Một chợ quê giữa lòng thành phố Thép

10:24, 07/11/2013

Giữa ồn ào phố hội, chợt gặp một chợ quê, bình yên, dân dã khiến lòng người lắng dịu, bởi cảm giác man mác, thoảng thơm hương đồng nội của chè từ các làng nghề trong nước, quốc tế ùa về, hội tụ giữa lòng thành phố Thép gang Thái Nguyên. Chợ chân chất với những gánh hàng rong, mẹt quà bánh của các mẹ, các chị nông dân áo chàm buôn thúng, bán bưng, cùng lanh lảnh lời rao mời bên các quầy hàng bán tạp hóa, vải thổ cẩm và những gái, trai về chợ tình tứ tìm bạn.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Công ty TNHH Hội chợ Thương mại Á - Âu: Thông qua chợ quê, trưng bày sản phẩm trà và sản phẩm văn hóa các dân tộc, chợ quê nhằm động viên, khích lệ và tôn vinh thương hiệu Việt, đồng thời tái hiện lại một số nét văn hóa đặc trưng của từng vùng, miền nhằm duy trì, tôn vinh nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.   

 

 Chợ quê tại Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, năm 2013 được ví như chợ phiên, hai năm một lần. Nhằm trung tuần tháng 11, khi Thu về, chè vừa lúc hái xong vụ chính, người trồng chè có chút nhàn tản, đến chợ quê sắm sanh thêm vuông vải may áo ấm, mua hạt giống về trồng và mang bán những sản vật của nhà làm ra. Cũng bởi thế đường Hùng Vương (T.P Thái Nguyên), nơi họp chợ quê luôn đông đúc, nhưng không ồn ào. Người về chợ gặp nhau, vồn vã nhưng không vội vã. Mọi người trò chuyện nhiều hơn là bán, mua. Chợ họp từ sáng sớm cho tới lúc Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng chương trình Đọc chuyện đêm khuya, bên quán trà đầu chợ, những người khách cuối ngày mới đứng dậy, bịn rịn chia tay.

 

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Công ty TNHH Hội chợ Thương mại Á- Âu, người xây dựng kịch bản chợ quê cho biết: Chợ quê trưng bày sản phẩm trà và sản phẩm văn hóa các dân tộc. Chợ giới thiệu các sản phẩm làm từ chè và các sản vật đặc sắc của địa phương vùng Việt Bắc và đồng bằng Bắc bộ, trong đó có Thái Nguyên. Còn theo ông Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc, phụ trách Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Thái Nguyên: Chợ quê năm nay có chủ đề: “Hội tụ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc”. Chợ có 250 gian hàng, trong đó 25 gian hàng dành cho các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, còn lại là gian hàng dành cho những doanh nghiệp, HTX, cá nhân, nghệ nhân trong nước có kinh nghiệm, năng lực, hàng hóa tham gia chợ quê… Cũng theo Ban Tổ chức: Trong thời gian họp chợ còn có sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ ở Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh là: Thủy Tiên, Long Nhật, Bảo Thy, Châu Khải Phong và Minh Hằng.

 

Chợ quê Festival Trà mang nét độc đáo riêng, bởi không chỉ diễn ra cảnh bán, mua, trao đổi các sản phẩm nông nghiệp, như chè, gạo, đậu đỗ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, đặc sản, các loại gia vị tươi, khô, các loại đồ uống, các món ăn chế biến theo phương pháp truyền thống, thực phẩm trà thảo mộc… mà còn gợi cho người về chợ một hoài niệm chân quê, xưa cũ, với từng mái lán lợp cọ bên trong được bày trí sơ sài, người bán, người mua gần gũi, thân thiện. Ở khu chợ vùng cao có các mế ngồi bán cây thuốc nam, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong, nắm rau bò khai, tầm bóp, cải làn… Cạnh đó là các chị người Dao bày từng vuông thổ cẩm khoe mũi chỉ, đường thêu. Và ngay trên nền chợ, các chị người Tày, người Nùng bày bán dụng cụ sản xuất gồm lưỡi cày, bừa, liềm, hái. Mau miệng hơn phải kể đến các bà, các chị bán bánh bò, bánh gai, xôi ngũ sắc, bánh đúc, bánh cuốn trên Cao Bằng, Bắc Kạn về. Khách hàng cứ ghế mộc ngồi dân dã, chan húp thoải mái. Rồi nữa, từng rổ cá tươi mới bắt được ngoài sông Cầu, sông Công của bác nông dân hả hê mang về chợ. Cá bán mớ, người mua trả bao nhiêu, cũng gật, bán để còn về kịp tưới luống khoai. Kỳ công, song rất sơn dã là từng bó thịt trâu, bò sấy khô còn nồng mùi khói bếp, và chút thịt chua, cá muối đựng trong ống bương của các thương nhân từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái mang xuống. Những ẩm thực dân dã là cơm lam, gà nướng lá chuối, lợn quay Cao Bằng, vịt quay Lạng Sơn, thắng cố (Hà Giang) và từng lu rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Bắc Hà (Lào Cai) và Bó Nặm, Khưa Quang (Bắc Kạn)… Những sản vật dân dã nhưng chứa đựng trong đó cả một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của các dân tộc Việt Bắc.

 

Ngoài đầu chợ, ông đồ Nho ngồi giải nghĩa chữ, cho chữ… cái món ăn tinh thần thuần khiết của ông đồ Nho gợi lòng người nhớ về một chợ chè của gần trăm năm trước đây. Từ “thuở ấy”, người Thái Nguyên đã biết trồng chè, dùng trà và mang chè ra chợ đổi bán. Giữa chợ chè quê, chợt lời cọi đâu đó cất lên, rộn ràng nền nẩy quện hòa với tiếng đàn Tính. Tôi ngẩn ngơ tìm mới biết lời hát ấy được cất lên trong mái lán cọ liêu xiêu, chủ nhân của câu hát là chị Mai Thị Thanh, người bán nước chè. Cũng khi ấy tôi nhận ra, về chợ chè quê là một may mắn đối với tôi cũng như mọi người. Bởi về chợ, được thưởng trà trong khung cảnh bình yên, làm mỗi người quên đi sự náo nhiệt, ồn áo phố xá. Bên chén trà lòng người trở nên  bình thản hơn, nhất là khi được nghe nghệ nhân làng chè giảng giải kỹ, nhuyễn về lịch sử của cây chè Thái Nguyên. Rằng: Từ 240 năm trước, Lê Quý Đôn, trong sách “Vân đài loại ngữ” có ghi trong mục IX thảm vật như sau: “Cây chè mọc xanh um, người dân đã biết hái lá chè dã nát, phơi trong râm, khi khô đem pha nước uống, tinh hơi hàn, mát tinh phổi, giải khát…”. Chè Thái Nguyên được nhiều nhà khoa học đánh giá là có hàm lượng ta lanh cao hơn hẳn so với chè của các tỉnh lân cận. Bởi thế, Thái Nguyên được dân gian phong hiệu “Đệ nhất danh trà”.

 

Bà Nga cho chúng tôi biết thêm: Chợ quê lần này được tái hiện lại khung cảnh chợ chè xưa, với từng mái lán lợp cọ, lò sao xấy chè, có nghệ nhân làng chè biểu diễn việc sao, sấy chế biến chè và nghệ thuật pha trà, mời khách thưởng ẩm… Bên một bàn tre, người về chợ, dù lần đầu gặp nhau, đối ẩm vô tư, từng lời chân chất: Anh quê Cao Bằng, Hà Giang, tôi người Thái Nguyên, Yên Bái… xuống chợ, bán chè, gặp bạn, mừng lắm. Chị Trần Thị Nhinh xởi lởi: Mời các bác uống trà, thấy ngon thì mua. Chè chợ quê bán mớ, đong ống bơ bò, không cân, không lạng, bác ưng, trả bao nhiêu tiền cũng được.

 

Trải tấm lá cọ ra nền chợ, chị Nhinh chia thành nhiều loại khác nhau: Chè móc câu, chè bồm, chị bảo: Tiền nào chè ấy. Cứ vui vẻ, hồn hậu và đặc sệt sự thuần khiết một chất quê  - chất quê của gần trăm năm về trước còn lưu lại đến bây giờ.