 4 cán bộ chuyên trách khác sẽ chịu cảnh thiệt thòi này là các ông: Lê Xuân Thành (Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND), Lê Ngọc Kha (Phó Chủ tịch UBND). Ông Bình đã thay mặt các cán bộ chuyên trách xã Tân Phú có đơn gửi lên Sở Nội vụ đề nghị Sở có ý kiến về Trung ương để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế địa phương cấp xã theo hướng: Những cán bộ có 2 bằng (chính trị và chuyên môn) thì được phép sử dụng bằng nào đảm bảo quyền lợi hơn để xếp lương.

 

Ngoài đồng tình với ý kiến trên của lãnh đạo xã Tân Phú, ông Ngô Xuân Trường (sinh năm 1958), Bí thư Đảng ủy xã Đông Cao còn bày tỏ nỗi niềm khác. Theo ông, quy định của bảo hiểm xã hội (BHXH) và chính sách của Đảng có điểm “vênh” đối với người làm công tác Đảng ở cơ sở hiện nay. Ví như nam từ tuổi 55, nữ ở tuổi 50 đã không được quy hoạch vào Ban Chấp hành Đảng bộ, trong khi BHXH lại quy định nam giới 60 mới được nghỉ hưu, nữ 55 tuổi mới được nghỉ. Vậy 5 năm còn lại họ sẽ làm gì? Chưa kể, BHXH quy định phải có 20 năm đóng bảo hiểm mới được hưởng lương hưu đã khiến người có nhiều năm công tác ở xóm trước khi lên xã không được hưởng chế độ này. Trường hợp của ông Trường là một điển hình: - Tôi làm kế toán hợp tác xã 10 năm, làm Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn 10 năm. Từ năm 2002, khi làm cán bộ chuyên trách ở xã, tôi mới được đóng BHXH. Như vậy, đến năm tôi 60 tuổi cũng chưa đủ 20 năm đóng BHXH, vì thế tôi sẽ không được hưởng lương hưu.

 

Những vấn đề bất cập nói trên đã được lãnh đạo các xã phản ánh tại nhiều hội nghị của huyện, nhưng các cơ quan chức năng cũng chỉ ghi nhận và có ý kiến lên cấp trên chứ không đủ thẩm quyền để giải quyết. Tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhằm nắm bắt tình hình triển khai Nghị quyết TW7 (khóa XI), đồng chí Trần Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW cho biết, nhiều địa phương cũng có ý kiến về một số văn bản chính sách chưa phù hợp với thực tế cơ sở, trong đó có Công văn số 3692-CV/BTCTW nói trên. Đây đang là vướng mắc khiến những người làm công tác đảng cấp xã hiện nay thiếu yên tâm công tác.