Để đồng đội thêm tự hào, thanh thản

18:15, 02/05/2014

Họ là những người có công với đất nước, được ghi danh trong những trang sách hào hùng của dân tộc. Họ đã dũng cảm, kiên cường trong rèn luyện, chiến đấu và xứng đáng được hưởng những nghi lễ trọng thể khi qua đời hay được quy tập về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi thành lập Nhà xe đồng đội cũng là vì tâm nguyện ấy. Thương binh hạng 1/4 Nguyễn Xuân Thảo tâm sự.

Đến địa chỉ số 58, đường Bắc Nam (T.P Thái Nguyên), chúng tôi bắt gặp ông Thảo đang tỉ mẩn bên chiếc “rơ móoc” có lăng kính chở áo quan với những vòng hoa, chỗ để chân hương và giá ảnh cho người đã khuất. Bên kia, chiếc xe Gát màu xanh lá cũng vừa được cọ rửa sạch sẽ. Ông Thảo nói: Ngày mai, “Nhà xe” có hợp đồng để đi đưa tiễn hai CCB vừa qua đời về nơi an nghỉ cuối cùng. Tuy làm dịch vụ nhưng cứ mỗi lần nghe tin đồng đội mất, nghĩa là số lượng những CCB già lại “mỏng” thêm, tôi cũng chẳng vui nổi.

 

Nhấp chén trà xanh chờ ông hoàn tất công việc chuẩn bị, chúng tôi để ý trong nhà, có nhiều huân, huy chương mang tên ông được treo trang trọng. Nào là Huân chương, Huy chương chiến sĩ Giải phóng (từ năm 1975) đến Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (năm 1995)...  Và rồi, qua câu chuyện của ông, chúng tôi đã hình dung được phần nào về một thời lửa đạn khốc liệt của dân tộc cũng như về số phận của người thương binh này.

 

Từ những phen chết hụt…

 

Năm 1971, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ giải phóng miền Nam đang ở giai đoạn khốc liệt thì Nguyễn Xuân Thảo rời quê hương Phú Bình lên đường nhập ngũ ở cái tuổi 19. Sau hơn 1 năm huấn luyện bộ đội đặc công tại Tiểu đoàn 21, Sư đoàn 305, ông cùng đồng đội hành quân vào chiến trường miền Nam làm nhiệm vụ trinh sát các cứ điểm, nắm tình hình, trận địa của địch. Để thực hiện nhiệm vụ, người lính trinh sát phải xuyên qua từng hàng rào thép gai, từng vòng tuần tra, tiến sâu vào căn cứ mới có thể nắm rõ tình hình quân địch. Không ít người trong đơn vị đã phải ngã xuống mỗi khi bị quân địch phát hiện. Bản thân ông cũng bao lần nằm giữa sự sống và cái chết.

 

Ông kể: Khoảng tháng 2-1974, để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng thị xã Phước Long, tôi và 1 đồng chí tên Trần Quang Tải (quê Hải Hậu, Nam Định) đi trinh sát tại cứ điểm núi Bà Rá (1 trong 2 ngọn núi cao nhất của tỉnh Phước Long). Khi tôi vừa lọt qua hàng rào thép gai thứ 4 thì pháo sáng nổ, chi kịp núp vào 1 tảng đá to, hai tay chống vào đá đỡ lấy thân, khi nhìn lại thì thấy sợi dây mỏng căng ngang trước ngực. Đó là mìn rơ - neo, loại bẫy mà địch thường giăng trên đường đi hoặc trận địa, nếu có vật gì chạm vào dây, mìn sẽ phát nổ. Tôi thoát chết trong gang tấc. Cùng lúc ấy, tôi nghe tiếng súng nổ liên thanh. Anh Tải đã bị chúng phát hiện và bắn chết khi anh đang cố băng qua hàng rào. Liên tục trong 3 đêm sau đó, mặc dù bị giặc mục kích, chúng tôi vẫn tìm mọi cách tiếp cận thi thể anh để đem về an táng nhưng vì giặc cài mìn khắp người anh nên không thể gỡ ra, như vậy sẽ rất nguy hiểm nên đành...

 

Giọng ông trùng xuống, chiếc kính trên mắt của người kể chuyện một bên nhòe đi. Thấy tôi ra vẻ tò mò khi chăm chú vào con mắt bên kia. Ông giải thích: Con mắt bên phải của tôi là giả đấy. Đó cũng chính là một trong những vết thương trong lần chết hụt thứ 2 của tôi. Đó là lần trinh sát tại cứ điểm Bến Lức vào cuối tháng 2-1975, do bị lộ nên “lĩnh” một mảnh đạn vào mắt phải, một viên xuyên cánh tay qua cả 2 phổi, một mảnh găm vào đầu. Máu tứa ra, đau đớn, lết người ra đến phía ngoài thì kiệt sức, cũng may đồng đội kịp thời phát hiện, cứu tôi đưa về hậu phương điều trị. Đó là một ngày cuối tháng 3.

 

Ông đưa bàn tay trái lên đưa tôi sờ vào ngón thứ giữa. Tôi thấy một vật tròn nhỏ nằm trong đó. Ông nói: Bi của đạn súng cối cá nhân đấy! Nhỏ vậy thôi mà 3 lần tôi xuống Bệnh viện 108 để lấy nó ra mà không được, cứ động vào là nó chạy lung tung, đành phải sống chung với nó. Hiện, viên đạn mà tôi bị bắn ở Bến Lức vẫn còn nằm trong ngực. Bác sĩ nói, nó nằm ở giữa hầu, nơi có rất nhiều dây thần kinh trung ương nên không thể động đến vì rủi ro quá lớn. Bấy nhiêu đó cộng với vết thương ở trên đầu, bao năm qua, tôi còn “nhạy” hơn cả một chiếc máy dự báo thời tiết và đau đớn vô cùng mỗi khi trái gió trở trời.

 

…đến Nhà xe đồng đội

 

Sau nhiều năm điều trị, an dưỡng, đến năm 1980, ông xin vào làm tại Công ty thực phẩm Bắc Thái nhưng chưa đầy 3 năm công tác ông đành phải xin nghỉ bởi sức khoẻ không đảm bảo. Nhưng năm tiếp theo, ông phải bày hàng nước để bán, thu mua sắt phế… kiếm tiền chăm lo cho gia đình. Là lính chiến, ông từng chứng kiến những cái chết bi hùng của đồng đội mà không được an táng cẩn thận, thậm chí không lấy được thi hài. Những ký ức đau thương đó cứ ám ảnh ông, khiến ông luôn trăn trở, như có lỗi với đồng đội.

 

- Năm 2007, trong một lần cùng các đồng ngũ đi viếng một chiến hữu qua đời tại Bắc Ninh, tôi mới dám nêu ý tưởng và được mọi người ủng hộ nhiệt tình. Thế là tôi hạ quyết tâm. Đầu tiên, tôi tìm mua một chiếc xe U-oát cũ với giá 42 triệu đồng nhưng phải vay tới 35 triệu đồng từ mọi nơi, mua 5 bộ quần áo tiêu binh, thắt lưng da, cờ chiến thắng, cờ phủ áo quan, loa đài, nhạc chiêu hồn tử sĩ… Đến năm 2009 “sắm” thêm được bộ lăng kính để quan tài rồi dần “nâng cấp” và hoàn thiện qua từng năm.

 

Điều đáng nói là “mô hình” xe tang của ông đều do ông tự mày mò, tìm hiểu và tự thiết kế. Có chăng sự học hỏi thì chỉ là hình ảnh đưa tang của các nguyên thủ Quốc gia mà ông được nhìn thấy trên ti vi. Còn lại, từ chiếc xe chở tiêu binh, sàn đặt linh cữu (có lăng kính) đến cả, súng AK, khẩu pháo và đài Tổ quốc ghi công bằng mô hình đều là do người thương binh này nghĩ và tự chế tác ra cả. Chẳng hạn, sàn để linh cữu, ông lấy nguyên từ một bộ gầm xe du lịch 16 chỗ ngồi. Súng AK thì ông thuê thợ mộc phỏng theo. Quả thật, với tôi, mỗi khi thấy trên đường phố xuất hiện một đám tang với xe Gát chở tiêu binh cầm súng uy nghiêm, phía sau là linh cữu phủ cờ Tổ quốc đặt trong lồng kính lại thêm khẩu pháo (mô hình) hướng lên trời xanh hoặc đài Tổ quốc ghi công thì trong lòng lại trào lên một tình cảm kính trọng, nhớ ơn những người đã cống hiến công sức, xương máu cho đất nước. Và tôi tin chắc rằng nhiều người sẽ có cảm xúc như tôi.

 

Có lẽ cũng bởi vậy mà rất nhiều nơi trong và ngoài tỉnh đã đến hợp đồng với ông để có được dịch vụ “trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội” này. Đáng trân trọng là ông Thảo làm không vì mục đích kinh doanh kiếm lợi nhuận cao mà ông luôn đáp ứng với mức giá hợp lý và chu đáo nhất. Đối với những trường hợp hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông không câu nệ lãi lời mà chỉ tính đủ tiền chi phí cho ca phục vụ đó. Có lần, nhà lên hợp đồng ở huyện Đại Từ, cả ca phục vụ gồm 2 người lái xe, xe, áo mũ… đi cả ngày trời, gần trăm cây số nhưng ông chỉ lấy có 1,5 triệu đồng. Trong khi đó một lần phục vụ ở T.P Thái Nguyên là 1,2 triệu đồng.

 

Ông tính: Mỗi lần “xuất xe” phải có 2 tài xế để phụ giúp nhau, công trả cho mỗi người là 150 nghìn đồng, tiền xăng xe cũng phải từ 300 đến 500 nghìn (nơi gần bù nơi xa) rồi các chi phí khác như quần áo, vòng hoa, khấu hao xe… thì bình quân mỗi chuyến tôi chỉ “đút túi” trên 200 nghìn đồng mà thôi. Trong khi đó, xe cũ thì thường xuyên phải bảo dưỡng, sửa chữa để không bao giờ gặp phải sự cố trên đường, đó là điều tối kỵ của “nhà xe đặc biệt” này.

 

Đây là tình cảm, sự tri ân của thương binh Nguyễn Xuân Thảo dành cho người lính, đó cũng là lý do vì sao ông chọn cái tên là Nhà xe đồng đội.

 

Nói về việc làm của ông Thảo, ông Đinh Văn Ứng, Chủ tịch Hội CCB phường Phan Đình Phùng phấn khởi: Hoạt động của Nhà xe đồng đội đã tạo được niềm vinh hạnh cho người đã khuất, tự hào cho thân nhân, đồng đội người đó và quê hương khi có người con đã cống hiến công với nước nay được truy điệu, đưa tiễn một cách long trọng. Hơn nữa là ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ trẻ ngày nay biết tôn trọng, tôn vinh giá trị của CCB.