Nghị lực của một bệnh binh trong phát triển kinh tế

16:43, 26/07/2014

Có dịp đến thăm trang trại V.A.C của ông Nguyễn Văn Kỷ, bệnh binh ở thôn 1, xã Phú Tiến (Định Hóa). Ngắm nhìn bãi chè, đồi cây, ao cá… Chẳng cần ông Kỷ nói ra nhưng tôi vẫn cảm nhận được để có cơ ngơi bề thế này, ông  phải bỏ ra bao công sức vất vả…

Sinh năm 1950 tại thôn 1, xã Phú Tiến, tròn 18 tuổi chàng thanh niên Nguyễn Văn Kỷ lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Sau 6 tháng huấn luyện, ông cùng đồng đội hành quân vào Nam, chiến đấu tại chiến trường miền Đông nam bộ. Tháng 4/1970 ông được điều sang Cam Pu Chia làm nhiệm vụ quốc tế, năm 1973 ông Kỷ được điều về nước tiếp tục chiến đấu tại chiến trường miền Nam sau đó ra Bắc đóng quân tại tỉnh Lạng Sơn, năm 1981 ông rời quân ngũ về địa phương làm ăn sinh sống.

 

Hơn 13 năm gắn bó trong quân ngũ, tham gia nhiều trận đánh khốc liệt. Với ông, kỷ niệm sâu sắc nhất là vào tháng 10 năm 1971, khi còn đang chiến đấu tại chiến trường Cam Pu Chia, ông cùng đồng đội được giao nhiệm vụ phá một chiếc cầu, chẳng may bị địch phát hiện và bị chúng ném mìn, các mảnh vỡ của quả mìn đã văng vào người ông, đợt đó ông phải nằm viện mất 15 ngày. Lần mà ông “hao sức” nhất đó là tháng 2 năm 1979, khi nhận nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, ông cùng đồng đội hành quân ra Bắc, khi gần đến cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) thì xe ô tô bị lật, người ông bị đập xuống đất, sau này đi khám mới biết mình đã mất 61% sức khỏe.

 

Mặc dù vậy, nhưng khi xuất ngũ trở về địa phương, ông lao động không biết mệt mỏi. Ông Kỷ khiêm tốn: Do hoàn cảnh thôi! Thời điểm tôi xuất ngũ, vợ tôi một nách 4 đứa con nhỏ, sau này sinh thêm 2 đứa nữa là 6 đứa con. Khi đó vợ tôi vẫn còn làm công nhân của Công ty xây dựng đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Thấy cuộc sống vất vả quá, tôi bàn với vợ nghỉ việc ở Công ty về làm ruộng. Thời đó, ở khu vực này còn hoang vu lắm. Để có được những thửa ruộng, khu vườn màu mỡ như ngày hôm nay, vợ chồng tôi phải bỏ ra rất nhiều công sức để khai phá. Nhiều khi trái nắng, trở trời, cơ thể bị đau nhức, nhưng tôi không cho phép mình ngơi nghỉ, nhìn những đứa con  đang tuổi ăn, tuổi lớn tôi lại phải cố gắng. Chỉ tay vào chiếc cuốc lưỡi đã vẹt mất một nửa, nhưng vẫn còn sáng nhoáng, ông Kỷ nói: Thời gian còn trong quân ngũ, tôi làm chiến sỹ công binh chuyên phá, mở đường cho quân ta tiến lên phía trước. Khi về tôi mang theo chiếc cuốc này làm kỷ niệm, đồng thời cũng làm công cụ lao động chính, qua thời gian lưỡi cuốc đã mòn hết cả.

 

Chia sẻ về chuyện làm ăn, ông Kỷ tâm sự: Mặc dù đất nhiều nhưng tôi chỉ có 4 sào ruộng cấy lúa, hàng năm cấy 2 sào để cung cấp đủ lương thực ăn, 2 sào còn lại tôi cải tạo để thả cá. Đối với đất đồi, đất bãi thời gian đầu tôi trồng chè, keo, lá cọ xen canh với cây trồng ngắn ngày mang lại kinh tế cao như: Khoai tàu, lạc, đỗ… nhờ vậy quanh năm tôi đều có thứ để bán; trong chuồng lúc nào cũng nuôi 2 nái lợn, được con nào tôi đều để lại nuôi, có những năm tôi xuất chuồng hàng tấn lợn thịt, mỗi năm thu nhập từ V.A.C đạt ngót một trăm triệu đồng. Giờ thì chè, keo, lá cọ cũng đã cho thu hoạch.

 

Sau khi đi một vòng thăm khu trang trại, tôi bước vào ngôi nhà sàn mái lợp bằng lá cọ, vách chát bùn. Tôi hơi ngỡ ngàng và hỏi: Tại sao ông không xây nhà to, hiện đại trong khi thừa khả năng? ông Kỷ phân trần: Tôi muốn giữ lại ngôi nhà này, vì nó chứa bao kỷ niệm của vợ chồng chúng tôi, thời gian tới tôi sẽ xây cho con trai ngôi nhà sang khu đất bên cạnh. Tôi ngước nhìn lên bức tường (cạnh bàn uống nước), thấy treo dày đặc những Bằng khen, Giấy khen của các tổ chức tặng ông Kỷ cùng gia đình. Đáng chú ý là Bằng khen của Hội cựu chiến binh tỉnh trao cho ông vì đã có thành tích xuất sắc trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Kỷ niệm chương những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Miền Đông Nam bộ và cả Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng… Ông Kỷ bảo: Đây là những tài sản quý báu mà tôi đã phấn đấu cả cuộc đời, nên sẽ gìn giữ chúng cùng với ngôi nhà này.

 

Ngồi chậm rãi pha ấm nước trà mời khách, ông Kỷ trần tình: Tôi là người may mắn, vì có 6 người bạn thân, chúng tôi cùng nhập ngũ một ngày nhưng hy sinh mất 3, chỉ còn lại 3. Chúng tôi vẫn gặp mặt nhau trong ngày 27-7 hằng năm, để nhớ và kể chuyện về 3 người bạn đã hy sinh. Ông Kỷ có 11 người con (cả dâu, cả rể), 7 đứa cháu nội, ngoại. Tuổi già vui cảnh điền viên và quây quần bên con cháu là điều hạnh phúc nhất - ông Kỷ nói.