Viết báo rồi làm phim tài liệu - Dễ nhưng không đơn giản

08:23, 20/06/2014

Trong thời đại thông tin bùng nổ, phương tiện truyền thông đa dạng như hiện nay, công việc viết báo (báo in) thuần túy đôi khi trở nên lạc lõng, đơn điệu, điều đó khiến các nhà báo phải tìm cách thể hiện mới. Làm phim phóng sự, phim tài liệu... trên báo điện tử giờ đây không phải là thể loại mới, nhưng chuyển thể cũng không đơn giản...

Nhiều nhà báo nghĩ làm phim tài liệu không có gì là khó, bởi lẽ, hình cứ dựa theo bài viết là thành phim. Nhưng khi tiếp xúc với nhân vật, khảo sát nhân vật, đề cập về những cảnh quay hay đi theo họ để quay thì thực sự rất khó khăn: Mỗi khi giơ máy quay ra là các nhân vật đều không thể tự nhiên như trước, rồi chính mình cũng không rõ mình muốn quay cảnh gì, trong khi đó, phim tài liệu lại tối kỵ sự sắp đặt. Nếu tư duy làm phim theo cách nghĩ ban đầu thì đúng nghĩa chỉ là đuổi hình bắt chữ. Thực tế từ bộ phim phóng sự tài liệu “Khúc khởi đầu bản hùng ca vĩ đại”, nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014), đã cho chúng tôi thêm những kinh nghiệm và sự trải nghiệm hết sức quý báu trong nghề.

 

Để có thể làm được một bộ phim tài liệu, người ta thường phải trải qua các công đoạn khác nhau, gồm viết kịch bản, tổ chức làm phim, ghi hình, duyệt tác phẩm rồi cuối cùng mới là trình chiếu hay phát sóng. Tuy nhiên, kịch bản được xây dựng lên hoàn toàn do ý tưởng chủ quan của tác giả (dạng như đăng ký tên một đề tài và hướng nghiên cứu...), nhưng khi bắt tay vào thực hiện, các tình huống thực tế khách quan nhiều khi hoàn toàn không giống với những gì trong kịch bản đã xây dựng. Năm 2012, trong một cuộc gặp mặt cựu chiến sĩ Điện Biên, do Hội Cựu Chiến binh tỉnh tổ chức, may mắn tôi đã được gặp những nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia đào hầm đánh trận đồi A1 tại Điện Biên Phủ, chiến sĩ lái xe hậu cần tình cờ được chở đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mặt trận... Tất cả đều đã được chúng tôi thể hiện trên báo viết, những hồi tưởng của nhân vật được trích dẫn sâu sắc.

 

Đầu năm 2014, khi bắt tay vào làm bộ phim nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi lần trở lại tìm các nhân chứng theo kịch bản đã định sẵn, nhưng tất cả đều không còn trùng với ý đồ ban đầu. Có người thì tuổi cao, trí nhớ không còn mạch lạc, thậm chí có người nhớ nhầm cả lịch sử. Tình huống này với báo viết có thể vẫn xử lý được qua ghi chép, nhưng với phim tài liệu thì bắt buộc phải có trích lời nhân vật và hình đặc tả... Tìm mãi, cuối cùng chúng tôi đã hẹn gặp được bác Trần Xuân Yến, cựu chiến sĩ Điện Biên để làm nhân vật trong phim. Sau ba lần thiết lập cuộc hẹn đều không thực hiện được, đến lần thứ tư hẹn được bác thì gia đình có việc bận. Giải pháp cuối cùng là thu lời và ghi hình nhân vật thông qua câu chuyện với phóng viên và mượn cảnh ngồi tại nhà người bà con hàng xóm. Gần 40 phút thực hiện ghi hình, nhưng chỉ lấy được một phút hình và lời của nhân vật. Nguyên nhân là do tâm trạng nhân vật đã qua sa đà vào hoàn cảnh cá nhân...

 

Chính vì vậy, sợ nhất trong làm phim phóng sự tài liệu là thay đổi kịch bản, khi ý đồ đạo diễn bất khả kháng phải hủy. Cũng trong quá trình thực hiện, kíp làm phim chúng tôi đã tổ chức chuyến công tác Tây Bắc đến với Sơn La, Điện Biên để thực hiện cảnh quay theo kịch bản, trong đó có hai nhân chứng lịch sử quan trọng, (một là cựu chiến sĩ Điện Biên người Thái Nguyên sau năm 1954 đã ở lại vùng đất Tây Bắc xây dựng cuộc sống mới và một là nhân chứng lịch sử tại điểm nút giao thông quan trọng để bộ đội tiến lên Điện Biên - ngã ba Cò Nòi, tỉnh Sơn La). Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, từ bố trí cảnh quay, trang phục, lời nói của nhân vật... Đến nơi, đoàn làm phim gặp mưa bão, hiện trường quay không thực hiện được, nhân vật do tuổi cao, sức yếu, bị ốm, nằm một chỗ nói không thành âm. Toàn bộ kịch bản, phân cảnh trong đoạn phim buộc phải thay thế.

 

Vất vả là vậy, nhưng hạnh phúc đối với chúng tôi là tác phẩm đã được phát sóng phục vụ kịp thời sự kiện. Ngẫm về những chuyến đi, mỗi chúng tôi lại thấy có những nỗi niềm rất riêng của những người làm báo - vui có, buồn có bởi mỗi bài báo, mỗi bộ phim là những kỷ niệm thật khó quên trong nghề. Nhưng cho dù buồn hay vui trong viết báo hay làm phim thì nhà báo vẫn cần những cảm xúc sâu lắng trong từng trang viết hoặc trong mỗi khuôn hình. Đó chính là điều cốt lõi làm nên giá trị của tác phẩm.