Trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, nhà nào cũng có ít nhất 1 cặp bánh chưng để trên bàn thờ tổ tiên. Tại Phú Lương, có một làng nghề nổi tiếng với nghề làm bánh truyền thống, đó là làng nghề bánh chưng Bờ Đậu...
Trong chuyến công tác lên Phú Lương dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, chúng tôi ghé thăm làng nghề bánh chưng Bờ Đậu. Mới đến đầu làng, chúng tôi đã nhận thấy một không khí khác hẳn những ngày thường. Ngôi làng nhộn nhịp và ấm hẳn lên bởi các bếp lửa đỏ rực để luộc bánh chưng. Bà Nguyễn Thị Phàn, 86 tuổi, người được coi là có thâm niên làm bánh chưng lâu năm nhất làng nghề Bờ Đậu cho chúng tôi biết: “ Trước đây Bờ Đậu còn hoang vu và nghèo lắm, nhưng dân làng chúng tôi vẫn giữ được nghề của cha ông, không bỏ một ngày nào. Lúc đầu, làng nghề chỉ có một vài nhà làm bánh chưng sau đó có nhiều nhà khác cũng làm để bán cho khách thập phương. Nghề này, lãi chẳng được là bao nhưng người dân làng Bờ Đậu chúng tôi lâu nay vẫn bền bỉ với những chiếc bánh chưng xanh. Tuy vất vả nhưng thấy vui vì đã giữ được một nghề truyền thống của người dân đất Việt”.
Khi nói đến làng nghề thì có lẽ ai cũng muốn hỏi về bí quyết. Chẳng chút dấu diếm, bà Phàn cho chúng tôi hay: Muốn có bánh ngon, người dân trong làng phải lên Định Hóa hoặc Na Rì (Bắc Kạn), Chiêm Hóa (Tuyên Quang) để mua gạo nếp, thứ gạo nếp nương ngon, dẻo, hạt mẩy tròn, trắng tinh về gói bánh. Lá gói bánh phải là lá rong to bản, tươi, màu xanh ngắt, rửa sạch bóng, được lấy từ Định Hóa và một số huyện của tỉnh Bắc Kạn. Nguyên liệu đủ chưa thể cho bánh ngon mà còn ở cách chế biến. Cũng theo bà Phàn thì giờ đây, gạo gói bánh không nên ngâm nước như trước kia mà chỉ vo, đãi, lọc qua ba lần nước, sau đó để ráo rồi đem gói bánh. Đỗ làm nhân bánh phải là đậu xanh nguyên lõi được đãi sạch và đồ chín sau đó nắm tròn thành từng chiếc nhỏ cho từng cái bánh. Nhân thịt lợn là thịt ba chỉ tươi, luộc mềm và thái dày, trộn hạt tiêu Bắc; làm như thế bánh sẽ tránh được ôi thiu dưới nhiệt độ hanh nồm và để được từ 10 đến 15 ngày. Điều chỉ có ở làng bánh chưng Bờ Đậu đó chính là nguồn nước, nước luộc bánh chưng phải là nước suối nguồn lấy từ trên núi phía sau làng, khi luộc phải cho thêm một số lá rong xuống dưới đáy nồi. Luộc bánh phải bảo đảm sôi liên tục từ 6 đến 8 giờ đồng hồ, nước luộc luôn ngập trên bánh khoảng 10 cm, như vậy bánh mới xanh và rền.
Tận mắt chứng kiến công đoạn gói bánh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, chẳng cần khuôn, vậy mà bánh vẫn vuông vắn, cái nào cũng như cùng một khuôn. Tôi hỏi một bác đã cao tuổi đang ngồi gói bánh: Thế bác không cần khuôn à?, bác nhoẻn miệng cười, giơ hai bàn tay lên và nói: “ Khuôn đây chứ đâu nữa”. Thế mới biết, sự dẻo dai, khéo léo qua đôi bàn tay tài tình của các nghệ nhân đã làm nên sự vuông vức cho chiếc bánh chưng Bờ Đậu.
Nhìn quang cảnh những người dân ở làng nghề đang miệt mài lao động chúng tôi không khỏi vui lây. Bánh chưng Bờ Đậu giờ đây đã có thương hiệu độc quyền, sản phẩm làm ra được nhiều người dân ưa chuộng. Trao đổi với chúng tôi làm cách nào để nhận biết được sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu, ông Nguyễn Hải Âu, Trưởng Ban quản lý làng nghề bánh chưng Bờ Đậu cho biết: giờ đây, 60/60 hội viên của làng nghề đều có nhãn mác, địa chỉ sản xuất riêng theo qui định của làng nghề. Khách hàng mua bánh nên quan sát kỹ địa chỉ của cơ sở sản xuất, nếu phát hiện bánh kém chất lượng thì đề nghị cơ sở sản xuất bồi thường.
Trong những ngày Tết, tạm gác lại công việc sang một bên, các gia đình người dân Việt lại có dịp quây quần bên mâm cỗ, thưởng thức bánh chưng Bờ Đậu, thứ bánh có gạo nếp thơm cùng với mùi lá dong, nhân bánh bùi ngậy pha chút cay cay của hạt tiêu, ta thấy hòa quyện trong đó hương vị của các món ẩm thực đặc sắc trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, mà đi bất cứ nơi đâu chúng ta cũng không thể nào quên.