Việc làm bình dị mà nặng nghĩa tình

11:27, 13/01/2014

Những việc làm nhỏ bé, bình dị nhưng chất chứa trong đó là những tấm lòng cao cả, họ sẵn sàng san sẻ tiền bạc, sức lực vì những người kém may mắn hơn mình. Khi những việc làm được xuất phát từ Tâm, họ đâu cần ai biết, ai khen, ai ghi nhận…, nhưng tình cờ, chúng tôi đã biết và không thể không viết về họ với mong muốn nhân lên những tấm lòng nhân ái, để luôn thấy cuộc đời tốt đẹp và ý nghĩa.

“Nồi cháo tình thương”

 

Bốn chữ đó đủ thôi thúc chúng tôi lên đường khi màn đêm vẫn còn bao phủ khắp phố, phường; cái lạnh như xuyên thấu vào tận gan, ruột… Vậy mà chúng tôi vẫn đến trễ, không kịp cùng các bà, các mẹ chuẩn bị những công đoạn đầu tiên cho “nồi cháo tình thương”, hỗ trợ bữa ăn sáng cho các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện huyện Đa khoa Đại Từ. Nồi cháo khoảng 300 suất ăn đã được đặt lên xe kéo chuyển vào Bếp ăn tình thương của Bệnh viện. 

 

Gần hai năm nay, cứ vào thứ 5 hằng tuần, không kể hôm đó thời tiết ra sao, mưa, rét hay nóng bức, các bà: Nguyễn Thị Lan, ở phố Chợ 2, thị trấn Đại Từ; Vũ Thị Thu, xóm Chùa, xã Bình Thuận; Lê Thị Viên, ở xóm Bàn cờ, xã Hùng Sơn…  đều dậy từ 3 - 4 giờ sáng để đến nhà bà Lê Thị Thái, xóm Sơn tập 3, thị trấn Đại Từ nấu “cháo tình thương”. Ngọn lửa được nhóm lên, người vo gạo, người đổ nước, người thái rau, củ quả… công việc tuy đơn giản nhưng “sức nặng” trong đó là những tấm lòng thiện tâm của biết bao người, muốn nhờ bàn tay khéo léo, đảm đang của các bà gửi tới những người bệnh nồi cháo nóng thơm, đủ chất dinh dưỡng với mong muốn người bệnh mau khỏe.

 

Đúng 6 giờ 30 phút, một số bệnh nhận đã tới bếp ăn. Không ai bảo ai, người múc cháo, người thì rắc rau thơm, thêm bột canh cho người ăn mặn; người tươi cười, trò chuyện, động viên người bệnh cố gắng ăn nhiều cho chóng khỏe… Những cử chỉ ân cần và thân thiiết làm ấm lòng người. Chỉ 5-10 phút sau, các hàng ghế đã gần như chật kín. Có người vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon; có người ăn xong, không quên đưa cặp lồng để lấy thêm phần cháo cho người nhà vì sức khỏe yếu không xuống bếp ăn được. Bà Nguyễn Thị Lan vừa mau mải múc cháo, vừa trò chuyện với chúng tôi: Chúng tôi nấu cháo để phục vụ miễn phí tất cả các bệnh nhân trong Bệnh viện. Nhưng cũng có khi phục vụ luôn cả người nhà bệnh nhân. Tham gia công việc này, tôi thấy rất ý nghĩa vì mình đã cùng những người có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ người bệnh. Trung bình mỗi năm, không kể công sức, tôi ủng hộ các chương trình từ thiện hơn 6 triệu đồng. Nghe thấy ở đâu trên địa bàn huyện Đại Từ có ai đó cô đơn, khốn khó, tôi đều tìm đến để giúp đỡ.

 

Cùng chung tâm sự như bà Lan, bà Thái, bà Thu, bà Viên… cũng đều mong đóng góp công sức, tiền bạc của mình giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn.

 

Ấm lòng bệnh nhân nghèo

 

Ông Lê Hồng Quang (68 tuổi) ở xóm Sơn tập 3, thị trấn Đại Từ ăn hết tô cháo một cách ngon lành. Khi chúng tôi hỏi chuyện, ông tỏ ra rất xúc động: Tôi bị hen xuyễn phải nằm viện quanh năm, nên được ăn cơm, ăn cháo tình thương nhiều lần rồi. Nếu nói về giá trị vật chất có thể nhiều người cho rằng không đáng là bao, nhưng với riêng tôi cảm thấy rất ấm lòng bởi trong đó chất chứa tình cảm yêu thương giữa con người với con người.

 

Còn cụ Lý Văn Đồng (84 tuổi) ở xóm Bậu, xã Văn Yên thật thà: Tôi không phải là bệnh nhân nhưng vẫn được ăn cháo tình thương, tí nữa còn lấy thêm cháo về phòng cho bà nhà tôi. Vợ tôi bị bệnh tim nằm điều trị đã hai tuần nay. Cháo ăn rất ngon, khi còn khỏe, bà nhà tôi cũng thường nấu cháo cho tôi ăn nhưng không ngon thế này! Cảm ơn lòng tốt cảu tất cả mọi người!

 

Bà Ngô Thị Tỉnh (81 tuổi) ở xóm Gió, xã Ký Phú bày tỏ: Tôi vừa vào viện hôm trước đã được thông báo thứ 5 có “cháo tình thường”, vậy là sáng nay tôi xuống ăn luôn. Cháo ngon lắm! Các bác ở đây tốt quá!

 

Còn nhiều lời sẻ chia, cảm ơn sâu sắc, chân thành của những bệnh nhân khác tới những tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm, nhưng vì khuôn khổ của bài báo, chúng tôi không thể trích dẫn hết được, nhưng tất cả đều tựu chung một cảm xúc: Mỗi bát cháo nóng tình thương được ví như liều thuốc bổ, góp phần giúp bệnh nhân có thêm sức lực, niềm tin để chiến thắng mọi bệnh tật.  

 

Có sức lan tỏa lớn

 

Công việc thầm lặng này đã nhận được sự đồng tình, ngợi khen của biết bao người, có sức lan tỏa sâu rộng, nên nồi cháo cứ “vơi” lại “đầy” bởi luôn nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân khắp 4 phương. Chị Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Từ, cũng là một trong những người có công đầu trong việc “thổi lửa” để “nồi cháo tình thương” đến được Bếp ăn của Bệnh viện Đa khoa huyện, cho biết: Để nấu được nồi cháo đủ chất dinh dưỡng phục vụ trung bình  250  bệnh nhân, chúng tôi phải chi phí hết 800 nghìn đồng/nồi. Hằng tuần vào ngày thứ 5, buổi sáng chúng tôi nấu cháo phục vụ tất cả bệnh nhân đang điều trị trong viện; còn  buổi trưa, nấu cơm phục vụ bệnh nhân nghèo và bệnh nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam (15.000 đồng/suất). Số tiền chi phí cho những bữa ăn này là nhờ vào sự giúp đỡ, ủng hộ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm. Có nhà chùa ở tận miền Nam gửi cho chúng tôi 250kg gạo; có bà cụ 80 tuổi, gửi đến 20kg muối, 0,5kg gạo, 1 lít dầu ăn; có người ủng hộ một xe củi; có người chỉ 5-10 nghìn đồng(tùy theo hoàn cảnh)… Giá trị vật chất tuy không lớn nhưng gửi gắm vào đó là tình cảm chân thành không gì có thể đo đếm được.

 

Ngừng lời giây lát, chị nói tiếp: Tham gia vào những công việc thiện nguyện, tôi thấy lòng mình ấm áp và thanh thản. Có những lúc tới thăm các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tôi chỉ mong ông trời cho tôi thật nhiều sức khỏe để tôi có cơ hội tới thăm và giúp đỡ được nhiều người…

 

Những lời nói mộc mạc nhưng chân thành của chị Hạnh khiến cổ họng tôi nghẹn lại. Tôi thấy mình thật may mắn gặp được chị Hạnh, bà Lan, bà Thái… Các chị, các bà đã cho chúng tôi thêm những xúc cảm và sự trải nghiệm quý hơn bạc tiền! Khi làm việc thiện, họ không cần xưng danh nhưng chúng tôi tin tấm lòng của họ sẽ luôn được người đời ghi nhận, biết ơn…