Đến xóm 15, thuộc miền Đầm Mương, xã Minh Đức (Phổ Yên) vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán, chúng tôi được thỏa mắt ngắm vẻ đẹp của hoa mơ, hoa mận nở trắng xóa hai ven đường và cảm nhận được không khí xuân tràn ngập. Xóm hiện có 69 hộ, trên 270 nhân khẩu, trong đó 95% là người dân tộc Sán Dìu. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nhiều điều thú vị về phong tục độc đáo của người Sán Dìu vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Khi chúng tôi đến, gia đình ông Lại Hùng Kim, Bí thư Chi bộ Đầm Mương (sinh hoạt ghép các xóm 12, 13, 14, 15) đang cùng người nhà dọn dẹp nhà cửa, lát lại nền sân. Ông bảo, Tết sắp tới, chuẩn bị tươm tất một chút để cả nhà cùng có cái Tết vui vẻ, sum vầy. Hiện đời sống của người Sán Dìu nơi đây đã có nhiều thay đổi, một số phong tục đã bị lãng quên nhưng bà con vẫn giữ được những nét truyền thống đặc trưng của dân tộc mình.
Ông Kim ví dụ như tục trang trí ngày Tết: Vào chiều ngày 30, nhà nhà dọn vệ sinh, cắt hoa văn giấy đỏ dán trong nhà, bếp, chuồng trại chăn nuôi, các vật dụng quen thuộc và cuối cùng là các gốc cây trước cửa nhà với mong muốn mọi điều may mắn sẽ đến với gia đình trong cả năm sắp tới. Cũng như người Kinh, Tết của người Sán Dìu không thể thiếu bánh chưng. Nhưng điều khác biệt là bánh của người Sán Dìu hình ống, được gói bằng hai lớp lá: bên trong bằng lá chít, ngoài bằng lá dong rồi gấp nếp hai đầu tạo thành sáu góc cân nhau được gọi là lôc cóc chổng, tức là bánh chưng sáu góc. Ngày xưa, các cụ vẫn bảo, kinh nghiệm gói bánh chưng 6 góc ngon phải dùng gạp nếp quạ (nếp cái, xát có màu hơi đen). Mỗi nhà chuẩn bị 5-20kg gạo nếp và đỗ xanh, nhân thịt (1kg gạo gói được 3 chiếc bánh) tùy theo nhà đông hay ít người ăn. Trước khi gói, lá chít và lá dong đều phải được luộc qua. Thời gian luộc bánh của người Sán Dìu cũng dài hơn, khoảng 18 tiếng (từ 6h sáng đến 12h đêm).
Theo lời kể của ông Nguyễn Hồng Tiến, năm nay gần 70 tuổi, người dân ở xóm 15: Mâm cúng tất niên Tết cổ truyền của người Sán Dìu vẫn có gà, thịt luộc nhưng không thể thiếu món bánh con, cháo chè. Loại bánh con (gần giống với bánh trôi nhưng không có nhân) này sau khi xay bột, người làm sẽ vê tròn như những viên bi sau đó thả vào nước sôi, lúc nào nổi lên là vớt ra đĩa (mỗi đĩa 10 viên). Thông thường, mỗi nhà sẽ làm 5, 7, 9… bát đặt lên bàn thờ với ý nghĩa dâng lên tổ tiên những gì trong trắng, mát lành nhất.
Sau thời khắc giao thừa, họ lại đặt lên bàn thờ món cháo chè đón năm mới. Cháo được nấu bằng gạo nếp ngon, khi gần được, cho đường phên vào, quấy đều tạo độ sánh và vị ngọt. Tùy vào số bát hương trên ban mà mỗi nhà sẽ múc từng ấy bát cháo để cúng với mong muốn tổ tiên được hưởng bao điều ngọt ngào cũng như cầu những điều bình an trong cuộc sống.
Chị Đặng Thị Xuân, 33 tuổi cho biết: Năm nào chiều 30 Tết tôi cũng làm bánh con và cháo chè cúng tất niên. Con gái tôi năm nay 14 tuổi cũng được mẹ dạy cách làm để không quên phong tục của người dân tộc mình. Bánh con và cháo chè này tôi cũng như các chị em trong xóm còn làm cả mấy ngày Tết, là món ăn mát lành, chống ngán, nhất là giải rượu rất tốt.
Tìm hiểu về phong tục đẹp ngày Tết của người Sán Dìu ở Minh Đức, chúng tôi khám phá ra nét độc đáo riêng đó là tục giữ lửa. Bà Trần Thị Thu năm nay 66 tuổi cười nói: Đã mấy chục năm làm dâu, chiều 30 Tết, dù bận bịu công việc gì, tôi cũng vẫn nhớ nhiệm vụ của mình là chuẩn bị một cây củi thật to mang vào bếp. Củi này sẽ được đun và giữ than hồng kéo dài qua giao thừa đến sớm mùng Một Tết. Tục lệ này thể hiện ước muốn của người Sán Dìu là giữ lửa đỏ, cầu mọi điều hạnh phúc và may mắn nối tiếp từ năm này sang năm khác.
Ông Lại Hùng Kim cho biết thêm: Ngoài việc đến thăm chúc Tết bà con chòm xóm, các cụ già trong xóm 15 và miền Đầm Mương (có 4 xóm đa phần là người Sán Dìu) thường tập trung ở nhà một cụ cao tuổi để hát Soọng cô. Chỉ tiếc là giới trẻ bây giờ ít biết đến loại hình nghệ thuật này. Thời gian tới, Chi bộ sẽ đề nghị với cấp ủy, chính quyền xã tạo mọi điều kiện để thành lập câu lạc bộ hát Sọng cô của miền Đầm Mương với mong muốn giữ gìn và phát huy nét đẹp của đồng bào dân tộc…
Ngồi dự cuộc họp cuối năm của bà con tại Nhà văn hóa xóm 15, chúng tôi không chỉ được nghe những lời nói, quyết tâm mà còn biết bao câu chuyện vui của bà con Sán Dìu. Cuộc họp bàn được nhân dân thống nhất cao để chuẩn bị làm nền, đổ đá, mở rộng đường bê tông theo tiêu chuẩn nông thôn mới (đã có 19 hộ đồng tình hiến trên 2.000m2 đất thổ cư, đất lúa và vườn tạp cho việc mở rộng đường). Trong đó hộ nhiều nhất là bà Phạm Thị Lý và ông Đặng Văn Tài, hiến trên dưới 200m2, có cả gần 70m tường rào phải đập đi và xây lại.
Ông Đặng Văn Lương, Trưởng xóm 15 thông tin: Đời sống của đồng bào dân tộc Sán Dìu ở xóm 15 cũng như vùng Đầm Mương những năm qua đã có nhiều đổi mới. 100% hộ dân đã được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt cũng như hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước với đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn (hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế...). Xóm nhiều năm liên tục đạt văn hóa tiêu biểu của xã, huyện. Thu nhập bình quân của các hộ dân hiện đã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm (tăng 12 triệu đồng so với năm 2010). Năm 2013, đã có 8 hộ trong xóm thoát nghèo.
Tết này, gia đình chị Lý Thị Lan cũng như 7 hộ khác trong xóm 15 đều thấy phấn khởi hơn vì đã thoát nghèo. Mấy năm qua, chị Lan thuộc diện hộ nghèo. Năm 2011, chị vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư nuôi 2 con lợn nái, 20 con lợn bột và 100 con gà thịt/lứa. Ngoài ra, vợ chồng chị còn làm gần 1 mẫu ruộng và vài sào chè. Ngoài thời gian mùa vụ, chồng chị đi làm, phụ hồ cho các công trình xây dựng ở gần nhà để kiếm thêm thu nhập. Chị Lý Thị Lan nói: Tết này vui hơn nhiều. Mọi năm, nhà còn nghèo, tôi chỉ dám ăn đụng 10kg thịt lợn. Năm nay, kinh tế khá hơn, vợ chồng tôi đã chuẩn bị một con lợn khoảng 30kg móc, dự định mổ ăn mừng Tết này đã thoát nghèo…