Vẫn báo động về tỷ lệ trẻ em, vị thành niên tử vong vì đuối nước

15:59, 16/06/2014

Thực trạng tai nạn thương tích ở trẻ em Việt Nam đang rất đáng báo động, trong đó đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Việt Nam có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao gấp 10 các nước phát triển. Năm 2012, cả nước có trên 3.300 trẻ em và vị thành niên tử vong do đuối nước, trung bình mỗi ngày có khoảng 9 trẻ em và vị thành niên tử vong do đuối nước. Tình trạng đuối nước hiện nay đã giảm song tỷ lệ tử vong vẫn còn cao, đặc biệt là vào mỗi dịp hè.

Trước thực trạng này, ngày 16/6, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức phát động phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2014.

 

Theo số liệu báo cáo, mỗi dịp hè về là số lượng các vụ đuối nước lại tăng. Gần đây nhất là vụ 5 em học sinh rủ nhau đi tắm rồi cùng chết đuối ở Cửa Việt (Quảng Trị) và vụ 6 em học sinh lớp 7 chết đuối ở Bình Thuận. Ngay giữa Hà Nội, vì sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm của một dự án mà 4 em nhỏ đã bị chết đuối tại đầm nước trong dự án đang thi công.

 

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ đuối nước là do sự bất cẩn, xao nhãng của người lớn và do các em thiếu kiến thức bơi lội. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm.

 

Phát biểu tại buổi lễ phát động, Thứ Trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, trong cuộc chiến với nạn đuối nước ở trẻ em thì gia đình là nhân tố quan trọng hàng đầu. Các em nhỏ cần được quan tâm, chăm sóc của gia đình, đặc biệt là các em nhỏ ở vùng nông thôn, nơi có nhiều ao hồ nguy hiểm, cần phải dạy và tập cho các em những kiến thức bơi lội an toàn.

 

Mục tiêu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt ra đến năm 2015 giảm 15% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2010 và thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015 của Chính phủ.

 

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp kêu gọi cộng đồng đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phổ cập kỹ năng sơ cấp cứu trẻ em bị đuối nước cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng.

 

Ngoài ra, các địa phương cần triển khai chương trình dạy bơi cho trẻ, dạy kỹ năng sống và kỹ năng an toàn dưới nước, từng bước đưa môn bơi an toàn vào trong trường học một cách rộng rãi, đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy bơi, tiếp tục mở các điểm trông giữ trẻ mùa lũ…/.