Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành về tăng cường quản lý hành nghề y dược tư nhân được Bộ Y tế tổ chức ngày 4-11.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, cả nước hiện chỉ có 290 thanh tra y tế, nhưng có đến 800 bệnh viện từ tuyến huyện trở lên và 69.000 cơ sở hành nghề y dược tư nhân.
Quá rối với cơ sở y dược tư nhân
“290 thanh tra y tế bao quát 800 bệnh viện công lập thì đủ, nhưng thêm 69.000 cơ sở tư nhân thì rối. Rõ ràng phải tìm cách quản lý phù hợp, không thể cứ tăng cơ sở là tăng nhân lực thanh tra. Đã đến lúc phải suy nghĩ một phương thức quản lý - Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu ngành y tế phải làm ngay sáu việc. Thứ nhất, ngành y tế cần rà soát lại các văn bản quản lý, trong đó sớm trình Chính phủ ban hành nghị định xử phạt hành chính về lĩnh vực y tế, trong đó có y tế tư nhân.
Thứ hai, đối với hai loại dịch vụ (gồm dịch vụ spa và chăm sóc sức khỏe) không phải hoạt động đăng ký y tế, nhưng có hoạt động can thiệp vào sức khỏe con người thì đề nghị ngành Y tế phải có hướng dẫn sớm. Thứ ba, về vấn đề quảng cáo, phải có sự phối hợp giữa ba bộ: Y tế, Thông tin - truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trong quý 1-2014, ban hành hướng dẫn về quảng cáo trong lĩnh vực y tế (từ yêu cầu về nội dung quảng cáo đến cách thức quảng cáo...).
Thứ tư, Bộ Y tế sớm ban hành bộ chỉ tiêu xếp hạng, đánh giá cơ sở y tế ngoài công lập (trong quý 1-2014) căn cứ vào khả năng bảo đảm chất lượng, trình độ khám chữa bệnh của các cơ sở đó để họ thu hút bệnh nhân đúng với năng lực và có thể có mức trả bảo hiểm y tế phù hợp với mức xếp hạng. Thứ năm, thực hiện yêu cầu bốn công khai đối với cơ sở y tế tư nhân gồm: mục tiêu hoạt động, nhân lực, giá cả, có địa chỉ cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở y tế tư nhân. Thứ sáu, rà soát lại việc phân cấp quản lý cơ sở ngoài công lập. Ở địa phương có ít cơ sở thì cách làm có thể đơn giản hơn, nhưng với các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh, phải xem xét kỹ ba khâu gồm đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề và giấy phép khám chữa bệnh.
Chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính đề nghị rất nên giao cho xã phường nhiệm vụ kiểm tra hành nghề trái phép tại địa phương, chứ không nên đợi họ hoạt động rồi, quảng cáo sai rồi mới kiểm tra.
Ban hành thông tư về y đức
Đây là điều mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặt ra nhiều nhất tại hội nghị. Theo bà Tiến, vụ việc vừa qua (tại thẩm mỹ viện Cát Tường, Hà Nội) “ngành Y tế không bao che, rất đau xót, phẫn nộ trước vụ việc. Đây là đợt nhìn lại chính mình, lần này Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư quy định về y đức. Ngành nào cũng có đạo đức nghề nghiệp, ngành y cũng thế và ngành y khác là có thông tư quy định về đạo đức nghề nghiệp”.
Trong đợt tiếp xúc với cử tri tại T.P Hồ Chí Minh vừa qua, bà cho hay đã tiếp xúc với một cử tri từng bị bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ quát mắng khi đi khám bệnh. “Sau đó ra ngoài hội trường, chị ấy còn khóc với tôi. Tôi cũng bức xúc vì đồng nghiệp của mình vì sao lại có thể quát mắng bệnh nhân như thế? Tôi đề nghị Bệnh viện Từ Dũ kiểm điểm nghiêm túc bác sĩ đó. Theo tôi, các bác sĩ có vi phạm phải xử lý thật nghiêm, thậm chí có thể thuyên chuyển công tác, giao trưởng khoa chịu trách nhiệm trước giám đốc bệnh viện nếu để xảy ra vi phạm y đức. Giám đốc chịu trách nhiệm trước giám đốc sở hoặc Bộ Y tế” - bà Tiến nói.
Hiện điểm khó nhất với cơ sở hành nghề y dược tư nhân là nhân lực, phần lớn là nhân sự hợp đồng hoặc cán bộ về hưu, bà Tiến phân tích. Ngay sau đợt “nhìn lại chính mình” này, năm thứ trưởng Bộ Y tế sẽ dẫn năm đoàn kiểm tra đi 10 địa phương trọng điểm, kiểm tra cả về thẩm mỹ, y tư nhân, nha khoa, dược tư nhân..., rút kinh nghiệm và chỉnh đốn.