Những năm gần đây, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em ở Thái Nguyên ngày càng được chú trọng. Song đâu đó, vẫn còn những mảnh đời khó khăn, bất hạnh, bị lạm dụng, xâm hại. Bởi vậy, công tác này rất cần sự chung tay góp sức hơn nữa của cả cộng đồng.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Thái Nguyên hiện có hơn 277 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi. Trong những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em của tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng: 80% số phường, xã đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chăm sóc; 90,6% trẻ em 5 tuổi được phổ cập giáo dục mầm non; 98,3% trẻ em đi học đúng độ tuổi ở Tiểu học và 98% tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở THCS…
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày lễ, Tết, Tháng Hành động vì trẻ em; hỗ trợ 191 trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS; hỗ trợ 15 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 409 triệu đồng…
Nhận thức về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của nhân dân ta ngày càng được nâng cao, nên công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có những chuyển biến quan trọng cả về chất và lượng, từng bước tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm đáp ứng các nhu cầu và quyền của trẻ em, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường an toàn và lành mạnh để trẻ em có cơ hội được phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ và sức khỏe.
Tại một số địa phương đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ, điển hình như xã Cát Nê (huyện Đại Từ). Đồng chí Vũ Ngọc Chiều, Trưởng Ban chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Nê cho biết: Những năm gần đây, xã đã tổ chức nhiều cuộc thi cho thiếu nhi với chủ đề khá độc đáo như thi vẽ tranh với chủ đề: “Cảm nhận của em về công tác bảo vệ trẻ em của địa phương trong 10 năm qua”, thi viết thư về chủ đề: “Nếu em là lãnh đạo xã”… Đặc biệt, trong mỗi cuộc thi, ngày hội do xã, xóm tổ chức, các đội thi đều có trẻ em và người lớn cùng tham gia, trẻ em được khuyến khích tự chuẩn bị, lên ý tưởng… Vì vậy, các em được thỏa sức sáng tạo, rèn khả năng thuyết trình trước đám đông và nói lên suy nghĩ của mình.
Với những nỗ lực trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em của nhân dân trong xã, nhiều năm nay xã không có trẻ bị xâm hại; về cơ bản các em được đáp ứng đầy đủ các điều kiện về vật chất, cũng như tinh thần; 17 em có hoàn cảnh khó khăn đều đang được hưởng ưu đãi về BHYT và trợ cấp giáo dục, được chăm sóc và nuôi dưỡng, cả cộng đồng quan tâm tạo điều kiện cho các em cố gắng vươn lên trong cuộc sống và học tập. Không chỉ riêng Cát Nê mà nhiều xã, phường trên địa bàn đã làm tốt công tác chăm sóc giáo dục trẻ em và đạt được kết quả tích cực.
Đồng chí Dương Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nhận định: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì việc thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở một số địa phương còn hạn chế, chưa đưa mục tiêu về trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; một số địa phương còn thiếu sân chơi cho trẻ em; nhận thức của một số đối tượng ở vùng sâu, vùng xa về vấn đề quyền trẻ em còn hạn chế nên việc xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn ra tương đối phức tạp.
Năm 2014, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em cần phấn đấu đạt các chỉ tiêu như: tỷ lệ phường, xã đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em là 82%; 100% trẻ em 5 tuổi được phổ cập giáo dục mầm non; 11% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em đạt chuẩn; 86,5 % trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm, chăm sóc… Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, rất cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.