Tỷ lệ trẻ tử vong dưới năm tuổi còn cao

15:05, 05/01/2014

Nước ta được các tổ chức quốc tế ghi nhận là một trong chín nước trong khu vực đạt được mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Một trong những thành tựu đó là tỷ lệ tử vong của các bà mẹ đã giảm. Nếu như năm 2001, có 233 bà mẹ tử vong trong tổng số 100 nghìn trẻ sinh ra sống thì đến năm 2010, tỷ lệ này chỉ còn 69/100 nghìn. Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2015 chỉ còn 58 bà mẹ tử vong/100 nghìn trẻ sinh ra sống.

Dù được đánh giá là một trong những nước sớm đạt mục tiêu, song Việt Nam vẫn cần nỗ lực nhằm giảm hơn nữa tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Bà Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: Nguyên nhân tử vong sơ sinh đứng đầu là suy hô hấp ở trẻ sinh non, thứ hai là nhiễm trùng sơ sinh, sự an toàn trong quá trình chuyển viện, các dị tật bẩm sinh và bệnh tật khác. Dị tật bẩm sinh gây ra thai chết lưu và tử vong chu sinh (tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh trong tuần đầu tiên sau khi chào đời) là khó can thiệp bởi môi trường, vi-rút... Ðể phòng ngừa, đòi hỏi các bà mẹ phải chú trọng việc tiêm vắc-xin phòng Rubella, tiêm vitamin K1 sớm để phòng xuất huyết não... Các nguyên nhân còn lại có thể can thiệp được ngay từ y tế cơ sở như nhiễm trùng sơ sinh có thể ngăn ngừa nếu cán bộ y tế bảo đảm được quy trình, trang thiết bị sạch, môi trường khám, chữa bệnh sạch sẽ. Về vấn đề suy hô hấp ở trẻ sinh non và an toàn khi chuyển viện, các trạm y tế cơ sở cần được đầu tư giường sưởi ấm, máy đo ô-xy, đèn chiếu vàng da, máy trợ thở áp lực dương liên tục, bộ hồi sức sơ sinh như bóng bóp, máy hút và ống hút... 

 

Mặc dù việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh đã được nâng cao khá nhiều, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi, nhất là ở trẻ sơ sinh còn cao. Theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 59% số trẻ em tử vong dưới năm tuổi và ba phần tư số trẻ em tử vong dưới một tuổi là trẻ sơ sinh. Ðề cập đến vấn đề này, ông Ð.En-út - Chủ tịch Liên minh quốc tế về phòng thai lưu và chết chu sinh (ISA) cho rằng: Mạng lưới toàn cầu cần có sự can thiệp mạnh mẽ, chung tay ngăn chặn tình trạng trên để giảm nhẹ những nỗi đau, mất mát cho các gia đình. Quan tâm, cải thiện các chỉ số liên quan đến sức khỏe sinh sản sẽ tránh được các ca tử vong không đáng xảy ra, nhất là tình trạng thai chết lưu mà nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam chưa chú ý. Ngành y tế Việt Nam tuy đạt được những thành tựu nhất định, song cần nhiều sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của nhiều nước trong quá trình phát hiện những dị tật bẩm sinh ở trẻ; về bệnh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, những giải pháp nhằm can thiệp, hạ thấp tình trạng thai lưu và tử vong chu sinh.

 

Thành tựu về chăm sóc sức khỏe sinh sản của Việt Nam trong những năm qua đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn những khoảng trống giữa các vùng khác nhau. Ðó là sự mất cân bằng giữa các vùng, miền. Trẻ em ở những vùng dân tộc thiểu số có nguy cơ tử vong trước năm tuổi nhiều hơn trẻ em ở những vùng thành thị, đồng bằng. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh những giải pháp để "lấp" những khoảng cách đó thông qua những chiến lược can thiệp để giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh như đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình, giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn; đào tạo cán bộ y tế có chuyên môn vững, có kỹ năng... Việc giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh không chỉ giảm nỗi đau cho các gia đình mà còn giảm gánh nặng cho cả xã hội, và quan trọng hơn còn cải thiện đến chất lượng dân số của mỗi quốc gia.