Những ngày áp Xuân Giáp Ngọ 2014, tiết trời se lạnh, ký túc xá (KTX) của các trường đại học, cao đẳng (Thái Nguyên) ríu ran lời hò hẹn. Hầu hết sinh viên (SV) Việt Nam đều gửi đồ đạc để kịp chuyến tàu về quê ăn Tết cùng gia đình. Đặc biệt là các bạn sinh viên người nước ngoài đang theo học tại Việt Nam, ai nấy háo hức, mong sớm đến ngày được đoàn viên cùng người thân. Nhưng cũng ở KTX, còn có không ít SV người nước ngoài đăng ký ở lại Việt Nam ăn Tết Nguyên đán, với nghĩ suy để trải nghiệm cuộc sống.
Sảnh A Thít (Lào), SV Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên cho biết: Em ở Luông Pha Băng, em sang Việt Nam học từ 2 năm nay, đây là lần đầu em ở lại ăn Tết Việt Nam. Khi gia đình biết em không về trong dịp này, người thân của em đều khuyến khích nên ở lại để trải nghiệm, qua đó hiểu biết thêm về nét độc đáo của ngày Tết truyền thống Việt Nam.
Cùng ở lại ăn Tết với A Thít còn có 5 bạn người Lào khác học cùng trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên. Để không khí ấm áp, trong những ngày Tết, mọi người cùng dồn về ở chung một phòng, rồi cùng mua sắm, trang trí cho căn phòng rực rỡ hơn trong suốt dịp Tết. A Thít cho biết thêm: Bên nước em ăn Tết Bun Py May - Tết Bun Py May đến vào lúc “con ong đi lấy mật” - tháng 4 âm lịch. Ngày Tết mọi người cùng chúc phúc cho nhau. Sang Việt Nam học tập, em mới có được cơ hội may mắn là ở lại ăn Tết Giáp Ngọ. Dự kiến trong dịp Tết, chúng em đón các bạn SV cùng trường đến chia vui. Sau đó chúng em cùng đi thăm ATK Định Hóa, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Hồ Núi Cốc.
Có mặt ở đó, Nọi Su Ny, Phó Ban Liên lạc SV Lào tại Thái Nguyên cho biết thêm: Hiện ở Thái Nguyên có hơn 200 SV Lào theo học tại các trường: Văn hóa I, Đại học Sư phạm; Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên; Đại học Kỹ thuật Công nghiệp; Đại học Nông lâm và Trường Đại học Y Dược. Trước ngày cho nghỉ Tết, chúng em được Nhà trường và Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tổ chức cho ăn Tết Nguyên đán.
Nọi Su Ny sang Việt Nam học tập tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên từ ngày 15-9-2011. Ngày mới sang, Ny chưa biết nói tiếng Việt. Nhưng bây giờ Ny là một trong những bạn SV Lào đồng khóa sử dụng rất thành thạo tiếng Việt. Trong thời gian ở Thái Nguyên học tập, Ny tích cực tham gia các hoạt động xã hội, qua đó Ny có nhiều trải nghiệm cuộc sống, biết khá nhiều về những địa danh lịch sử của Việt Nam. Song Tết này, Ny về quê hương “Triệu Voi” nghỉ ngơi cùng gia đình. Ny bảo: Cả năm mới có kỳ nghỉ dài như này, em tranh thủ về với người thân. Tết này lỡ hẹn, đành để Tết sau ở lại anh ạ. Giây lát dừng lời, Ny tiếp tục câu chuyện: Suốt cả tuần nay, các bạn đều chúc em đi đường may mắn, có một kỳ nghỉ vui vẻ. Còn thư từ thì chúng em đã có máy vi tính, hằng ngày vẫn trò chuyện với người thân ở quê hương, vì thế em không phải làm người chuyển thư giúp các bạn ở lại ăn Tết Việt Nam.
Cũng trước ngày chia tay, các bạn SV nước ngoài còn tự đóng góp thêm tiền, ra chợ, mua thêm bánh, kẹo về phòng liên hoan, chia tay người về, người ở. Trong KTX của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐHTN), tại khu nhà K4, các bạn SV người Campuchia là Kem Say, K46, Khoa Cơ khí; Kanhchana Vuth, K47, Khoa Điện; Kim Ang Seng, K47, Khoa Điện vừa đi chợ về đến phòng. Mọi người cùng trò chuyện vui vẻ về ngày Tết ở Việt Nam và ngày Tết của mình ở Campuchia. Kem Say cho biết: Người Campuchia, người Lào, người Thái Lan và người Myanma đón Tết cổ truyền dân tộc vào tháng tháng Tư, tháng 5. Dịp Tết có lễ hội đua thuyền rồng, vui lắm. Còn Kim Ang Seng cho biết: Tết năm nào bố, mẹ em cũng lên chùa cầu may mắn.
Sang khu nhà K6, chúng tôi gặp các bạn SV Chhen Kemsuor, K47, Khoa Xây dựng - Môi trường; Bora Rithireak, K48, Khoa Điện tử; Ket Norin, K48, Khoa điện… cả 3 cùng là SV người Cam Pu Chia. Kemsuor cho biết: Sang Việt Nam, em dành thời gian cho học tập, ngay cả dịp Tết truyền thống của Việt Nam, em ở lại trường đón Xuân mới, cùng bạn bè ăn bánh chưng Bờ Đậu, nói lời chúc tốt đẹp nhất với mọi người. Còn Rithireak cho biết: Cũng giống như ở Việt Nam, ngày Tết của người Capuchia rất thiêng liêng, mọi nhà đều dọn dẹp bàn thờ, bày lên đó các loại hoa, quả, bánh, kẹo rồi thắp hương khấn vái cầu mong sự tốt lành đến với mọi người trong nhà. Còn với Norin: Ở Việt Nam ăn Tết, em sẽ tranh thủ đi tham quan các điểm du lịch của Thái Nguyên. Với em, Tết sẽ là những ngày vui, vì qua đó em có thêm nhiều trải nghiệm cho cuộc sống của mình.
Hầu hết các bạn SV người nước ngoài đang học tập tại Thái Nguyên, và ở lại trong dịp Tết Nguyên đán đều mong muốn có nhiều trải nghiệm, qua đó bản thân họ có cơ hội tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán về văn hóa, nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Niyom VilayThong và Khamla Suliyadeth là 2 học viên cao học người Lào. Cả 2 cùng sang Việt nam học tập tại Khoa Điều khiển và Tự động hóa ở Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp từ 2 năm nay. VilayThong và Suliyadeth ở chung phòng 404, nhà KTX K5 của Trường. Đây là năm đầu tiên VilayThong, Suliyadeth đón Tết tại Việt Nam. Khi chúng tôi hỏi về kế hoạch sử dụng quỹ thời gian trong dịp Tết Nguyên đán 2015, Suliyadeth cười tươi: Không đi đâu nhiều, phải tranh thủ đọc sách, nghiên cứu và ăn bánh chưng với thịt nấu đông. Còn VilayThong, người được các bạn sinh viên Lào “suy tôn” làm người anh cả trong KTX cho biết: Ở lại ăn tết, chúng em khuyên bảo nhau phải an toàn, tiết kiệm. Ăn Tết trong KTX, chúng em cũng có bánh chưng chưng xanh, bánh ngọt và các loại hoa quả như người Việt Nam ăn Tết.