Vui vì viết

16:31, 21/06/2014

Tôi vào đời, lập thân bằng nghề báo. Có lần bố tôi bảo: Con tuổi ngựa (sinh năm 1966), nên làm cái nghề đi suốt ngày là đúng nghiệp chướng rồi. Tôi cũng thấy vui vì mình đã theo cái nghề chẳng bao giờ chịu ngồi một chỗ. Mà có ngồi một chỗ thì cầm chắc khi đó mình đã buông bút, giải nghệ.

Vì là cái nghề đi mới có cái mà viết, nên tôi đi rất nhiều. Hồi công tác ở Hà Giang, tôi thường xuyên đi bộ mà khoảng cách người ta tính bằng… ngày, đi từ sáng đến tối. Còn tính bằng km, có lần tôi đi tới 100 cây số (từ T.X Hà Giang lên đến huyện Yên Minh). Đi như thế mới thấy nhớ. Nhớ vì càng gần đích càng mỏi, chân không muốn nhấc.

 

Gian khổ, vất vả mãi cũng quen, nên có lần cùng các đồng chí, đồng nghiệp chinh phục đỉnh Phan Xi Păng (Lao Cai), đỉnh núi được mệnh danh là mái nhà cao nhất Đông Nam Á, tôi hỏi Giàng Mí Pó, dân tộc Mông, là người “dẫn lộ”:

 

- Đường lên đến đỉnh bao xa?

- 12km. Pó bảo thế.

- Với quãng đường dốc núi này, tôi có thể lên - xuống trong ngày.

 

Và tôi đã cùng các đồng chí, đồng nghiệp của mình có một chuyến leo núi đầy lý thú, an toàn. Bản thân tôi cũng đã có bài viết mô tả về hành trình “chinh phục” đỉnh Phan-xi-făng. Tôi đã viết vì trong nội tâm luôn mang một suy nghĩ: Đã là dân làm báo, đi mà không viết thì đừng đi.

 

Có những người chịu đi, chịu đến nhưng về chẳng biết viết gì. Họ có rất nhiều lý do để bao biện, làm vui tai người những người xung quanh. Tôi bảo: Họ có đi, có đến đấy chứ, nhưng họ không nhìn thấy gì cả để mà viết. Còn tôi, cũng như những đồng nghiệp có chút tự trọng nghề, mỗi lần đi đâu cũng tranh thủ nhìn ngó, hỏi mọi thứ, điều gì khó nhớ thì ghi chép lại, hôm sau ngồi vào bàn là viết một mạch. Có những lần đi thực tế, xong sự kiện là tôi ngồi luôn vào bàn viết với cái bụng đói. Tôi bấm bụng để viết, vì biết ở Tòa soạn còn có hơn chục con người đang chờ đợi tác phẩm báo chí của tôi email về.

 

So với một vài đồng nghiệp khác, tôi có may mắn hơn là được lên đến đỉnh cao nhất của cực Bắc (Lũng Cú, Hà Giang) khá nhiều; rồi lên đỉnh Phan-xi-făng, mái nhà cao nhất Đông Nam Á chí ít cũng 1 lần; được theo bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam ra quần đảo Trường Sa. Lên rừng - xuống biển đủ cả, thế là may mắn, vinh dự nhiều lắm với một người làm báo tỉnh như tôi. Suy nghĩ như thế nên trong chuyến đi Trường Sa kéo dài qua… 2 năm (từ tháng 12-2011 đến tháng 1- 2012), khi đó đang mùa biển động, say sóng kinh khủng, trên con tàu chúng tôi đi có hơn 300 người, chỉ có chừng chục người có thể nói là không bị say sóng, nhưng gan ruột cũng nôn nao, thực phẩm chứa trong dạ dày luôn trực trào ra ngoài. Biển dậy sóng, kinh khủng vì mưa bão, tôi và một vài đồng nghiệp đã có những tác phẩm báo chí trong tâm trạng say sóng. Chúng tôi viết bài ngay trên biển, rồi email về đất liền, nơi Tòa soạn báo có các đồng chí, đồng nghiệp đang chờ đợi lên khuôn, in ấn và phát hành báo phục vụ bạn đọc.

 

Đi và viết là một nghề. Có nhiều người thấy đi là khổ, viết là khó nên không đi, không viết được nữa. Còn tôi vẫn đi, vẫn viết. Tôi đã đi như thế gần ba mươi năm nay. Và tôi sẽ tiếp tục đi đến khi thấy mình không còn khả năng làm được nữa.