Mô hình “Dân vận khéo” ở Bảo Cường

10:54, 23/05/2014

Từ 2 thôn Thanh Cường, Bãi Lềnh thực hiện tốt mô hình “Dân vận khéo”, xã Bảo Cường (Định Hóa) đã nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn xã và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường vào khu dân cư thôn Thanh Cường, xã Bảo Cường, đồng chí Phạm Thị Nhật, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Do một số thôn khác không thực hiện được kế hoạch làm đường giao thông nông thôn, cuối năm 2013, huyện Định Hoá mới đưa về cho thôn Thanh Cường thực hiện. Sau khi chúng tôi tổ chức cuộc họp triển khai, nhân dân trong thôn đều đồng tình ủng hộ, 15 hộ đã tự nguyện hiến gần 900 m2 đất, mỗi nhân khẩu đóng đối ứng thêm 220 nghìn đồng, mỗi hộ ứng trước 1,5 triệu đồng để mua xi măng. Chỉ trong vòng 28 ngày thôn Thanh Cường đã làm xong tuyến đường bê tông dài gần 400m.

 

Không chỉ có phong trào làm đường, những năm gần đây thôn luôn thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và được xã Bảo Cường chọn làm mô hình điểm thực hiện phong trào này. Ông Đỗ Công Tập (là Bí thư Chi bộ thôn từ năm 1995 đến năm 2013) chia sẻ: Trước đây Thanh Cường là thôn yếu về mọi mặt. Hộ nghèo chiếm tới 70%; tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút xảy ra phổ biến; tổ chức chính trị, xã hội dường như không hoạt động. Từ năm1992 đến 2002, Chi bộ không phát triển được thêm đảng viên nào. Xác định muốn đưa phong trào của thôn đi lên phải kiện toàn tổ chức đảng, đoàn thể  vững mạnh và xây dựng đội ngũ cán bộ thôn tâm huyết với công việc chung mới vực được phong trào đi lên.

 

Bởi thế, từ khi ông Tập làm Bí thư Chi bộ, ông cùng các đảng viên trong Chi bộ "sốc" lại phong trào, từng bước kiện toàn các đoàn thể vững mạnh. Để thôn đi vào quy củ, nề nếp ngoài cán bộ thôn luôn là đầu tàu gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, thôn còn xây dựng cả hương ước để nhân dân thực hiện. Nhờ vậy, những năm gần đây thôn Thanh Cường chuyên biến  khá rõ nét. Thôn không còn tai, tệ nạn xã hội; hộ khá, giàu chiến trên 80 %; năm 2013 thôn có 34/36 gia đình đạt gia đình văn hoá.

 

Cùng với thôn Thanh Cường, thôn Bãi Lềnh lại được chính quyền xã Bảo Cường chọn để thực hiện mô hình vận động nhân dân đóng góp, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đồng chí Ma Văn Chiến, Bí thư Chi bộ Bãi Lềnh tâm sự: Giải phóng mặt bằng là khâu thực hiện phức tạp và khó khăn, nhưng khi được chọn là mô hình điểm, chúng tôi đã cố gắng hết sức. Dân vận trong giải phóng mặt bằng không theo một cách làm nào, mà người làm công tác dân vận phải linh hoạt, khéo léo. Chẳng hạn có những trường hợp chỉ cần triển khai tại cuộc họp là họ nhất chí hiến đất, nhưng có những gia đình chúng tôi phải đến nhiều lần để vận động, cũng có khi phải nhờ vào người đứng đầu dòng họ giúp đỡ. Cũng nhờ vào đội ngũ cán bộ nhiệt tình, tâm huyết như anh Chiến, mà từ năm 2012  đến nay, đã có 29 hộ trong thôn Bãi Lềnh hiến đất, với 735m2 đất để làm đường, đến nay 70% đường giao thông nông thôn của thôn Bãi Lềnh đã được bê tông hoá.

 

Ông Đào Duy Hải, Bí thư Đảng uỷ xã Bảo Cường cho biết, từ 2 thôn thực hiện tốt mô hình "Dân vận khéo" nói trên, chúng tôi đã nhân rộng mô hình ra toàn xã. Cùng với hoạt động tích cực của cán bộ thôn, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong xã  đã thực hiện nghiêm quy chế dân chủ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Việc thực hiện các đề án, dự án đều được tổ chức họp với dân và thực hiện đúng nguyện vọng của nhân dân như Dự án kiên cố hoá kênh mương cho các hộ làm dự án nuôi cá ruộng, Dự án hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới... Đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận luôn thấm nhuần lời  dạy của Bác Hồ: Cán bộ dân vận phải “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, đồng thời luôn có quan điểm “Gần dân, hiểu dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân.

 

Vì vậy việc thực hiện mô hình “Dân vận khéo” gắn với phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới của xã Bảo Cường đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2011 đến nay xã đã xây dựng được 15 công trình giao thông nông thôn dài 10,23 km theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, với tổng tiền đối ứng trên 1,2 tỷ đồng, nhân dân tự nguyện hiến trên 15.000m2 đất, 807m dài tường bao, ngoài ra không kể số cây cối hoa màu và tài sản trên đất. Về thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, toàn xã có 13 mô hình trang trại, gia trại, trong đó có 3 mô hình trồng nấm, 10 mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt, gia cầm. Hàng năm các loại quỹ do các cấp phát động xã đều đóng vượt chỉ tiêu. Đơn cử như quỹ xã hội hoá giáo dục năm 2013 huy động đạt 180% chỉ tiêu cấp trên giao. Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong phát triển kinh tế, đến nay thu nhập bình quân đạt 16,5 triệu đồng/người/ năm. Hiện xã Bảo Cường đã hoàn thành 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

 

Nói về mô hình “Dân vận khéo” ở xã Bảo Cường, ông Đoàn Văn Chiến, Trưởng ban Dân vận huyện Định Hoá đánh giá: Đây là xã  thực hiện mô hình “Dân vận khéo” điển hình của huyện, và cũng là xã thực hiện tốt Đề án số 01-ĐA/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Định Hoá về “Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác dân vận, nâng cao hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân huyện Định Hoá” giai đoạn 2011-2015. Chúng tôi đang lấy mô hình của xã Bảo Cường nhân rộng ra địa bàn toàn huyện./.