Những lương y của núi rừng

10:54, 18/06/2014

Tận dụng những cây dược liệu có sẵn trong tự nhiên, 3 lương y ở xã Mỹ Yên (Đại Từ) đã chữa khỏi bệnh cho hàng nghìn bệnh nhân. Với tâm niệm “muốn hành nghề y phải có đức” nên 3 vị lương y này không quá đặt lợi ích kinh tế cho bản thân, phân biệt giàu, nghèo, người bệnh đến là họ tận tâm, tận lực cứu chữa.

“Miếng thuốc triệt nọc” gia truyền

 

Về xã Mỹ Yên, hỏi lương y Dương Thanh Nghị (sinh năm 1935) ai cũng biết, bởi ông là người nổi tiếng trong vùng với những bài thuốc chữa bệnh liên quan đến xương. Đặc biệt, bệnh nhân bị gẫy xương tứ chi (kể cả gẫy nhiều đoạn và dập nát), lương y Nghị chỉ cần lấy các loại cây thuốc bào chế rồi bọc ngoài da từ 15 ngày đến 21 ngày người bệnh có thể là vận động trở lại. Bí quyết của lương y Dương Thanh Nghị là “gẫy chi trái, đắp thuốc chi phải” mà xương vẫn liền nên ai đã từng đến đây chữa bệnh đều vô cùng thán phục. Nhà lương y Nghị nằm sát chân núi Tam Đảo nên các loại cây thuốc quý đều có xuất xứ từ rừng già.

 

Bà Nguyễn Thị Quý nhà ở xã Tân Thái có con trai bị tai nạn giao thông gẫy chân được người thân giới thiệu nên đã lên nhờ lương y Nghị nắn lại xương và lấy thuốc. Bà Quý cho biết: “2 ngày đầu con tôi đau lắm nhưng sau khi bó bằng thuốc của thầy Nghị đã đỡ đau và không còn sưng tấy như trước. Lần đầu bệnh nhân phải đến trực tiếp để thầy Nghị khám, sau đó cứ 2 ngày người nhà lại lên lấy thuốc 1 lần. Phương pháp bó nẹp, bọc lá thuốc vào chân không bị gẫy nên người nhà tự làm được”. Mỗi ngày có từ 5 đến 10 người đến nhờ lương y Nghị khám, bốc thuốc nên công việc của ông khá bận rộn. Khi còn khỏe, lương y Nghị đi xa tới 20km để tìm các loại cây thuốc mọc tự nhiên trong rừng nhưng giờ tuổi cao nên ông đem một số cây thuốc về trồng quanh nhà để chủ động chăm bón, thu hái.

 

Lương y Dương Thanh Nghị cho biết mình được kế thừa những bài thuốc quý chữa bệnh về xương từ bố vợ là cụ Đặng Văn Ẩm - người đã có công lập An dưỡng đường số 1 để nuôi  dưỡng, chữa trị cho thương binh trong khoảng thời gian từ năm 1947 đến năm 1949. Chính những bài thuốc lấy từ cây rừng của cụ Ẩm đã hỗ trợ, chữa trị cho nhiều thương binh chiến đấu ngoài mặt trận bị thương về xương. Con trai ruột của cụ Ẩm đều đi công tác xa nên vào năm 1959, cụ quyết định truyền lại bài thuốc cho con rể. Ngoài thời gian dạy học, ông Nghị đã lặn lội theo cụ Ẩm lên rừng để nhận biết từng cây thuốc, tác dụng của từng loại lá dây, cây, vỏ cây, củ, rễ. Nhờ tinh thần ham học hỏi nên lương y Nghị đã kế thừa được phương thuốc gia truyền của cụ Ẩm và phát triển thêm những vị thuốc mới. Lương y Dương Thanh Nghị cho biết: “Muốn theo đuổi được nghề y, người làm nghề phải có tâm, tinh thần học hỏi và luôn tự rút kinh nghiệm.

 

Đơn cử như “miếng thuốc triệt nọc” (miếng thuốc cuối cùng), tôi đã kế thừa kinh nghiệm của thầy, vận dụng thêm nên dùng gà con mới nở và cơm nếp nghiền nhuyễn rồi bọc cho người bệnh. Đây là cách rất hiệu quả để giúp người bệnh sau này không bị đau buốt khi thay đổi thời tiết”. Không chỉ giỏi nghề mà lương y Nghị sống rất giản dị vì ông cắt thuốc cho bệnh nhân không có giá tiền mà người bệnh trả bao nhiều là tùy tâm. Mặc dù, bệnh nhân khen ngợi hết lời, đồng nghiệp đánh giá cao tay nghề, nhưng lương y Dương Thanh Nghị rất khiêm tốn và ông có lời khuyên: Những bệnh nhân bị gẫy xương muốn chữa bệnh bằng phương pháp đông y nên đi chụp chiếu X.quang để các lương y xem phim thì việc nắn lại xương sẽ thuận tiện và chính xác hơn.

 

Sợ phương thuốc gia truyền quý giá này sẽ mai một khi mình trăm tuổi nên lương y Dương Thanh Nghị đã truyền lại bài thuốc cho ông Đặng Văn Chín (con út của cụ Ẩm). Hiện tại ông Chín cũng đang sử dụng bài thuốc này để chữa bệnh cứu người như cha và anh rể mình đã làm.

 

Từ người bệnh… trở thành lương y

 

Cách nhà lương y Dương Thanh Nghị khoảng 200m là gia đình của lương y Nghiêm Xuân Thành với sở trường bốc thuốc chữa những bệnh về gan, thận... Lương y Nghiêm Xuân Thành cũng đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người bằng chính những cây, dây, củ mọc tự nhiên trên núi Tam Đảo. Bà Ngô Thị Út (70 tuổi) nhà ở xã Ngọc Tảo (Phúc Thọ, Hà Nội) đến cơ sở của lương y Thành chữa bệnh được 2 ngày cho biết: “Tôi bị đau dạ dày và uống quá nhiều thuốc tây nhưng cũng chỉ đỡ được vài hôm rồi lại đau trở lại. Một người ở gần nhà đã được lương y Thành chữa khỏi bệnh giới thiệu nên tôi đã bắt xe lên đây chữa bệnh. Sau khi uống thuốc của lương y Thành tôi thấy đỡ hẳn, ăn thấy ngon miệng và ngủ tốt hơn. Hy vọng lần này tôi sẽ được lương y Thành chữa khỏi bệnh”. Lương y Nghiêm Xuân Thành (sinh năm 1950), trước đây cũng là một bệnh nhân bị viêm ruột

 

mãn tính và đã chạy chữa khắp các bệnh viện nhưng không khỏi, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Năm 1985, ông được người bạn giới thiệu đến cơ sở của lương y Nguyễn Văn Yến để chữa bệnh. Trong thời gian 1 tháng uống thuốc của lương y Yến, ông Thành đã khỏi bệnh. Từ đó, ông Thành yêu thích phương pháp chữa bệnh bằng cây thuốc đông y nên bỏ nhiều công sức, thời gian nghiên cứu tài liệu, sưu tầm các cây thuốc có trong tự nhiên, bài thuốc trong dân. Cộng với những kiến thức cơ bản về đông y do cụ Nghiêm Xuân Thực (bố đẻ ông Thành) truyền lại, học nghề từ lương y Nguyễn Văn Yến và tự học, ông Thành đã dần có những bài thuốc điều trị bệnh hiệu quả. Ngoài những cây thuốc tự nhiên trên núi Tam Đảo, lương y Thành còn kết hợp với nhiều vị thuốc Bắc như: Nhân Sâm, Hoàng Kỳ, Bạch Truật… nên kết quả điều trị tốt hơn và không có tác dụng phụ cho người bệnh. Nhờ chữa khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhân nên năm 2000, lương y Nghiêm Xuân Thành được bầu làm Chủ tịch Hội Đông y xã Mỹ Yên. Ngoài thời gian chữa bệnh, ông Thành đã cùng với các lương y ở địa phương tập hợp các bài thuốc lưu truyền trong dân và phát động phong trào người dân địa phương trồng cây thuốc quanh nhà để tự chữa những bệnh thông thường.

 

Việc các lương y ở xã miền núi Mỹ Yên duy trì, vận dụng những phương thuốc cổ truyền từ những cây dược liệu mọc tự nhiên để chữa bệnh đã đem lại nhiều lợi ích, ý nghĩa và việc làm nên được nhân rộng ra các xã miền núi trong tỉnh có nhiều cấy thuốc quý.