Chỉ trong vòng hơn 4 năm, số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trên địa bàn huyện Phổ Yên giảm 18.800 người, tăng tương ứng sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Sự chuyển dịch này chứng tỏ huyện Phổ Yên đang có bước chuyển mình mạnh mẽ từ huyện thuần nông sang thị xã công nghiệp.
Tốc độ chuyển dịch nhanh
Theo kết quả tổng điều tra dân số vào tháng 4-2014 của Chi cục Thống kê huyện Phổ Yên, số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế trên địa bàn huyện là trên 99.000 người, trong đó có hơn 38.600 người làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; 31.200 người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng; 29.400 người làm việc trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. So sánh với kết quả điều tra vào năm 2010, thì số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp giảm trên 18.800 người, số lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng tăng 20.200 người, số lượng lao động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng 9.500 người (số lao động tăng trong 2 lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ cao hơn số lượng lao động giảm trong lĩnh vực nông nghiệp là do tổng số lao động năm 2014 đã tăng 10.900 người so với năm 2010). Đồng thời, tỷ lệ phần trăm lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản so với ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ cũng giảm đáng kể. Năm 2010, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 65%, trong khi tỷ lệ công nghiệp, xây dựng là 12,45%, thương mại, dịch vụ 22,55% thì đến năm 2014, tỷ lệ phần trăm lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản giảm xuống 38,9%, công nghiệp, xây dựng 31,5% và thương mại, dịch vụ là 29,6%.
Kết quả trên cho thấy tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở huyện Phổ Yên. Ông Lưu Kim Long, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Phổ Yên cho biết: “Chuyển dịch lao động là tất yếu khi các khu công nghiệp (KCN) liên tục được xây dựng trên địa bàn huyện những năm qua. Quá trình xây dựng KCN đã thu hút một lượng lớn lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển hẳn sang lĩnh vực xây dựng. Sau khi xây dựng xong, các nhà máy tại KCN cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, chủ yếu nguồn lao động này xuất phát từ nông thôn. Ngoài ra, kinh tế huyện phát triển cũng tạo cơ hội cho người nông dân mở cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, chuyển sang làm việc trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ”.
Tuy nhiên theo ông Long, nguyên nhân chính khiến nguồn lao động chuyển dịch mạnh là do lợi nhuận kinh tế người dân đạt được trong cùng thời gian làm việc. Nếu cấy lúa, trung bình người dân thu được trên 2 tạ thóc/sào/vụ. Mỗi gia đình 4 nhân khẩu, có 5 sào ruộng tính ra 1 vụ thu được 1 tấn thóc, bán được 7 triệu đồng. 1 vụ lúa 3,5 tháng, vậy thu nhập trung bình của 1 người/1 tháng chỉ được khoảng 500 nghìn đồng. Trong khi đó, một người dân đi làm trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thu nhập trung bình 3 đến 5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, việc thu hồi đất cho các dự án cũng khiến diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện giảm, người nông dân mất đất bắt buộc chuyển sang làm việc trong lĩnh vực khác. Theo thống kê của huyện Phổ Yên, đến tháng 6 năm 2014, tổng diện tích đất thu hồi cho các dự án trên địa bàn huyện khoảng 1.250ha, tác động trực tiếp đến hơn 14.500 lượt hộ gia đình và khoảng 19.500 lao động, trong đó, chủ yếu là lao động nông nghiệp, chưa qua đào tạo.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở huyện Phổ Yên diễn ra mạnh, tất yếu dẫn đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch nhanh cũng đặt ra vấn đề thiếu nguồn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và chất lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng thấp. Bên cạnh đó, với nông dân mất đất cho các dự án, việc bất ngờ phải chuyển đổi sang ngành nghề khác cũng dẫn đến người lao động lúng túng, nhiều người không tìm kiếm được nghề nghiệp phù hợp, dẫn đến thất nghiệp, đời sống gia đình bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Công Thịnh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phổ Yên cho biết: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động mất đất sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Phổ Yên đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.
Từ năm 2011 đến năm 2013, huyện đã đào tạo cho 4.905 lao động, trong đó 921 lao động trình độ trung cấp nghề, 3.764 lao động trình độ sơ cấp nghề, 220 lao động dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng. Sau khi đào tạo, tổng số lao động có việc làm là 4.482 người, số gia đình có lao động đã qua đào tạo vươn lên thoát nghèo là 145 hộ, số gia đình có lao động đã qua đào tạo trở thành hộ khá là 25 hộ. Ngoài ra, huyện thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động, giải quyết việc làm cho lao động mất đất. Hằng năm, huyện tạo việc làm mới cho trên 5.500 lao động. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tạo việc làm mới cho 3.860 lao động. Riêng Tập đoàn Samsung và các doanh nghiệp phụ trợ đã tuyển dụng 1.650 lao động.
Như vậy, với sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương, cơ cấu lao động của huyện Phổ Yên đang chuyển dịch đúng hướng, chất lượng nguồn nhân lực đang ngày càng được nâng cao. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo thêm sức hút đối với nhà đầu tư, góp phần xây dựng huyện trở thành thị xã công nghiệp vào năm 2015.