Ở xã Tân Quang (T.X Sông Công), nhiều người biết đến Làng Vai với danh hiệu “làng ba không” (không có hộ sinh con thứ ba trở lên, không còn nhà dột nát, không phát sinh tệ nạn xã hội). Nhờ thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, trong 3 năm gần đây, Làng Vai liên tục được nhận danh hiệu “Làng văn hoá”, cùng với đó đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Trước khi đến Làng Vai, chúng tôi được biết đây là khu dân cư có truyền thống đoàn kết, nhân dân và chính quyền luôn có sự đồng thuận. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Văn Đốc, Trưởng Ban công tác Mặt trận của xóm, tự hào kể: “Con đường dẫn vào làng các chị vừa đi qua, dài 360m, được hoàn thiện chỉ trong 20 ngày nhờ sự chung tay, góp sức rất lớn của nhân dân trong xóm. Khi làm đường, đang dịp lúa trổ đòng, nhưng xe đổ đất vào đến đâu, bà con tình nguyện cắt lúa đến đấy để giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, nhân dân trong xóm đã tự nguyện hiến hơn 800m2 đất và đóng góp trên 500 triệu đồng”.
Khi chúng tôi hỏi về “bí quyết” để tuyên truyền, vận động người dân, ông Hoàng Văn Đốc chia sẻ thêm: Trước mỗi công việc chung của xóm, chúng tôi đều tổ chức họp dân để tham khảo ý kiến và công khai minh bạch mọi khoản thu, chi. Đồng thời, cán bộ xóm cũng là người đi đầu trong việc thực hiện. Như trong việc làm đường, ngoài đóng phần tiền “cứng”, cán bộ xóm còn tự nguyện góp thêm số tiền Nhà nước phụ cấp cho hàng tháng. Có như vậy, người dân mới tin tưởng vào chính quyền và làm theo.
Quá trình xây dựng Làng Vai cũng trải qua không ít khó khăn. Ông Dương Văn Bằng, Trưởng xóm Làng Vai chia sẻ: “Trước đây, Làng Vai thuộc xã Tân Quang, năm 2011, khi T.X Sông Công phân chia lại địa giới hành chính, Làng Vai tách làm đôi, một nửa chuyển sang địa phận phường Bách Quang, nửa còn lại vẫn thuộc địa phận xã Tân Quang. Khi đó, Làng Vai chỉ còn 30 hộ dân, nên UBND xã Tân Quang quyết định sáp nhập thêm 18 hộ dân ở xóm Phú Yên vào Làng Vai. Lúc mới đầu, những hộ dân mới còn “lạ nước, lạ cái”, lòng dân chưa đồng thuận nên việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện những công việc chung của xóm còn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Thời gian ấy, cán bộ, chính quyền cùng các đoàn thể trong xóm phải thường xuyên đi sâu sát, trò chuyện, vận động các hộ thực hiện theo những quy ước của xóm đã xây dựng từ trước. Nhờ đó, những hộ dân mới đã dần hoà nhập với xóm và đồng thuận với chính quyền.
Trong những năm qua, Ban công tác Mặt trận của xóm rất chú trọng đến việc vận động, tập hợp nhân dân tham gia vào các tổ chức, đoàn thể trong xóm như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên… Hiện nay, Hội Phụ nữ và Hội Nông dân của xóm là 2 chi hội có số lượng hội viên đông đảo nhất (mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên tham gia) và sinh hoạt đều đặn 1 tháng/lần. Thông qua các buổi sinh hoạt, các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được tuyên truyền sâu rộng tới từng người dân.
Làng Vai là xóm thuần nông, thu nhập chính từ trồng lúa, chè và chăn nuôi. Để thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập cho nhân dân, Ban công tác Mặt trận xóm thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền cho nhân dân áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, hiệu quả cây trồng và vật nuôi. Năm 2013, người dân đã được hướng dẫn chuyển sang trồng giống lúa lai BI0 404 cho năng suất cao gấp 1,5 lần so với giống lúa Khang dân vẫn trồng trước đây, lại có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng gạo thơm ngon. Được biết, hiện thu nhập bình quân của xóm đạt 30 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, một số hộ dân đã mạnh dạn xây dựng những trang trại chăn nuôi lớn, đem lại thu nhập cao, như: Gia đình chị Dương Thị Huyền dựng trang trại nuôi gà, với quy mô 7.000 con gà/lứa, cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng; gia đình anh Tạ Quang Phục mở trang trại chăn nuôi lợn thịt, mỗi lứa nuôi 50-60 con, kết hợp với nuôi bò, mỗi năm cho thu nhập trên 60 triệu đồng…
Trong việc xây dựng đời sống văn hoá tinh thần, Ban công tác Mặt trận của xóm rất chú trọng vận động nhân dân tham gia các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao. Chúng tôi được biết, nhân dân xóm Làng Vai rất yêu văn nghệ, trong các cuộc họp của xóm bao giờ cũng có các tiết mục văn nghệ đan xen trong chương trình. Mỗi khi xã tổ chức thi văn nghệ, người dân lại hăng hái luyện tập, vì làm nghề nông, không có nhiều thời gian nên mọi người vừa tranh thủ lao động sản xuất vừa luyện giọng. Gần đây nhất, đội văn nghệ của xóm đã đạt giải Nhất trong cuộc thi “Tiếng hát ru” do xã tổ chức nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Cùng với đó, cầu lông là môn thể thao ưa thích của nhân dân trong xóm, hầu như nhà nào cũng biến khoảng sân trước nhà thành sân tập cầu lông, chiều chiều từ trẻ em đến người lớn lại hò nhau ra sân chơi cầu. Tại Đại hội Thể dục thể thao lần thứ 3 của xã tổ chức năm 2013, xóm đã “giật” 2 giải Nhất và 1 giải Ba.
Nhờ tập hợp và phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, trong 3 năm gần đây, nhân dân xóm Làng Vai đã thực hiện tốt các tiêu chí trong cuộc vận động: 100% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá; 100% trẻ em được đến trường theo độ tuổi đúng quy định; số hộ nghèo chỉ còn 3 hộ (chiếm 2%); hằng năm, xóm đều tổ chức các hoạt động giúp đỡ, tặng quà cho các gia đình chính sách trong các Tết, Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 và tổ chức các chương trình giao lưu, văn nghệ vào các ngày lễ, ngày “Đại đoàn kết toàn dân”, Tết thiếu nhi, Tết Trung thu…
Trời chiều đã dần tắt nắng, nhưng người dân Làng Vai vẫn đang hối hả thu hoạch lúa, những cánh đồng vang rộn tiếng cười, chứng kiến khung cảnh thanh bình ấy, chúng tôi tin rằng trong tương lai, Làng Vai sẽ ngày một phát triển hơn, văn minh hơn và luôn giữ vững danh hiệu “Làng văn hoá”.