Về nơi ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ

10:49, 26/07/2014

Xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn - Đại Từ) đã đi vào lịch sử. 67 năm về trước, tại nơi đây, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh Trung ương, Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam...đã dự một cuộc họp quan trọng, thực hiện Chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày 27-7 là Ngày Thương binh toàn quốc.

Một ngày tháng Bảy, trời xanh và trong, nắng vàng trải rộng một màu tươi mới sau những ngày mưa bão, chúng tôi về thị trấn Hùng Sơn để được hòa mình vào không khí trang nghiêm, cảm động, được chứng kiến những hình ảnh thân ái, nghĩa tình, trân trọng… của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị trấn cũng như của nhiều đoàn cán bộ của tỉnh, huyện, một số cơ quan, ban, ngành… đã về Khu di tích Lịch sử 27-7 ở xóm Bàn Cờ để làm Lễ dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ và có nhiều hoạt động tri ân đối với các gia đình chích sách, người có công với cách mạng. Các hoạt động tri ân không giống nhau như: tặng quà, hỗ trợ tiền làm nhà, phát triển kinh tế, tư vấn, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí… nhưng tựu chung lại là tấm lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ đi sau đối với những người anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập - tự do của dân tộc; của những chiến sĩ đã phải bỏ lại nơi chiến trường một phần xương máu, bị ảnh hưởng chất độc da cam; thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với thân nhân các liệt sĩ… Mỗi một việc làm, một hành động dù nhỏ, dù lớn nhưng chất chứa trong đó là tình cảm sâu nặng, sự biết ơn sâu sắc đối với những người có công với cách mạng, với đất nước.

 

Hiện nay, Hùng Sơn có 346 đối tượng chính sách, trong đó có hơn 160 đối tượng bị ảnh hưởng chất độc da cam; 77 thương, bệnh binh; 107 gia đình liệt sĩ. Trong nhiều năm qua, các đối tượng thuộc diện chính sách luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của cả cộng đồng, vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ đã nỗ lực làm giàu chính đáng, góp phần cùng với người dân xây dựng nông thôn mới. Hùng Sơn không còn gia đình chính sách nghèo và trở thành đơn vị đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Điều đó, càng hun đúc thêm niềm tự hào, phấn khởi, để mỗi người dân tích cực hơn, hăng hái hơn trên “mặt trận” xóa đói, giảm nghèo, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của cùng với Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của chính bản thân mỗi người dân.

 

Nhớ lại những ngày đầu toàn xã tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng chí Đỗ Đăng Khoa, Bí thư Đảng ủy thị trấn Hùng Sơn cho biết: Xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống cho người nông dân, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã xây dựng các đề án, kế hoạch chi tiết để triển khai tới các xóm và toàn thể nhân dân trong xã. Tập trung tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên cũng như quần chúng nhân dân hiểu chủ trương của Đảng và Nhà nước, vận động nhân dân hiến đất, góp công để xây dựng các công trình công cộng. Nhờ vậy, trong 4 năm qua, Hùng Sơn đã xây dựng và quảng bá thành công thương hiệu chè an toàn Khuôn Gà, triển khai có hiệu quả các đề án trồng rau an toàn, trồng hoa, chăn nuôi, sản xuất lúa chất lượng cao… thành lập và duy trì tốt các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần cải thiện và nâng cao đáng kể đời sống của người nông dân.

 

Đặc biệt, đối với việc xây dựng đường bê tông nông thôn - một trong những tiêu chí khó của Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được Hùng Sơn hoàn thành ngay trong năm 2011. Kinh nghiệm của Hùng Sơn là luôn bám sát cơ sở để hiểu thấu đáo tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Như việc làm đường ở xóm 4, một trong những xóm khó khăn nhất của xã, toàn bộ Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể của xã Hùng Sơn khi đó đã vào cuộc, xuống tận nơi tìm hiểu những vướng mắc của người dân. Thông qua đó, lãnh đạo xã hiểu ra khó khăn lớn nhất của nhân dân xóm 4 là kinh phí đóng góp khá lớn, nhất là với hộ nghèo. Ngay sau đó, lãnh đạo xã và đại diện xóm đã họp, đề ra sáng kiến “Lá lành đùm lá rách”, gia đình nào khá giả sẽ cho gia đình khó khăn hơn vay tiền, tạo điều kiện cho những hộ nghèo góp công để giảm bớt số tiền phải đóng góp. Ông Nguyễn Quý Duy, Bí thư Chi bộ xóm 4 cho biết: Để làm được 1.000m đường bê tông, mỗi khẩu trong xóm phải đóng góp 800 nghìn đồng, trung bình mỗi gia đình phải đóng từ 3 đến 5 triệu đồng. Mặc dù đó là số tiền khá lớn nhưng bằng sự đồng lòng, chung tay góp sức của tập thể, xóm 4 đã nhanh chóng đóng góp đủ và xây dựng hoàn thiện đoạn đường trên.

 

Để chung tay xây dựng nông thôn mới, 4 năm qua, Hùng Sơn đã huy động được trên 32 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại khu vực nông thôn với 21 công trình (đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ…), hiện nay các công trình đều đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhờ đó diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt, củng cố thêm lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền địa phương…

 

Người dân vùng quê cách mạng Hùng Sơn luôn có quyền tự hào không chỉ với quá khứ lịch sử hào hùng, hàng trăm người con đã tình nguyện lên đường đánh đuổi giặc Pháp, Mỹ xâm lược, bảo vệ quê hương, Tổ quốc; vinh dự được 2 lần đón Bác Hồ về thăm; nơi phát tích Ngày Thương binh - Liệt sĩ...  Hôm nay, cán bộ, nhân dân Hùng Sơn lại tự hào về những thành quả họ đã đạt được trong công cuộc đổi mới và xây dựng quê hương đất nước, trở thành xã đầu tiên của tỉnh đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt, vào đầu năm 2014, huyện Đại Từ đã thực hiện Nghị quyết số 124/NĐ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã Hùng Sơn để mở rộng địa giới hành chính thị trấn Đại Từ, đổi tên thị trấn Đại Từ thành thị trấn Hùng Sơn. Với thế và lực mới sau khi sáp nhập, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Hùng Sơn sẽ đoàn kết, phát huy nội lực, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện trước mắt và lâu dài.