Người thầy thuốc trong nhân dân

15:16, 23/04/2014

Cuối tháng 3-2014, ông vừa từ Thủ đô Viên Chăn (Lào) trở về. Đó là chuyến đi đầy ý nghĩa đối với cuộc đời của một người làm nghề thầy thuốc như ông. Ông là 1 trong 2 lương y của Việt Nam đến Viên Chăn để nhận Giải thưởng: “Thương hiệu sản phẩm quốc tế” về các bài thuốc gia truyền của mình. Đó chính là lương y Nguyễn Văn Chín, xóm Chùa, xã Nam Tiến, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên).

Ông bảo: Vừa từ nước ngoài về, người mỏi ê ẩm, nhưng việc đầu tiên là tôi chạy ra vườn sau để xem lại vườn cây thuốc Nam, gồm hơn 70 loại cây. Rồi thăm khám bệnh cho người ốm. Bệnh nhân đến với tôi chủ yếu là người nghèo. Nhiều người đã “vái tứ phương” bệnh tình không thuyên chuyển mới tìm tới tôi cắt thuốc.

 

Cái nghề mà tâm, đức không thể đong, đếm được đã chọn ông. Tôi nghĩ thế, vì không phải ai cũng có thể kiên tâm theo học được nghề thuốc gia truyền. Ngay như trong dòng họ Nguyễn Văn của ông ở huyện Phổ Yên, các cụ ngày xưa theo nghề, rồi thất truyền vì hậu sinh không có người chịu theo. Đến hậu duệ bây giờ, con cháu mang cả một gánh sách chép lại các bài thuốc quý bằng chữ Nho bán cho người thiên hạ. Ông nuối tiếc: Tôi không được hưởng thừa kế, nên khi tích cóp được chút tiền, đến nhà người anh em được thờ phụng tổ tiên để mua lại gánh sách thì đã không còn nữa. Chỉ còn lại cái thuyền tán, tôi đã mua lại với giá 20.000 đồng.

 

Đó là vào năm 1997, kinh tế gia đình ông chưa dư dật gì. Nhưng ông quyết định bỏ tiền mua lại gánh sách để có cơ sở nghiên cứu, phát huy các bài thuốc cổ truyền của dân tộc. Theo lời ông Chín thì trong những cuốn sách của các cụ để lại, có những bài thuốc quý mà mang vàng ra cũng không đổi được. Tất nhiên, sách chỉ quý đối với người hiểu biết về nó. Nhất là với người như ông Chín, từ nhỏ đã cùng bố đến nhiều nơi để kiếm sống bằng nghề nấu cao xương động vật và cao thực vật. Ngoài nghề nấu cao, cụ Nguyễn Văn Mão (cụ thân sinh ra ông) còn biết bó gẫy xương, chữa bệnh lòi dom và bệnh sa dạ con của phụ nữ. Nhưng ông chỉ giúp người chứ không bao giờ lấy tiền. Năm 14 tuổi, ông Chín được cụ thân sinh cho thực hành việc bó gẫy xương. Ông không nhớ tên của bệnh nhân, nhưng ông nhớ thông qua sự hướng dẫn của bố, ngay ca bệnh đầu tiên ông đã thực hiện thành công.

 

Nhà có tới 9 anh chị em, các cụ tiện theo thứ tự đặt cho ông tên Chín. Ông kể: Bố mẹ tôi nghèo nên không có của hồi môn cho con cái. Năm 1975, tôi 25 tuổi, bố mẹ cho ra ở riêng. Lúc đó 2 vợ chồng và đứa con gái đầu lòng làm nghề gánh gạch thuê, nên ở luôn ngoài lán cạnh lò gạch, tài sản chỉ có cái xong nhỏ, vừa nấu bột cho con, vừa nấu cơm, canh... Tôi cũng thấy bùi ngùi khi biết được ông có một quãng tuổi thanh xuân đầy cơ hàn, phải mưu sinh bằng nhiều thứ nghề như: gánh gạch, làm cây giống và buôn bán máy nổ. Song học cái đức của cha mình, đi đến đâu, gặp bệnh nhân có thể chữa trị được là ông giúp, không lấy tiền công. Do phải lao động vất vả, ăn uống thiếu thốn nên ông bị đổ bệnh nặng.

 

Các cụ bảo: “Dao sắc không gọt được chuôi”, năm 1990, bệnh thần kinh tọa quật ông xuống, không thể nhúc nhắc đi lại được. Sau khi chạy chữa qua một số bệnh viện, và một số bài thuốc Nam không khỏi, ông chấp nhận thua cuộc. Nhưng một may mắn tình cờ mà cho đến bây giờ ông vẫn ngỡ mình gặp được thần tiên. Hôm đó, vào một ngày cuối năm 1990, ông Nguyễn Phúc Địch, từ vùng đất lửa Quảng Ngãi có việc lên Thái Nguyên đã ghé thăm nhà. Làm thầy thuốc, thấy bệnh nhân đau đớn nên không thể cầm lòng, ông Địch liền vận khí, bấm điểm huyệt cho ông Chín. Sau gần 1 ngày ông Chín đã đứng dậy đi lại như bình thường. Kể từ đây, ông Chín khăn gói theo ông Địch, vừa để chữa khỏi hẳn căn bệnh thần kinh toạ, vừa để học thêm một số bài thuốc giúp đời.

 

Sau 2 năm chữa bệnh giúp người trong thiên hạ, ông Chín trở về xóm Chùa, mở cửa hiệu chữa bệnh bằng thuốc Nam. Ôngchuyên sâu vào các bệnh về xương khớp, lòi dom, sa dạ con, phù thận và bấm huyệt chữa bệnh đau dây thần kinh tọa. Vốn đam mê các bài thuốc, nên trong những năm tháng “tầm sư học đạo”, ông đã tự nghiên cứu qua sách vở được nhiều bài thuốc hay về chữa bệnh áp huyết cao, áp huyết thấp, các bệnh về gan, ngộ độc, máu nhiễm mỡ… Có lần nghiên cứu cách bài chế thuốc, ông đã tự làm “chuột bạch” để thử phản ứng, thấy có công năng tác dụng mới cắt cho bệnh nhân. Riêng cây lược vàng, ông tự điều chế cùng một số loại cây khác để chữa được các bệnh: U vòm họng, u xơ tuyến tiền liệt, u xơ tử cung, bó gẫy xương, viêm loét dạ dày hành tá tràng, viêm răng lợi, nhiệt miệng, viêm họng… Ông cho biết: Nhiều người nghèo sau khi được chữa khỏi bệnh, tôi không lấy tiền thuốc, tiền công. Vì tôi biết họ là những người đang sống cảnh túng khó.

 

Ông sống hơi khác người. Tôi nghĩ thế, bởi bao năm đi hái lá thuốc, giúp đỡ được rất nhiều người, nên nhiều bà con trong vùng bảo ông là một “đại phu” giàu tình cảm. Hiện ông cùng các thành viên trong gia đình, và 4 người giúp việc chế biến thuốc đang ở trong ngôi nhà cột khung kẽm, mái lợp tôn rộng hơn 200m2. Tài sản quý nhất trong nhà vẫn là các loại cây, lá thuốc lấy từ rừng; các Giấy chứng nhận: “Top 100 doanh nhân tiêu biểu xuất sắc năm 2013”; Giải thưởng “Top 100 thương hiệu, dịch vụ, sản phẩm hội nhập quốc tế năm 2013”; Giải thưởng “Top 100 nhà quản lý tài đức” và “Thương hiệu sản phẩm quốc tế năm 2014”; “Doanh nhân Văn hóa - Lương y vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân năm 2014” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam trao tặng.

 

Là lương y, ông không hề giấu giếm các bài thuốc quý. Từ nhiều năm nay, hôm rảnh rỗi ông lại về các xã, gặp Hội Người cao tuổi và phổ biến cho các cụ cách phòng bệnh và tự chữa bệnh cho mình. Ông hướng dẫn tỉ mỉ, phân tích rõ tính năng, tác dụng của 60 cây thuốc Nam do Bộ Y tế quy định, cách phối hợp các loại cây thuốc Nam để chữa 9 nhóm bệnh thường gặp. Thông qua đó, nhiều người dân đã tự chữa được bệnh cho mình mà không phải đến bệnh viện. Đặc biệt, sau khi tự điều trị được bệnh cho mình, nhiều người dân đã tham gia cùng ông trồng cây thuốc Nam trong vườn nhà, ngoài đồi bãi và bên bờ rào, trong đó có một số cây thuốc quý đang trở nên khan hiếm, như: Vọng cách, Dâu mèo, Kim tiền thảo… Đến kỳ thu hoạch, ông lại đến từng nhà hướng dẫn cho bà con thu hái cây thuốc Nam, rồi thu mua theo giá thị trường từng năm. Vì thế, ông được nhiều người dân trong vùng gọi bằng cái tên trìu mến: Người thầy thuốc trong nhân dân.