Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2014, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, những hiện tượng cực đoan như mưa lớn, bão, lốc xoáy, lũ quét có nguy cơ gia tăng. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, thời gian qua, huyện Phổ Yên đã tích cực kiểm tra, sửa chữa lại các công trình thủy lợi, huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị các phương án phòng chống thiên tai.
Tiên Phong là một trong những xã thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do thiên tai của huyện Phổ Yên. Trên địa bàn xã có sông Cầu chảy qua với chiều dài 7,2km, ngòi Tiểu Lễ chảy từ phía Bắc xuống phía Tây sau đó đổ ra sông Cầu tạo thành hình chữ U bao quanh xã. Do đó về mùa mưa, nước đầu nguồn dồn về khiến xã thường xuyên bị úng lụt trên diện rộng. Như năm 2013, do ảnh hưởng của các cơn bão, toàn xã có 120ha lúa, 35ha hoa màu bị ngập và mất trắng. Xã Tiên Phong đã có hơn 11km đê Hà Châu, 4 cống tiêu qua đê, 4 kè lát mái và kè bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, sau thời gian dài sử dụng, một số đoạn đê, kè đã có dấu hiệu xuống cấp, thẩm thấu nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở.
Ông Nguyễn Văn Giáp, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) xã Tiên Phong cho biết: Để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, năm 2013, được sự quan tâm của các cấp, ngành, xã đã sửa chữa, xây dựng được hơn 1.700m kênh mương; xây dựng lại hệ thống kè Giã Thù 2, đê Hà Châu. Đồng thời, huy động trên 3.800 lượt người dân nạo vét hơn 6.170m các hệ thống kênh cấp 2, cấp 3 và hệ thống kênh tiêu úng với khối lượng nạo vét là 1.630m3.
Ngoài xã Tiên Phong, thời gian qua, các xã, thị trấn khác của huyện cũng huy động mọi nguồn lực để nạo vét kênh mương, xây dựng, tu bổ các công trình phục vụ và bảo vệ sản xuất. Trong năm 2013, toàn huyện Phổ Yên đã nạo vét được trên 10.200m3 bùn đất của các tuyến kênh mương, phát quang gần 80.000m2 hành lang kênh, mương và 13.750m2 hành lang đê. Các địa phương cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tu sửa kè Phù Lôi, xây dựng kè xóm Soi, kè Xuân Vinh; lấp đầm ao phía đồng đê Chã, đê Sông Công; đắp cơ đê Sông Công; gia cố mặt, duy tu, bảo dưỡng thân đê Chã…
Đặc biệt, các xã, thị trấn đã duy trì tốt hoạt động của đội ngũ quản lý đê nhân dân. Trong năm 2013, các đội quản lý đê đã thường xuyên kiểm tra, phát hiện 28 vụ vi phạm Pháp lệnh đê điều như xây dựng tường bao, đổ đất lên mặt đê để xây dựng lều quán, hàng rào, trồng cây lâu năm. Ông Hoàng Văn Độ, Đội trưởng Đội Quản lý đê nhân dân, thuộc Hạt Quản lý đê Hà Châu cho biết: Gần đây nhất, vào dịp trung tuần tháng 4, chúng tôi đã phát hiện và ngăn chặn một hãng viễn thông tự ý chôn 4 cột vào thân đê Hà Châu. Chúng tôi đã kiên quyết yêu cầu các đối tượng tháo dỡ cột và hoàn trả nguyên trạng đê.
Bên cạnh việc kiểm tra, sửa chữa lại các công trình thủy lợi, thời điểm này, huyện Phổ Yên cũng huy động mọi nguồn lực, tích cực chuẩn bị các phương án phòng chống thiên tai. Ngay từ tháng 3-2014, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB-GNTT của huyện, phân công cụ thể thành viên phụ trách từng đơn vị xã, thị trấn; tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ và nhân dân; kiểm tra việc thực hiện các nội dung theo phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, các biện pháp PCLB-GNTT đến từng thôn, xóm, gia đình…
Tại các kho chứa vật tư PCLB, đơn vị chức năng đã chuẩn bị đầy đủ phao cứu sinh, bạt dứa, áo phao, dây thừng, bao tải dứa, nhà bạt, rọ thép, bao tải, máy phát điện, cuốc bàn, cuốc chim, xẻng… Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy PCLB-GNTT huyện Phổ Yên cho biết: Trong việc tổ chức PCLB, huyện đặc biệt quan tâm đến các công trình, vị trí trọng điểm thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như các tuyến đê: Chã, Vạn Phái, Tiên Phong, sông Công; các hồ thủy lợi: Suối Lạnh, Nước Hai… Đồng thời, đề cao cảnh giác, chuẩn bị tốt phương án ứng cứu các khu dân cư hay ngập úng.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác PCLB-GNTT của huyện Phổ Yên còn gặp một số khó khăn. Để bảo đảm an toàn hơn nữa, địa phương đề nghị các đơn vị chức năng liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình trên hệ thống đê của huyện. Trên hệ thống đê Đô Tân - Vạn Phái, huyện đề nghị: đầu tư đắp bổ sung kéo dài thân đê và nâng cao mặt đê, đổ bê tông mặt đê, đổ bê tông tuyến đường ứng cứu hộ đê; tăng cường cán bộ kỹ thuật, xây dựng bổ sung kho bãi và cấp các loại vật tư dự trữ. Đối với hệ thống đê Hà Châu, huyện cũng đề nghị đầu tư xây dựng cống tiêu úng và hỗ trợ đổ bê tông mặt đê thuộc khu vực xã Tiên Phong. Ngoài ra, huyện Phổ Yên mong muốn sớm có chính sách hỗ trợ cho người dân có diện tích lúa, màu bị thiệt hại trên 70% do ảnh hưởng của các cơn bão trong năm 2013…