Ở Trường Sa, những bác sĩ quân y có vai trò đặc biệt, họ vừa chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, vừa trực chiến đấu, đồng thời ứng cứu và chữa trị cho những ngư dân gặp nạn khi đánh bắt cá xa bờ.
Hôm chúng tôi đến đảo Trường Sa Đông, các y, bác sĩ tại Bệnh xá của đảo đang chữa trị cho một bệnh nhân bị gãy hai xương sườn. Đó là trường hợp Đại úy Lê Văn Long, thuộc Tiểu đoàn 872 bị ngã khi đang sửa chữa thiết bị pháo. Khi đưa vào Bệnh xá (ngày 17-12-2013), anh Long trong tình trạng bầm dập phía ngực phải, đau và khó thở. Đại úy, bác sĩ Ngô Quang Tuấn, Trưởng Bệnh xá cùng các y sĩ đã kịp thời sơ cứu, cố định vết thương. Sau 2 tuần điều trị, sức khỏe của anh Long đã ổn định, có thể theo tàu vào đất liền để điều dưỡng. Đại úy, bác sĩ Ngô Quang Tuấn cho biết: Bệnh xá Trường Sa Đông hiện có 4 người, gồm một bác sĩ chuyên khoa 1, hai y sĩ và một điều dưỡng. Về cơ sở vật chất, đơn vị đã được trang bị nhiều máy móc hiện đại, như: Bàn mổ, máy thở khí oxi, máy đốt… Trong năm 2013, Bệnh xá đã khám và điều trị cho 526 lượt người, trong đó đã mổ thành công cho 5 trường hợp viêm ruột thừa.
Đối với các đảo cấp 1 (gồm Trường Sa Lớn, Song Tử và Nam Yết), các bệnh xá được trang bị hiện đại tương đương bệnh viện cấp huyện. Trong năm vừa qua, Bệnh xá thị trấn Trường Sa đã thực hiện thành công 20 ca trung phẫu và giải phẫu. Trong đó, có nhiều trường hợp bệnh nhân bị chấn thương nặng như thủng dạ dày, bệnh phổi… Đại úy, bác sĩ Lê Minh Phong, Trưởng Bệnh xá Trường Sa thông tin: Đối với những trường hợp bệnh nặng, Bệnh xá có các phương tiện kết nối để hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện quân y hàng đầu trong đất liền để xin ý kiến.
Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, các bệnh xá ở Trường Sa còn kịp thời ứng cứu và chữa trị cho các ngư dân gặp nạn. Tất cả ngư dân đến bệnh xá đều được miễn phí hoàn toàn, kể cả việc ăn uống. Trường hợp cấp cứu thành công cho ngư dân Bùi Tuấn Việt, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) được nhiều người gọi vui là “sự kiện” nổi bật năm 2013 ở thị trấn Trường Sa. Tháng 7-2013, ông Việt được các ngư dân đưa vào bệnh xá trong tình trạng co giật, cứng cơ và đã cấm khẩu. Các bác sĩ kiểm tra sơ bộ và nhận định bệnh nhân bị nhiễm trùng uốn ván (dân gian còn gọi là phong đòn gánh). Đây là bệnh có nguy cơ tử vong cao. Tập thể y, bác sĩ của Bệnh xá đã tìm mọi cách để giành giật sự sống cho người bệnh. Nhiều phần việc các chiến sĩ quân y phải thực hiện bằng phương pháp thủ công do không có thiết bị chuyên dụng. Sau 1 tuần cấp cứu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 (T.P Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị và xuất viện sau đó.
Trung úy, bác sĩ Lê Xuân Hoàn, Trạm Bệnh xá trên đảo An Bang còn nhớ mãi kỷ niệm cấp cứu cho một ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi năm vừa rồi. Anh kể: “Hôm đó là một ngày biển động, được tin có một ngư dân đang nguy kịch cần sự giúp đỡ, anh em Bệnh xá đã chạy ra tận bờ biển để hỗ trợ. Vật lộn với sóng lớn hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi mới đưa được bệnh nhân lên bờ. Khi vào bệnh xá, bệnh nhân kêu đau bụng, da mặt tím tái và liên tục nôn. Sau khi kiểm tra bằng máy, bệnh nhân được xác định bị thủng thành ruột do xương cá xuyên qua. Bệnh xá đã kịp thời sơ cứu, cho thở oxi rồi nhờ tàu chuyển sang điều trị tại Trường Sa Lớn.
Trong tổng số bệnh nhân được khám chữa bệnh ở các bệnh xá trên quần đảo Trường Sa, số bệnh nhân là ngư dân luôn chiếm đa số. Bác sĩ Ngô Quang Tuấn giải thích: Đa số anh em chiến sĩ có sức khỏe tốt nên chúng tôi chỉ kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc cấp thuốc cho các trường hợp ốm thông thường. Trong khi đó, ngư dân đi biển luôn tiềm ẩn nguy cơ gặp tai nạn khi làm việc hoặc ngộ độc thực phẩm. Tôi từng cấp cứu cho những bệnh nhân liệt nửa người do lặn sâu hơn 40m, bị nhiễm trùng hay cá biển ngoạm mất cả miếng thịt trên đùi. Những trường hợp như vậy, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Vào mùa biển động, các bệnh xá ở huyện đảo Trường Sa luôn thực hiện chế độ trực 24/24 giờ. Ngoài ra, ở các điểm đảo chìm, tuy không có bệnh xá nhưng đều bố trí các y, bác sĩ quân y thường trực để ứng cứu cho những ngư dân gặp nạn. Có thể nói, các bác sĩ quân y không chỉ chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ mà còn giúp các ngư dân vững tin hơn khi đi biển, khuyến khích họ phát triển nghề đánh bắt cá xa bờ để tăng thu nhập.