Về xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên), đi trên những trục đường bê tông về ngõ xóm, chúng tôi có cảm nhận ở vùng đất này đang từng ngày thay da, đổi thịt, nhà xây kế tiếp nhà xây, xe gắn máy, ô tô ra, vào thu mua hàng nông sản. Cao Ngạn có 17/17 xóm đều đã xây dựng được nhà văn hoá làm nơi hội họp.
Xã Cao Ngạn hiện có hơn 1.900 hộ, hơn 7.000 nhân khẩu, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/người/năm. Tuy đời sống kinh tế của người dân còn chưa hết khó khăn, nhưng phong trào đóng góp xây dựng nhà văn hoá thì có thể khẳng định Cao Ngạn là đơn vị dẫn đầu thành phố. Để minh chứng cho thông tin này, chúng tôi về thăm Nhà văn hoá xóm Gốc Vối 2, tuy không có hẹn trước, song tôi may mắn gặp được các ông, bà đại diện chủ chốt của xóm là: Trần Văn Dũng, Bí thư Chi bộ; Trần Văn Thắng, Trưởng xóm và bà Vũ Thị Nga, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm. Bên ấm trà, câu chuyện về việc bà con nhân dân xóm Gốc Vối 2 xây dựng nhà văn hoá cứ giòn tan như ngô rang trên chảo lửa.
Ông Dũng cho biết: Thành công phải bắt đầu từ việc Chi bộ có nghị quyết hợp lòng dân; đảng viên trong chi bộ gương mẫu tiên phong đi đầu. Còn ông Thắng kể: Ngày trước, khu đất này là nhà kho, sân phơi của Hợp tác xã Đoàn Kết, sau được chính quyền địa phương giao cho xóm quản lý, xây dựng làm Nhà văn hoá, sân chơi thể thao. Trên khuôn viên rộng 1.080m2, bà con nhân dân trong xóm đã thống nhất đóng góp được hơn 300 triệu đồng để xây dựng Nhà văn hoá rộng 120m2. Trong nhà có sân khấu và được trang bị các thiết bị như tăng âm, loa, đài, ti vi, quạt mát… Tiếp thêm trà vào từng chén mời khách, bà Nga cho biết thêm: Để xây dựng được Nhà văn hoá khang trang như thế này còn có sự tham gia đóng góp của nhân dân bên xóm Gốc Vối 1.
Để chúng tôi hiểu đầy đủ hơn, ông Dũng giải thích: Trước đây, 2 xóm Gốc Vối 1 và Gốc Vối 2 là 1 xóm - xóm Đoàn Kết. Năm 2001, nhân dân xóm Đoàn Kết đã cùng nhau đóng góp xây dựng Nhà văn hoá. Sau này xóm Đoàn Kết chia tách thành xóm Gốc Vối 1 và Gốc Vối 2. Khi chia tách, Nhà văn hoá thuộc bên đất của xóm Gốc Vối 1, nên đến năm 2009 nhân dân 2 xóm lại cùng nhau đóng góp tiền, ngày công xây dựng thêm 1 Nhà văn hoá trên đất thuộc xóm Gốc Vối 2. 2 Nhà văn hoá đều rộng rãi như nhau và có giá trị tiền xây dựng là tương đương.
Ông Nguyễn Huy Thành, cán bộ Văn hoá xã tâm đắc: Nhờ cách làm dân chủ, công bằng, nên người dân 2 xóm Gốc Vối 1, Gốc Vối 2 đều nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình khi tham gia đóng góp cho người dân xóm bạn xây dựng Nhà văn hoá… Tương tự như vậy, xóm Mới của xã Cao Ngạn cũng được chia thành 2 xóm: Thành Công và Hợp Thành. Trước đó, người dân xóm Mới đã chung sức đóng góp xây dựng được Nhà văn hoá rộng 80m2 làm nơi hội họp. Sau chia tách, Nhà văn hoá thuộc bên xóm Thành Công, do chưa có điều kiện xây dựng được nhà văn hoá riêng, nên nhân dân 2 xóm vẫn chung 1 Nhà văn hoá. Ông Đào Văn Nguyên, Trưởng xóm Hợp Thành cho biết: Để thuận lợi cho nhân dân tham gia sinh hoạt, hằng tháng, đại diện 2 xóm cùng thống nhất lịch sử dụng nhà văn hoá, nên mọi hoạt động của nhân dân giữa 2 xóm không bị chồng chéo. Hiện xóm Hợp Thành đang tìm quỹ đất xây dựng Nhà văn hoá riêng, chắc chắn việc đóng góp xây dựng sẽ được bà con bên xóm Thành Công tham gia, bởi trước đây bà con bên xóm Hợp Thành đã cùng người dân xóm Thành Công đóng góp tiền và công sức xây dựng nhà văn hoá.
Hầu hết các nhà văn hóa xóm của xã Cao Ngạn đều được sử dụng đúng mục đích, đáp ứng một phần về nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần trong nhân dân. Ngoài việc làm nơi sinh hoạt chi bộ Đảng, họp xóm và các tổ chức đoàn thể nhân dân, nhà văn hóa còn là nơi để nhân dân trong xóm đến luyện tập thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, góp phần tích cực trong phong trào xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và hạn chế được các tệ nạn xã hội