Đề xuất tăng thuế thuốc lá để giảm tiêu thụ

13:52, 27/05/2014

Bộ Y tế đã  đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc là từ 65% lên 105% vào thời điểm 2015 cho giai đoạn 3 năm từ 2015 đến 2017.

Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra cái chết của hơn 40.000 người Việt mỗi năm. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, biện pháp thuế đóng góp tới 50-60% sẽ giảm tiêu dùng thuốc lá.

 

Tăng thuế để giảm tiêu dùng thuốc lá

 

Hưởng ứng Ngày Thế giới không hút thuốc lá năm 2014 (ngày 31/5), Tổ chức Y tế  thế giới (WHO) và các đối tác đã kêu gọi các nước hãy tăng thuế thuốc lá.

 

Ông Lương Ngọc Khuê-Chánh Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) cho biết, năm nay, WHO chọn chủ đề “Tăng thuế thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thực hiện chính sách thuế và giá các sản phẩm thuốc lá như một biện pháp hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc các bệnh và tử vong do sử dụng thuốc lá.

 

Theo WHO, sử dụng thuốc lá gây tử vong cho gần 6 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, trong đó hơn 600.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động. Nếu các quốc gia không có các hành động kịp thời, con số tử vong do thuốc lá sẽ tăng lên hơn 8 triệu ca mỗi năm vào năm 2030. Hơn 80% các trường hợp tử vong do thuốc lá xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Những ca tử vong này lẽ  ra đã có thể tránh được.

 

Hiện, Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên cho thấy độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

 

Số liệu điều tra quốc gia năm 2013 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc của nam giới trưởng thành tại Việt Nam chiếm hơn 48%, tức là 15 triệu nam giới trưởng thành ở Việt Nam hút thuốc lá.

 

Ước tính của WHO, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Con số này đến năm 2030 có thể tăng tới 70.000 người/năm.

 

Xét trên gánh nặng kinh tế, đại diện Văn phòng PCTHTL cho biết, năm 2012, người Việt Nam đã phải bỏ tới 22.000 tỷ đồng cho tiêu dùng thuốc lá.

 

Trước tình hình trên, để giảm mức tiêu thụ thuốc lá theo Chiến lược quốc gia về  phòng chống thuốc lá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Y tế đã  đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc là từ 65% lên 105% vào thời điểm 2015 cho giai đoạn 3 năm từ 2015 đến 2017; Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 105% lên 145% vào thời điểm năm 2018 cho giai đoạn hai năm 2018-2019 và sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh thuế vào năm 2020.

 

Theo bà Phan Thị Hải- Phó Chánh Văn phòng Chương trình PCTHTL, hiện tỷ lệ thuế  thuốc lá tại Việt Nam chiếm 41,6% giá bán lẻ (65% giá xuất xưởng). Việt Nam là nước có mức thuế thuốc lá thấp gần nhất so với các nước trong khu vực (chỉ cao hơn Campuchia) và rất thấp so với các nước phát triển như Pháp (80%), Đức (73%), Australia (60%)...

 

Khuyến cáo của WHO và Ngân hàng thế giới (WB) cũng cho biết, để kiềm chế có hiệu quả việc sử  dụng thuốc lá, thuế thuốc lá tại Việt Nam phải chiếm từ 65-70% giá bán lẻ.

 

Không lo gia tăng buôn lậu khi tăng thuế thuốc lá

 

Theo bà Phan Thị Hải, do thuế thuốc lá ở nước ta thấp nên giá các sản phẩm thuốc lá rất rẻ. Điều này đã tạo điều kiện để thanh thiếu niên dễ tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá và nhanh chóng trở thành người nghiện thuốc lá.

 

Hiện có tới 21,6% nam thanh niên từ 16-24 tuổi có hút thuốc. Do đó, tăng thuế chính là biện pháp hữu hiệu để hạn chế thanh thiếu niên hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật và  tử vong trong dài hạn đối với cộng đồng.

 

Theo ước tính của WB, khi tăng thuế thuốc lá để giá tăng 10%, sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% (ở các nước phát triển) và 8% ở các nước đang phát triển. Ngoài ra khi tăng giá khoảng 10% sẽ giảm tiêu thụ tới 10% ở lớp trẻ và người nghèo.

 

Về lo ngại việc tăng thuế thuốc lá sẽ gia tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá, ông Nguyễn Tuấn Lâm- đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, điều này là thiếu cơ sở.

 

Ông Tuấn giải thích, theo số liệu ước tính của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam về số lượng thuốc lá lậu được tiêu thụ ở thị trường Việt Nam, lượng thuốc lá nhập lậu tăng giảm không liên quan đến các thời điểm tăng thuế.

 

“Tại Việt Nam, việc tăng giá thuốc lá không phải là nguyên nhân chủ yếu làm tăng buôn lậu vì giá của phần lớn thuốc nhập lậu cao hơn giá thuốc cùng loại được sản xuất trong nước khoảng 30-40%”, ông Lâm nói.

 

Cũng theo ông Lâm, việc gia tăng buôn lậu thuốc lá phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như khả năng kiểm soát mạng lưới bán lẻ thuốc lá tại các quốc gia, mức độ minh bạch trong công tác phòng chống buôn lậu của các nước…