Hiện tại, số cán bộ, công nhân viên, lao động là người Thái Nguyên đang làm việc cho Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) là hơn 1.450, người lao động trong tỉnh Thái Nguyên là hơn 1.150 người, trong số này người bị ảnh hưởng bởi Dự án là khoảng 900 người...
Việc làm luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với các hộ gia đình, nhất là đối với những người trong độ tuổi lao động. Có việc làm đồng nghĩa với việc có thu nhập, đời sống sẽ được cải thiện, nâng cao và ngược lại, trong khi đó, số người đi xin việc làm lại luôn lớn hơn nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Chính vì thế, vấn đề xin việc và tuyển dụng luôn là đề tài “nóng”. Nó càng trở nên “nóng” hơn, đối với những vùng đất đang bị ảnh hưởng bởi các dự án, khi người nông dân bị thu hồi một phần hoặc hoàn toàn đất sản xuất. Để sinh tồn, đòi hỏi người nông dân phải chuyển đổi nghề nghiệp, và chỗ “dựa” tốt nhất lúc này, theo suy nghĩ của họ chính là các dự án. Ai cũng muốn mình được vào làm việc cho các công ty, xí nghiệp, nhà máy của dự án, dù rằng một số dự án đã có các chính sách hỗ trợ kinh tế, học nghề… để người dân có thể tự lo liệu việc làm ở các đơn vị khác vì nhu cầu tuyển dụng chỉ có hạn. Làm thế nào để hài hòa giữa nhu cầu xin việc của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của dự án là điều không phải đơn giản. Một việc khó như vậy, nhưng trong thời gian qua, NuiPhao Mining cũng đã làm khá tốt, được nhiều người dân và các cấp, ngành chức năng của tỉnh ghi nhận.
Khi chúng tôi đến Bộ phận Quan hệ cộng đồng (NuiPhao Mining) đúng lúc chị Lê Thị H., ở xóm 7, xã Hà Thượng (Đại Từ) đang đến nộp hồ sơ xin việc cho con rể. Nhưng trường hợp con rể của chị H. đã khiến cho nhân viên tiếp nhận hồ sơ hết sức khó xử, dù rằng gia đình chị H. thuộc diện bị ảnh hưởng, đã bàn giao 5.000m2 đất sản xuất cho Dự án. Lý do: Con rể của chị H. mới học hết lớp 6 nhưng lại muốn xin vào Công ty làm lái xe hoặc công nhân nhà máy chứ không muốn làm lao động phổ thông (!?).
Qua trao đổi, chúng tôi được biết, trường hợp của chị H. không phải là ngoại lệ, mà Bộ phận Quan hệ cộng đồng đã tiếp nhận hàng trăm hồ sơ kiểu tương tự như vậy, thậm chí có những người không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe nhưng nhất quyết xin vào những vị trí đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, đơn cử như: bị bệnh tim nhưng lại xin làm công nhân điều khiển máy móc, hoặc lái máy xúc…
Dùi rất thấu hiểu nguyện vọng của người dân và lường trước được các tình huống có thể xảy ra, để hài hòa nhu cầu xin việc và tuyển dụng giữa đôi bên, trước khi đi vào hoạt động, NuiPhao Mining đã phối hợp tổ chức các lớp bổ túc văn hóa (THCS, THPT) nhưng chỉ nhận được vài hồ sơ; có những khóa đào tạo nghề do Công ty phối hợp với các trường dạy nghề thực hiện, số lượng học viên tham gia đông nhưng thời gian học lại không “đến đầu đến đũa” nên không đạt tốt nghiệp và để mất cơ hội được vào làm việc cho Công ty.
Theo anh Đặng Xuân Ngoạn, Trưởng Phòng Nhân sự (NuiPhao Mining): Dự án Núi Pháo ảnh hưởng tới khoảng 3.000 hộ dân, tương đương với trên 10.000 nhân khẩu, trong đó có gần 7.000 người trong độ tuổi lao động. Trong khi đó, NuiPhao Mining và các nhà thầu, ở thời điểm cao nhất cũng chỉ có thể giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động, còn hiện tại là 2.500 lao động. Chính vì vậy, đối tượng chúng tôi ưu tiên số một là những người trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án. Chúng tôi đã tạo những điều kiện ưu việt nhất, giúp họ có những cơ hội về việc làm như mở lớp bổ túc văn hóa, đào tạo nghề, tư vấn về việc làm… Nhưng như chị thấy đấy, có nhiều trường hợp đã bỏ lỡ cơ hội. Đến nay, chúng tôi đã đào tạo cho trên 500 người (đối tượng bị ảnh hưởng Dự án) với các nghề tuyển khoáng, lái xe, cơ khí, vận hành máy móc… Nếu họ không làm cho Công ty thì cũng có thể đi làm việc cho các công ty khác. Khi vào làm việc cho Công ty, cán bộ, công nhân viên, người lao động còn thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn nâng cao về an toàn lao động, sử dụng hóa chất, bảo vệ môi trường phòng, chống cháy nổ…
Qua phỏng vấn người lao động, chúng tôi thấy rằng, khi được nhận vào làm việc cho NuiPhao Mining, cán bộ, công nhân viên, người lao động không chỉ hài lòng với mức lương, thưởng (mức lương tối thiểu thấp nhất trong Công ty được trả cao hơn 15% so với mức lương tôi thiểu theo quy định của Nhà nước) mà còn được tham gia đóng đầy đủ các loại bảo hiểm theo từng loại hợp đồng công việc mà người lao động đã ký kết (bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm rủi ro…); được khám sức khỏe định kỳ 1lần/ năm và 2 lần/năm tùy theo từng vị trí công việc. Theo quy định của Nhà nước, chi phí cho mỗi đợt khám sức khỏe là 500 đến 600 nghìn đồng/người/lần nhưng thực tế, NuiPhao Mining đã trích thêm ngân sách của Công ty tăng lên 1,2 triệu đồng/người/lần (đối với nữ) và 1triệu 350 nghìn đồng/người/lần (đối với nam) để cán bộ, công nhân viên, người lao động được khám bệnh chuyên sâu, sớm phát hiện các loại bệnh khác ngoài danh mục khám theo bảo hiểm. Ngoài ra, tất cả cán bộ, công nhân viên, người lao động còn được hưởng chế độ ăn trưa từ 45 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/người tùy theo vị trí công tác…
Trước sự quan tâm, tạo điều kiện tối ưu để cán bộ, công nhân viên, người lao động được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, an toàn và đảm bảo sức khỏe như vậy nên được tuyển dụng vào làm việc cho NuiPhao Mining luôn là mơ ước của nhiều người trong và ngoài tỉnh. Chỉ tiếc rằng, có nhiều trường hợp thuộc diện được ưu tiên lại không tích cực hoàn thiện bản thân về trình độ văn hóa, năng lực chuyên môn… đã để vuột mất cơ hội.
Chúng tôi mong muốn thông qua bài viết này, người lao động sẽ có sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ đối với NuiPhao Mining trong việc tuyển dụng lao động, đồng thời cũng tự rút ra cho mình những bài học để chủ động, tích cực hơn trong việc nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề thông qua các lớp bổ túc, đào tạo, tập huấn… Khi người lao động đã đạt được những yêu cầu tối thiểu của nhà tuyển dụng thì sẽ hoàn toàn tự tin khi xin việc làm không chỉ ở NuiPhao Mining mà còn các dự án, nhà máy, xí nghiệp trong cả nước.
Anh Đặng Xuân Ngoạn, Trưởng Phòng Nhân sự NuiPhao Mining: Từ nay đến tháng 8 này, chúng tôi có đợt tuyển dụng thay thế một số vị trí. Qua tháng 9, sẽ tuyển thêm khoảng 100 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông. Đối tượng ưu tiên tuyển dụng số một vẫn là người dân trong vùng Dự án. |
|
Chị Hoàng Thị Lan, ở xóm Sơn Hà, thị trấn Hùng Sơn: Tôi năm nay đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn được NuiPhao Mining nhận vào làm tạp vụ. Công việc phù hợp với sức khỏe của tôi. Bình quân thu nhập của tôi hơn 3 triệu đồng/tháng, được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định. |
|
Anh Tạc Hoàng Đại, xóm 6, xã Hà Thượng: Tôi đã được NuiPhaoMining tạo điều kiện cho đi học hoàn thiện về văn hóa và học nghề. Sau khi ra trường, tôi đã được nhận vào làm việc ở Bộ phận Bảo trì. Công việc đúng chuyên ngành được đào tạo nên tôi đã phát huy được khả năng, đạt hiệu quả cao trong công việc. |