Người dân chật vật chờ hạ tầng

15:50, 31/07/2014

Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày hàng trăm hộ dân được bố trí tái định cư và mua quyền sử dụng đất thông qua hình thức đấu thầu nhưng đến nay, hạ tầng khu đất hầu như vẫn chưa có gì, khiến rất nhiều gia đình muốn xây dựng nhưng không thể; hộ đã xây thì phải sống trong điều kiện chật vật. Đó là thực trạng ở khu tái định cư và khu dân cư liền kề khu tái định cư Nhà máy May TNG Phú Bình, nằm trên địa bàn xã Kha Sơn.

Điện, đường, nước… đều thiếu

 

Chúng tôi có mặt tại Khu tái định cư và khu dân cư liền kề khu tái định cư Nhà máy May TNG Phú Bình vào một ngày cuối tháng 7, tuy trời đã nhiều ngày không mưa, nhưng đoạn đường dẫn vào khu vực này vẫn rất lầy lội. Bà Tô Thị Hà, có hộ khẩu ở xóm Tây Bắc, xã Kha Sơn cho biết: Với 4,5 sào ruộng bị thu hồi phục vụ Dự án Nhà máy May TNG Phú Bình, gia đình tôi được bố trí 1 lô đất tái định cư rộng 100m2. Do nhà ở cũ đã xuống cấp nghiêm trọng nên gia đình tôi quyết định xây nhà mới tại khu đất này với dự tính sẽ mở cửa hàng buôn bán tại nhà, thay cho nguồn thu nhập từ ruộng đồng trước đây. Vậy nhưng, dự tính này của gia đình chưa biết đến khi nào mới thành hiện thực khi mà cả khu đất rộng tới vài héc ta giờ mới chỉ có 10 hộ đã và đang xây dựng. Hệ thống hạ tầng gồm: điện, đường, nước đều chưa có. Ngay cả nước thải sinh hoạt các gia đình cũng đang phải xả trực tiếp ra đường. Cũng vì ít hộ dân nên hiện tại, khu dân cư này chưa có bất cứ tổ chức  hội, đoàn thể nào, bởi thế các hộ dân tuy đã đến đây ở nhưng vẫn phải sinh hoạt theo nơi ở cũ, nhà nào ở xa chuyển đến thì coi như “vô tổ chức”.

 

Cách nhà bà Hà một đoạn, gia đình anh Ngô Quang Sự, người xóm Lương Trình, xã Lương Phú mua quyền sử dụng đất thuộc Dự án khu dân cư liền kề theo hình thức đấu thầu. Để có điện, cũng như bà Hà, gia đình anh phải mắc nhờ nhà người quen ở xóm Tân Thành, xã Kha Sơn với khoảng cách hơn 600m nên tổn thất điện năng khá lớn và chất lượng điện rất yếu. Trung bình mỗi kw điện, anh phải trả trên 3.000 đồng. Còn đối với gia đình ông Vũ Thành Đức, hộ khẩu ở tổ dân phố Đông, thị trấn Hương Sơn thuộc diện phải di dời nhà ở trong Dự án đường nối Quốc lộ 37 với Quốc lộ 3 mới (gọi tắt là Dự án đường 120 mét) có phần bức xúc hơn. Ông Đức cho biết: Gia đình tôi được bố trí tái định cư 200m2 đất ở khu vực này. Năm 2011, tôi đã xây dựng toàn bộ diện tích, trong đó dành một nửa để kinh doanh nhà nghỉ. Hơn 2 năm qua, cũng vì chưa có hạ tầng nên tôi chỉ có thể cho thuê làm nhà trọ, với giá rất thấp. Trước thực trạng này, tôi đã nhiều lần có đơn đề nghị huyện quan tâm, giải quyết nhưng câu trả lời vẫn là “phải chờ”.

 

Tuy chưa đầu tư xây dựng gì ở khu dân cư này, nhưng chị Nguyễn Thị Thanh, phường Tân Thành, T.P Thái Nguyên cũng tỏ ra bức xúc không kém. Chị bảo, gia đình chị đã bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để mua một số lô đất ở đây với mục đích vừa để ở, vừa để kinh doanh, buôn bán. Nhưng với điều kiện về hạ tầng như hiện nay thì gia đình chị chưa thể làm gì, điều này khiến gia đình chị bị thiệt hại không nhỏ.

 

Cơ quan chức năng nói gì?

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Thanh Nhị, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Bình cho biết: Lẽ ra, số tiền thu được từ 2 khu đất này sẽ được dành 1 phần để đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, nhưng do trước đó huyện đã vay tỉnh 75 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng Dự án đường 120 mét và cho chính Dự án Nhà máy May TNG Phú Bình nên số tiền thu được từ 2 khu đất này, huyện đã trích trả cho tỉnh 40 tỷ đồng và hiện vẫn còn nợ 35 tỷ đồng. Cũng vì kinh phí hạn hẹp nên đến nay, cả 2 khu đất này mới được huyện đầu tư hơn 7 tỷ đồng để làm nền đường, cống thoát nước và trồng cột điện. Phần còn lại phải làm là khá nhiều, gồm: Mặt đường cứng, rãnh thoát nước, vỉa hè, hệ thống nước sạch và đường điện. Theo dự toán, kinh phí để làm các phần việc trên từ 15-17 tỷ đồng, riêng phần mặt đường cũng tốn khoảng 7-8 tỷ đồng. Số tiền này được xem là quá lớn đối với huyện còn nhiều khó khăn như Phú Bình, nên đây có thể nói là bài toán khó giải của huyện.

 

Ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đang nỗ lực thực hiện các biện pháp có thể để Dự án đường 120 mét sớm được UBND tỉnh chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư là Công ty cổ phần Bất động sản Tân Đại Việt theo hình thức BT (đổi đất lấy công trình). Nếu Dự án được chấp thuận, trước mắt, chủ đầu tư cam kết sẽ chuyển cho huyện từ 5-10 tỷ đồng (tiền mà huyện đã bồi thường giải phóng mặt bằng trước đó cho Dự án, với số tiền hơn 60 tỷ đồng). Với số tiền này, huyện sẽ ưu tiên cho việc làm đường bê tông, kế tiếp là để hoàn thiện các hạng mục của 2 khu đất nói trên. Trong trường hợp chủ đầu tư Dự án đường 120 mét chưa được chấp thuận, chúng tôi mong tỉnh quan tâm, tạo điều kiện và có cơ chế điều tiết lại cho địa phương theo diện tích đất đã thu hồi trên địa bàn huyện thời gian qua, mà cụ thể là KCN Điềm Thụy để địa phương có điều kiện đầu tư hạ tầng.

 

Thiết nghĩ, trước những khó khăn mà hàng trăm hộ dân ở Khu dân cư và khu tái định cư Nhà máy May TNG Phú Bình đã và đang gặp phải, cấp ủy, chính quyền các cấp sớm quan tâm, đầu tư về hạ tầng để đảm bảo điều kiện cần thiết cho mỗi hộ dân, tránh để người dân phải chịu thêm thiệt thòi, bức xúc…

 

Khu tái định cư Nhà máy May TNG Phú Bình và Khu dân cư gắn liền với khu tái định cư Nhà máy May TNG Phú Bình có tổng diện tích hơn 4ha. Cả 2 khu có tổng số 182 lô đất, trong đó đã có 32 lô dành cho tái định cư, 143 lô bán đấu giá (từ năm 2010), còn lại 7 lô dành cho tái định cư những dự án đang triển khai trên địa bàn. Qua đấu giá và thu tiền tái định cư của 2 khu này, huyện đã thu được trên 43 tỷ đồng.