Định Hóa là huyện vùng cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Địa bàn rộng và tập quán sinh hoạt còn lạc hậu của người dân bản địa vốn là những trở ngại đối với việc triển khai các chương trình về phòng chống dịch. Để khắc phục những khó khăn này, thời gian qua Trung tâm Y tế huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, nhất là khi thời tiết sang hè.
Ông Ninh Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh lớn. Toàn huyện chỉ có 9 ca mắc bệnh chân tay miệng (8 ca ở Trường Mầm non Bảo Cường và 1 ca ở xã Bảo Linh). Mục tiêu của chúng tôi là phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch bệnh ở người nhất là trong mùa hè.
Để đạt được mục tiêu này, Ban chỉ đạo phòng chống các dịch bệnh trên người của huyện đã được kiện toàn do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Trung tâm Y tế huyện cũng đã xây dựng 4 mục tiêu cụ thể theo tình huống dịch là: Chưa có trường hợp dịch bệnh trên người; có bệnh sởi, bệnh chân tay miệng, các trường hợp nhiễm cúm A nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người; phát hiện các trường hợp mắc bệnh sởi, thủy đậu, cúm A và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ người sang người ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ và tình huống giả định là dịch bùng phát ra cộng đồng. Kèm theo đó là các phương án triển khai thực hiện. Tại Trung tâm đã thành lập 2 đội phòng chống dịch (5 người/đội) kèm theo là 4 máy phun thuốc khử trùng tiêu độc và 70kg thuốc cloramin B. Trung tâm cũng chỉ đạo các trạm y tế xã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch và thành lập đội lưu động phòng chống dịch.
Công tác tuyền thông cũng được tập trung đẩy mạnh, các trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên thông báo lịch tiêm chủng, các phương pháp chăm sóc sức khỏe, ăn ở hợp vệ sinh tới người dân. Ở một số thôn bản xa như Khuổi Chao (Bảo Linh); Làng Phán (Bình Thành), Cà Đơ (Lam Vỹ), Trung tâm Y tế đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện đến tận nơi khám, cấp thuốc miễn phí và tẩm màn chống sốt rét cho người dân. Ngay khi bước vào mùa hè, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra 37 cơ sở chế biến, trên 300 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 176 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, qua đó kịp thời nhắc nhở, xử phạt những cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn. 2 tháng trở lại đây, trong các buổi giao ban của Trung tâm Y tế với các trạm y tế các xã, thị trấn đều có thêm nội dung giao ban kiến thức chuyên môn. Bác sĩ Nông Văn Ninh, Trưởng trạm Y tế xã Bảo Linh chia sẻ: Giao ban chuyên môn giúp chúng tôi củng cố được kiến thức. Qua giao ban chuyên môn cũng giúp cán bộ y tế có ý thức hơn trong việc cập nhật những kiến thức chuyên môn, kịp thời xử lý khi dịch bệnh phát sinh trên địa bàn”.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Định Hoá, từ đầu năm đến nay, thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, qua kiểm tra trên 25 nghìn hộ, số hộ đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh là 84% (tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2013). Số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm 52,4% (tăng 0,3% so với cùng kỳ 2013). Một trong những loại dịch bệnh vốn rất nguy hiểm vào mùa hè là bệnh dại nhưng đến nay vẫn được kiểm soát tốt. Hầu hết các trường hợp bị chó mèo nghi dại cắn đều được đi tiêm phòng. Từ đầu năm đến nay đã có gần 200 ca được tiêm phòng dại (tăng 19,2% so với cùng kỳ 2013). Chị Lưu Thị Mạ, nhân viên y tế thôn bản xóm Khuổi Chao, xã Bảo Linh chia sẻ: Cùng với việc triển khai đồng bộ các biện pháp của cấp trên, thì ý thức của người dân trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh cũng đã thay đổi rất nhiều. Chỉ cần có thông báo là các bậc phụ huynh đều đưa con đi tiêm các loại vắc xin đầy đủ. Mọi người cũng chủ động đem chôn gia súc, gia cầm chết chứ không vứt bừa bãi ra suối như trước nữa.
Đến nay công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện Định Hóa đã đang được triển khai hiệu quả, tuy nhiên không vì thế mà ngành Y tế huyện chủ quan. Ông Ninh Văn Chính cho biết thêm: Hiện nay Trung tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về công tác phòng chống dịch và cảnh báo rộng rãi về các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trên thực tế, cách đây 2 tháng đã có trường hợp người dân ở xã Sơn Phú ăn thịt lợn chết và bị ngộ độc. Trong đó, người nặng nhất phải chuyển về Bệnh viện Nhiệt Đới (Hà Nội) do nhiễm liên cầu khuẩn, đó là bài học kinh nghiệm để tuyên truyền người dân ý thức hơn nữa trong vẫn đề phòng chống dịch bệnh.