Rất nhiều loài ngựa trên thế giới đã và đang xuất hiện trong cuộc sống con người với các tác dụng vận chuyển người và hàng hóa, kéo xe, làm ngựa chiến, ngựa đua. Tuy nhiên, hiện chỉ có bốn loài ngựa rất nguy cấp, cần được bảo tồn thuộc các Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Đó là ngựa vằn grevy (Equus grevyi), ngựa pregoaski (Equus przewalskii), Ngựa vằn Nam Phi (Equus zebra zebra) và ngựa vằn hoang hartman (Equus zebra hartmannae). Đặc điểm chung của bốn loài ngựa này là còn rất ít trong tự nhiên, sống theo chế độ bầy đàn, đa thê (một đực – nhiều cái, nhằm bảo vệ cả đàn chống lại sự xâm phạm của các loài thú khác) và gắn liền với những điều kỳ thú...
Ngựa vằn grevy – loài ngựa đẹp nhất
Đây là loài ngựa hoang dã lớn nhất còn tồn tại nhưng nguy cấp nhất trong ba loài ngựa vằn, là thành viên duy nhất còn tồn tại của phân chi Dolichohippus. Trước đây, ngựa vằn grevy từng có mặt ở một số quốc gia Đông Phi như Somalia, Ethiopia, Eritrea, Djibouti và Kenya. Hiện ngựa vằn Grévy chỉ còn phân bố ở Kenya và Ethiopia.
So với các loài ngựa vằn khác, nó có tai lớn, cao hơn và sọc của nó hẹp hơn. Ngựa vằn grevy cũng gần với lừa hơn ngựa nhưng nó được đánh giá là loài ngựa đẹp nhất thế giới. Da ngựa vằn grevy thường đạt mức giá cao, dao động từ 150 đến 2.000USD và chính điều này đã khiến ngựa vằn grevy suy giảm nghiêm trọng do nạn săn bắt bất hợp pháp.
Tồn tại trong sinh cảnh là đồng cỏ bán khô hạn, ngựa vằn grevy ăn cỏ, cây họ đậu và có thể nhịn tối đa là năm ngày không cần uống nước. Một cá thể ngựa vằn grevy có thể đạt trọng lượng từ 350 đến 450kg và vòng đời là 20 năm, thời gian mang thai 13 tháng.
Đây cũng là loài ngựa chạy nhanh nhất với tốc độ 64km/h. Lý do loài ngựa này mang tên grevy rất đơn giản: năm 1882, vua Menelik II của vương quốc Abyssinia (Ethiopia ngày nay), rất yêu quý loài ngựa này và đã tặng cho tổng thống Pháp Jules Grévy.
Số lượng ngựa vằn grevy đã và đang suy giảm nghiêm trọng từ 15.000 cá thể (năm 1970) xuống 2.500 cá thể vào thời điểm hiện tại, do mất sinh cảnh trước các hoạt động phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, một điều đáng lưu ý là ngựa vằn grevy thường tỏ ra đơn độc và ít sống theo bầy đàn. Cá thể cái sau đẻ thường bỏ con một mình để đi uống nước hàng ngày và chính điều này đặt cá thể con vào tình thế vô cùng nguy hiểm khi phải đối đầu với các loài thú ăn thịt khác tấn công như sư tử, báo, linh cẩu, chó săn. Ngựa vằn grevy thuộc Phụ lục I CITES và bị nghiêm cấm buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.
Loài ngựa được nhân giống và thuần chủng nhiều nhất thế giới
Đó là ngựa pregoaski, phân loài quý hiếm và nguy cấp của ngựa hoang có nguồn gốc từ các thảo nguyên Trung Á, đặc biệt là Mông Cổ. Từng được xem là tuyệt chủng, ngựa pregoaski đã được tái thả vào tự nhiên Vườn quốc gia Khustain Nuruu, Khu bảo tồn thiên nhiên Takhin Tal và Khu bảo tồn thiên nhiên Khomiin Tal.
Hiện ngựa pregoaski đang tồn tại trên những sa mạc đồng cổ ở miền Tây Mông Cổ. Loài ngựa này có trọng lượng từ 200 đến 300kg. Đây cũng là loài ngựa ăn cỏ lâu nhất với thời gian ăn cỏ trong ngày vượt quá 12 tiếng. Rất nhiều chuyên gia bảo tồn đánh giá cao ngựa pregoaski do khả năng chịu rét và chịu nóng rất tốt cũng như tốc độ chạy tương đối tốt: 60km/giờ.
Ngựa pregoaski từng có phân bố ở châu Âu (Ba Lan, Belarus, Litva, Đức, Ukraina và Nga), Kazakhstan, Mông Cổ và Trung Quốc. Tên của ngựa pregoaski được đặt theo tên của nhà địa lý người Nga, Đại tướng Nikolai Przhevalsky khi ông tới miền Tây Mông Cổ vào năm 1879 và phát hiện ra loài ngựa này trước khi du nhập về châu Âu. Ngoài ra, ngựa pregoaski còn được gọi theo tên khác là ngựa hoang châu Á hoặc ngựa hoang Mông Cổ.
Tuy nhiên, điều kỳ thú là ngựa pregoaski đã từng xuất hiện cách đây hơn 20.000 năm và là loài ngựa được sử dụng nhiều nhất trong chiến trận. Chính ngựa pregoaski là loài ngựa được quân Mông Cổ sử dụng để đánh chiếm các nước châu Âu và xâm lược Việt Nam trong quá khứ. Ngựa pregoaski còn được sử dụng vào mục đích đi săn và là một biểu tượng cho sự dũng mãnh, kiêu hùng của các chiến tướng châu Á thời cổ đại, trung đại và cận đại. Loài ngựa này có vòng đời tương đối dài, từ 20-25 năm.
Mặc dù số lượng của ngựa pregoaski tồn tại trong tự nhiên chủ yếu là Mông Cổ chỉ còn khoảng hơn 300 cá thể nhưng ngựa pregoaski đã và đang là loài ngựa được nhân giống và thuần chủng nhiều nhất thế giới. Song chính điều này cũng gây sức ép cho các cá thể tồn tại trong tự nhiên bên cạnh các mối đe dọa khác như săn bắn, suy giảm sinh cảnh và sự phát triển của ngựa nhà. Ngựa pregoaski thuộc Phụ lục CITES và bị nghiêm cấm buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.
Loài ngựa sống lâu nhất và sống ở nơi cao nhất
Ngựa vằn Nam Phi.
Đó là ngựa vằn Nam Phi và ngựa vằn hoang hartman. Thực chất đây là hai phân loài ngựa vằn châu Phi nhưng giữa chúng vẫn có những điểm tương đường xen lẫn khác biệt.
Còn được gọi với cái tên khác là ngựa vằn núi hay ngựa vằn Cape, ngựa vằn Nam Phi có phân bố trên những dãy núi và cao nguyên (ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển) ở Nam Phi. Loài ngựa này chỉ ăn cỏ và thỉnh thoảng ăn bụi cây nên chúng có thể tồn tại trong điều kiện sa mạc và bán hoang mạc. Do có phân bố ở vùng núi cao nên ngựa vằn Nam Phi có thể leo núi, leo dốc khá thuần thục. Điều đặc biệt trái ngược là chúng lại rất vụng về trong việc xuống dốc và chịu đựng mưa tuyết (điều kiện khí hậu thường thấy ở những dãy núi cao tại Nam Phi).
Ngựa vằn Nam Phi thường sống thành từng bầy nhỏ, với tỷ lệ một đực - năm cái. Với trọng lượng từ 240 – 372 kg, ngựa vằn Nam Phi được coi là biểu tượng huyền ảo của đất nước Nam Phi. Ngựa vằn Nam Phi cũng là loài ngựa có tuổi thọ lâu nhất với vòng đời đạt từ 25 năm trở lên và lâu nhất là 30 năm. Tuy nhiên, loài ngựa này không thể thuần chủng và cá thể duy nhất được nuôi nhốt trong một vườn thú ở Nam Phi đã chết vào đầu năm 1990.
Hiện, ngựa vằn Nam Phi còn khoảng 1.200 cá thể nhưng thường xuyên bị đe dọa trước các tác động của mất sinh cảnh, sự phát triển của các loài thuần chủng và nạn săn bắn bất hợp pháp. Vào khoảng năm 1930, ngựa vằn Nam Phi đã gần như tuyệt chủng trong tự nhiên (chỉ còn lại 100 cá thể) do sức ép của nạn săn bắn trái phép.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của loài động vật nguy cấp này, Chính phủ Nam Phi đã xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên dành cho ngựa vằn Nam Phi vào năm 1937 và cho đến nay đã có 11 khu bảo tồn thiên nhiên dành cho ngựa vằn Nam Phi. Ngựa vằn Nam Phi thuộc Phụ lục I CITES và bị cấm buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.
So với ngựa vằn Nam Phi, ngựa vằn hoang hartman có phân bố rộng hơn với nơi cư trú ở ở những dãy núi cao của Namibia, Angola và Nam Phi. Đây là loài ngựa có vóc dáng lớn nhất trong các loài ngựa hiện đang tồn tại.
Tương tự như ngựa vằn Nam Phi, ngựa vằn hoang hartman thường sống theo đàn nhỏ gồm từ 7 đến 12 cá thể và có khả năng leo núi rất tốt. Chúng thường ăn cỏ và lá cây. Điểm khác biệt duy nhất là ngựa vằn hoang hartman có vóc dáng lớn hơn so với ngựa vằn Nam Phi và trọng lượng có thể đạt tới 300 kg (có cá thể đạt tới 340kg). Chúng cũng có khả năng chịu đựng thời tiết nóng nực tốt hơn ngựa vằn Nam Phi. Ngựa vằn hoang hartman cũng có tuổi thọ cao đạt tới 29 năm 6 tháng và tốc độ chạy đạt 65km/giờ.
Hiện quần thể ngựa vằn hoang hartman còn khoảng 8.000 cá thể và có dấu hiệu suy giảm. Ngựa vằn hoang hartman được đặt theo tên của nhà địa lý người Đức, George Hartmann và thuộc Phụ lục II CITES (hạn chế buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại). Cả ngựa vằn Nam Phi và ngựa vằn hoang hartman đều bị cấm săn bắn nhằm bảo vệ quần thể đang có dấu hiệu suy giảm.
Ngựa vằn hoang hartman.
Ngựa thuộc họ các loài thú có guốc lớn, thuộc bộ ngón lẻ, ăn thực vật, gồm ba chi: ngựa, lừa và ngựa vằn. Ngựa đã đi vào tiềm thức của loài người từ thời xa xưa cho tới thời hiện đại không chỉ bằng những đặc điểm nổi bật, quen thuộc với cuộc sống con người. Cùng với một số loài thú khác, ngựa có thể nhận biết được chủ cũ sau nhiều năm xa cách. Tương tự, các loài ngựa sống trong tự nhiên không bao giờ thấy xa lạ cho dù chúng đã di dời nhiều năm trước đó. Đối với những loài ngựa hoang dã nguy cấp, quý hiếm nêu trên, việc trân trọng và đánh giá cao vai trò của chúng trong hệ sinh thái tự nhiên có ý nghĩa vô cùng thiết thực.
Ngựa là một mắt xích tích cực trong chuỗi hệ thống các sinh vật giúp cân bằng sinh thái tự nhiên. Đối với môi trường trên cạn thì sự có mặt của ngựa cùng các loài thú ăn cỏ là thuộc tính đặc trưng vô cùng quý báu. Theo nhiều chuyên gia bảo tồn, trong dạ dày của ngựa có vi hệ sinh thái đặc biệt. Đó là dạ cỏ, các vi sinh vật cộng sinh kỵ khí phân giải vật liệu thực vật có giá trị dinh dưỡng thấp, chuyển hóa thành chất dinh dưỡng có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Trong tự nhiên, ngựa thường có sự di chuyển rất rộng, từ nơi này đến nơi khác, vào thời gian khác nhau trong năm (để tìm kiếm thức ăn hoặc tránh sự tấn công của các loài thú ăn thịt).
Do đó, ngựa, đặc biệt là những loài ngựa hoang dã, nguy cấp đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần tạo ra sự cân bằng cho hệ sinh thái hôm nay và mai sau.