TN - Sau gần một tuần neo lại đảo Đá Tây để tránh sóng biển, tàu HQ571 đến đảo Trường Sa Lớn đúng vào ngày cuối cùng của năm 2013. Thời gian lưu lại tuy ngắn ngủi - chỉ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ - nhưng cũng đủ để chúng tôi cảm nhận được sự thanh bình và sức sống ở nơi được coi là “trái tim” của quần đảo Trường Sa.
Sức sống trên đảo Trường Sa
Đứng từ xa quan sát, Trường Sa Lớn như một ốc đảo xanh với bạt ngàn cây cối. Những cột phong điện nằm ngay sát bờ biển giống như những người lính hiên ngang canh gác cho đảo. Bước chân xuống cầu cảng, dạo quanh một vòng quanh đảo để ngắm nhìn, nhiều người trong đoàn chúng tôi đã thốt lên: Đẹp quá! Thật chẳng kém gì so với một thị trấn trong đất liền. Trường Sa Lớn (hay còn gọi là đảo Trường Sa) vốn được mệnh danh là “Thủ đô của quần đảo Trường Sa”, đây chính là thị trấn, trung tâm hành chính của Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Đoàn công tác thắp hương phần mộ các liệt sĩ trên đảo Trường Sa Lớn.
Ngay gần cột mốc chủ quyền của đảo, Đền thờ Bác Hồ nằm uy nghi, kế đó là Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Đây là công trình được tỉnh Nghệ An xây dựng tặng Huyện đảo từ năm 2011. Đường băng sân bay dài cả trăm mét chạy dọc chính giữa đảo trở thành quảng trường rộng. Đây là địa điểm chơi đùa lý tưởng của những trẻ nhỏ ở đây.
Cây cối trên đảo Trường Sa Lớn rất đa dạng, hiển hiện một sức sống mãnh liệt. Không chỉ những cây đặc thù của vùng biển đảo như: Bàng vuông, Phong ba, Bão táp… mà còn có nhiều loài cây ăn quả được đem từ đất liền ra như chuối, đu đủ và các loại rau xanh. Đặc biệt, do thích nghi được với điều kiện thời tiết nên loài rau mồng tơi phát triển rất tốt ở nơi đây. Ngay cạnh đường băng sân bay, tôi nhìn thấy một đàn lợn rừng đang nhẩn nha ăn cỏ trông như những con… trâu. Dưới tán cây, con gà mái dẫn đàn gà con kiếm tìm sâu bọ, cảnh vật sinh động không khác gì một vùng quê thuần nông Bắc bộ. Nếu không có tiếng sóng vỗ rì rào ngoài kia, ít ai nghĩ rằng đây là khung cảnh trên hòn đảo cách đất liền cả trăm hải lý. Binh nhất Lê Ngọc Dũng, thuộc Phân đội pháo 37 tâm sự: “Ngoài thời gian huấn luyện và trực chiến, tụi em còn tích cực tăng gia sản xuất, vừa cải thiện bữa ăn, còn để được nghe tiếng gà, tiếng lợn kêu cho quên đi cảm giác nhớ nhà”.
Thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng, kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Điều kiện sinh hoạt của chiến sĩ và người dân trên đảo giờ rất tốt, không thua gì so với trong đất liền. Chúng tôi đã đào được giếng nước ngọt, có sân bóng chuyền, bóng đá, bàn bi-a… cho anh em giải trí. Hệ thống truyền hình được lắp các gói trả tiền với nhiều kênh hay. Mạng điện thoại di động rất tốt, các chiến sĩ thậm chí còn sử dụng cả mạng xã hội Facebook để liên lạc và nhận những hình ảnh gia đình trong đất liền gửi ra.
Cuộc sống của các cư dân trên đảo cũng ngày càng được cải thiện. Chị Lê Thị Thúy Hòa, một công dân của thị trấn Trường Sa chia sẻ: Ở đây, có trường lớp và thầy giáo để trẻ em đến trường, có bệnh viện hiện đại tương đương với bệnh viện đa khoa cấp huyện. Ngoài ra, chúng tôi còn được tạo điều kiện tối đa để phát triển nghề đánh bắt hải sản, tăng thu nhập.
Hồn quê giữa biển khơi
Lúc đang hỏi chuyện chị Lê Thị Thúy Hòa, không gian trên đảo Trường Sa Lớn chợt văng vẳng tiếng chuông chùa, âm thanh quen thuộc, thanh bình làm ấm lòng những người mới xa nhà như chúng tôi.
Nằm ngay trung tâm của đảo, ẩn dưới những rặng phong ba, chùa Trường Sa Lớn được xây dựng theo đúng phong cách truyền thống của miền Bắc bộ. Tòa chính điện gồm một gian, hai trái với mái chùa cong vút, có đầu đao ở ngọn, bên trong, phật điện rất nhiều pho tượng được chế tác công phu từ đá. Phía trên là 2 câu đối viết bằng chữ quốc ngữ, được sơn son thiếp vàng. “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/ Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ”. Điều đặc biệt ở ngôi chùa Trường Sa Lớn là có một pho tượng Phật bằng đá quý có nguồn gốc là Phật ngọc chùa Vàng ở Myanmar. Đây là món quà của Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đã tặng lại nhà chùa.
Được biết, trên Huyện đảo Trường Sa hiện có 3 ngôi chùa ở trên các đảo: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn. Đặc điểm chung của các ngôi chùa này là đều hướng về Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước. Các chùa xây theo phong cách truyền thống gồm 1 gian, hai trái hoặc 2 gian 3 trái với vật liệu là nhiều loại gỗ quý có khả năng chịu được độ mặn của nước biển.
Thượng tá Đinh Trọng Thắm, Chỉ huy phó đảo Trường Sa Lớn cho biết: Vào ngày rằm, mùng một, cán bộ chiến sĩ và bà con trên đảo thường xuyên vào chùa thắp hương. Ngoài ra, những ngày biển lặng. ngư dân cũng đến đây làm lễ để cầu mong cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm cá.
Không ai bảo ai, mọi người trong đoàn công tác chúng tôi đều cùng vào phật điện của chùa Trường Sa Lớn để thắp nén hương, cầu mong những điều an lành cho đất nước khi năm mới đã tới.