Phát triển Y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh

10:00, 31/05/2014

Trong 20 năm qua, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ. Bệnh viện đã kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, biện pháp và triển khai thực hiện phát triển y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ cán bộ nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để từng bước xây dựng Bệnh viện phát triển, dần khẳng định vị trí trong công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Những phần thưởng cao quý đã được trao tặng: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2002; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2008; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2000, 2012; Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2002; 2 Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh năm 2003, 2012; Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Y tế năm 2013; Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2013; 14 Bằng khen của Bộ Y tế; 14 Bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.

 

Bệnh viện Y học dân tộc Bắc Thái - nay là Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên - được thành lập năm 1994 với cơ sở vật chất ban đầu là 9 gian nhà cấp 4 và số cán bộ viên chức chỉ 9 cán bộ; kế hoạch được giao là 50 giường điều trị nội trú. Năm 1996, Bệnh viện được đầu tư xây mới với diện tích trên 6,5 nghìn m2. Năm 1997, Bệnh viện đổi tên thành Bệnh viện Y học dân tộc Thái Nguyên với quy mô bệnh viện hạng III, 80 giường điều trị nội trú và 54 cán bộ viên chức. Năm 1999, Bệnh viện Y học dân tộc Thái Nguyên đổi tên thành Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên với quy mô 100 giường bệnh và 66 cán bộ viên chức. Lúc này, Bệnh viện tập trung vào công tác đào tạo cán bộ chuyên sâu về y học cổ truyền, bệnh nhân đến khám và điều trị luôn tin tưởng và Bệnh viện luôn đạt danh hiệu bệnh viện tình thương.

 

Từ năm 2001 đến 2009, Bệnh viện đã tích cực cải tạo sửa chữa các khối nhà đã xuống cấp, đầu tư thêm trang thiết bị như máy xét nghiệm huyết học và sinh hoá máu… Thời kỳ từ năm 2010 đến nay là giai đoạn Bệnh viện có những bước phát triển quan trọng, thay đổi toàn diện. Năm 2011, Bệnh viện tăng quy mô lên 110 giường và năm 2014 tăng quy mô lên 140 giường, biên chế 116 cán bộ, tổ chức bộ máy được kiện toàn. Nhiều trang thiết bị hiện đại được đầu tư thêm như: máy siêu âm 4 chiều; máy phẫu thuật trĩ bằng điện cao tần, phẫu thuật không đau, không chảy máu..; triển khai khoa khám bệnh đa khoa với đủ các chuyên ngành như: mắt, măng hàm mặt, tai - mũi họng bên cạnh các khoa như Nội - Nhi; Ngoại - Phụ; Dưỡng sinh châm cứu. Bộ phận chống nhiễm khuẩn với máy giặt sấy công nghiệp, khoa dinh dưỡng được đầu tư cải tạo khang trang luôn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, khoa dược liên hoàn với máy sắc thuốc đóng túi tự động, dây chuyền sản xuất 1 chiều đã sản xuất gần 20 chế phẩm thuốc y học cổ truyền như: cao thuốc động vật, thực vật, cồn thuốc, si rô, viên hoàn các loại áp dụng vào điều trị rất có hiệu quả. Các dịch vụ y học cổ truyền - phục hồi chức năng phát triển mạnh mẽ như: xông hơi thuốc, ngâm thuốc, tắm thuốc, cấy chỉ, tác động cột sống, nhiệt trị liệu và điện trị liệu các loại… lượng người bệnh đến khám, chữa bệnh ngày càng nhiều và luôn hài lòng về chất lượng khám, điều trị và phục vụ tại bệnh viện.

 

20 năm kể từ ngày thành lập, tổ chức bộ máy của Bệnh viện không ngừng được củng cố, phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, chuyên môn kỹ thuật liên tục mở rộng, y đức được giữ vững. Với tinh thần đoàn kết đổi mới và phát triển, những bước đi phù hợp trong từng giai đoạn cùng với sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, ngành, Bệnh viện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong công tác khám, chữa bệnh, các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức (từ 100% đến 250%), chất lượng điều trị ngày càng được nâng lên, các loại hình dịch vụ được mở rộng, điều trị một số bệnh có hiệu quả cao như: di chứng liệt do tai biến mạch máu não, bệnh rối loạn chuyển hoá, phẫu thuật trĩ, điều trị u xơ tuyến tiền liệt, các bệnh về xương khớp, thần kinh… Tổng số lượt người đến khám bệnh tại Bệnh viện từ năm 1997 đến nay đạt trên 58 nghìn lượt người trong đó, điều trị ngoại trú cho gần 5,9 nghìn lượt người; điều trị nội trú cho gần 33,7 nghìn lượt người; châm cứu, thuỷ châm trên 791 nghìn lần; xông hơi thuốc, ngâm thuốc trên 575 nghìn lần; hồng ngoại - sóng ngắn gần 159 nghìn lần…

 

Ngoài ra, Bệnh viện cũng tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho người có công và người nghèo với số tiền gần 280 triệu đồng. Những năm gần đây, Bệnh viện đã triển khai thêm một số dịch vụ kỹ thuật mới như: Laser nội mạch, laser hồng ngoại tần số thấp, xông hơi thuốc, ngoài ra còn tập vận động trị liệu, tác động cột sống… Bệnh viện liên tục đề ra các giải pháp cải tiến chất lượng bệnh viện: sắp xếp các khoa phòng hợp lý, bố trí thêm giường điều trị nội trú để tránh nằm ghép; cải thiện chất lượng vệ sinh và dinh dưỡng bệnh viện. Cán bộ viên chức bệnh viện luôn thực hiện tốt 12 điều y đức và quy tắc ứng xử. Người bệnh đến bệnh viện luôn được đón tiếp niềm nở, phục vụ tận tình, chu đáo. Hàng tuần, Bệnh viện tổ chức họp Hội đồng người bệnh, phát phiếu thăm dò ý kiến của người bệnh, qua đó rút kinh nghiệm kịp thời, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh và chấn chỉnh y đức trong cán bộ viên chức.

 

Bệnh viện luôn quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực toàn diện cả về chuyên môn, quản lý. Bệnh viện đã và đang đào tạo: 3 tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II; 18 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I; 6 bác sĩ y học cổ truyền; 10 cử nhân đại học và cao đẳng điều dưỡng. Hàng năm, Bệnh viện luôn cử cán bộ đi đào tạo chuyển giao kỹ thuật về phẫu thuật trĩ, tác động cột sống, cấy chỉ, sản xuất thuốc y học cổ truyền, chuyên khoa định hướng về chuyên ngành mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng... Bệnh viện là cơ sở thực hành cho học sinh, sinh viên trường Đại học Y Dược, Trường Cao đẳng Y tế và Hội Y học cổ truyền. Mỗi năm có khoảng 500 lượt học sinh, sinh viên đến thực tập. Tại đây, các học sinh đã được thực hành chuyên môn kỹ thuật về y dược học cổ truyền trong khám, chữa bệnh. Trong 20 năm, Bệnh viện đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp, cấp tỉnh và cấp ngành và cấp cơ sở. Các đề tài đã được nghiệm thu và ứng dụng vào công tác điều trị có hiệu quả.

 

Chi bộ Bệnh viện luôn được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, chi bộ đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới toàn thể đảng viên và cán bộ viên chức. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở để chấn chỉnh kịp thời nên trong những năm qua không có cán bộ nào vi phạm. Cấp uỷ, Ban Giám đốc bệnh viện luôn đổi mới trong công tác quản lý lãnh đạo để phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị theo từng giai đoạn phát triển; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; xây dựng mối đoàn kết nội bộ, duy trì những thành tích đã đạt được và phát huy sức mạnh tập thể trong mọi hoạt động. Nhân viên của Bệnh viện đã hình thành và giữ vững truyền thống quý báu là chăm sóc, điều trị bệnh nhân không vụ lợi; tận tụy, chu đáo thể hiện được những điều mà Bác Hồ đã căn dặn đó là lương y phải như từ mẫu.

 

Ghi nhận những thành tích đã đạt được và sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ viên chức Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên trong những năm qua, Chủ tịch nước đã quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đơn vị. Đây là vinh dự lớn đối với các thế hệ cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện nhân dịp Kỷ niệm 20 năm thành lập. Phần thưởng này sẽ là động lực để tập thể cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Nguyên tiếp tục nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng các kỹ thuật, thành tựu y học tiên tiến vào công tác khám, chữa bệnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quy trình khám, chữa bệnh, cải thiện chất lượng bệnh viện đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh.