Bảo đảm an toàn cho lao động tự do

09:55, 14/08/2014

Một ngày giữa tháng 8, chúng tôi đến một số phường trung tâm của T.X Sông Công và được chứng kiến khá nhiều công trình xây dựng đang thi công. Những công trình này thu hút một lượng lớn người lao động tự do đến làm việc, tuy nhiên qua tìm hiểu của chúng tôi thì vấn đề bảo đảm an toàn lao động cho những người làm thuê ở đây hầu như đều đang bị các chủ thầu… bỏ qua.

11 giờ trưa, dưới cái nắng như thiêu đốt, hàng chục công nhân của một công trình xây dựng nhà ở thuộc tổ dân phố An Châu 1, phường Mỏ Chè vẫn đang miệt mài làm việc. Trên những giàn giáo chông chênh không có lưới bảo vệ xung quanh, người thì xây, người thì đón những viên gạch được tung từ dưới lên, thỉnh thoảng lại có tiếng gạch rơi “bộp” xuống dưới do bắt hụt hay tiếng người xuýt xoa mỗi khi bị gạch đập vào tay… Mặc dù làm công việc nặng nhọc nhưng những lao động này không có thiết bị bảo hộ lao động. Khoảng 11h30', tốp thợ mới rời công trình để về nghỉ trưa tại chiếc lán nhỏ được dựng bằng các tấm cốp pha kê tạm, bên trong còn chứa ngổn ngang xi măng, sắt thép.

 

Trò chuyện với chúng tôi anh Trần Văn Bình, ở phường Mỏ Chè, là người trong tốp thợ cho biết: Công việc của thợ xây rất nguy hiểm, nặng nhọc mà mỗi ngày tôi cũng chỉ được trả hơn 100 nghìn đồng tiền công. Tôi đã theo nghề này được hơn 3 năm, từng làm thuê cho nhiều chủ thầu, xây nhiều công trình nhưng tôi chưa bao giờ được ký hợp đồng hay trang bị bảo hộ lao động. Do đó, nếu không may bị tai nạn trong quá trình làm việc, những người như chúng tôi sẽ không được hưởng bất cứ chế độ gì. Tiền nằm viện, thuốc men chủ yếu là thương lượng với chủ thầu, người tốt thì hỗ trợ cho được chút ít còn không thì cũng chẳng có gì, thậm chí tai nạn không làm được việc họ sa thải luôn.

 

Thực tế đã có không ít những vụ tai nạn lao động xảy ra để lại hậu quả đau lòng, thế nhưng vì miếng cơm manh áo, đa số những lao động tự do vẫn chấp nhận đặt cược tính mạng của mình vào công việc vất vả, nhọc nhằn và thường xuyên phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập này.

 

Tới thăm gia đình chị Lưu Thị Điệp, ở tổ dân phố Xuân Miếu 1, phường Cải Đan, là vợ của một nạn nhân xấu số qua đời vì tai nạn lao động chúng tôi được chị Điệp cho biết: Chồng chị anh Trịnh Văn Chinh vốn là lao động chính trong nhà, đầu tháng 5-2014, anh xin vào làm thợ xây cho một công trình nhà ở trên địa bàn T.X Sông Công, trong lúc đang đứng làm việc trên giàn giáo cao thì giàn giáo bất ngờ bị sập khiến anh ngã xuống, mọi người vội đưa anh đi cấp cứu nhưng trên đường đến bệnh viện anh Chinh đã tử vong. Hiện, với đồng lương công nhân may ít ỏi, một mình chị Điệp phải nuôi 3 con nhỏ, trong đó cháu bé nhất mới được hơn 1 tháng tuổi.

 

Cũng gặp tai nạn sập giàn giáo trong lúc đi làm thuê như anh Chinh nhưng anh Dương Văn Lâm, ở tổ dân phố An Châu 2, phường Mỏ Chè may mắn hơn bởi còn giữ được tính mạng. Anh Lâm cho biết: Mặc dù sự việc đã xảy ra cách đây hơn chục năm nhưng mỗi lần nhớ lại tôi vẫn không khỏi rùng mình. Hậu quả của lần tai nạn ấy là tôi bị chùn 4 đốt sống lưng và phải nằm liệt giường mất gần 1 năm. Hiện, tôi đang phải sống cùng căn bệnh suy thận cấp và bàn chân phải đang bị hoại tử. Hoàn cảnh gia đình vốn đã nghèo nay lại càng nghèo hơn, mọi khoản chi phí để chữa bệnh tôi đều phải vay mượn anh em, bạn bè mà chưa biết đến bao giờ mới trả được.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số công nhân tại các công trình xây dựng khi được hỏi về hợp đồng lao động đều trả lời là chưa bao giờ được ký hợp đồng lao động và nếu có thì chỉ là những “hợp đồng miệng”. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng, họ không được trang bị bất cứ một thiết bị bảo hộ nào như mũ, quần áo, găng tay, dây an toàn… Khi có tai nạn chết người xảy ra, đơn vị thi công sẽ “chi” ra một khoản tiền từ 40 đến 50 triệu đồng gọi là “tiền phí hỗ trợ mai táng” cho gia đình nạn nhân và rồi cái chết đó được “chìm” đi, cơ quan chức năng vì thế cũng khó mà phát hiện, chỉ có người lao động là thiệt thòi. Như cái chết của anh Chinh, vợ anh cũng chỉ được nhận từ chủ thầu 50 triệu đồng và người đứng ra thuê anh không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào về mặt pháp luật.

 

Được biết, hiện những người lao động tự do chỉ có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên rất ít người tham gia đóng bảo hiểm, khi bị tai nạn rủi ro đã có nhiều trường hợp không thể lo nổi tiền viện phí. Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng khoa Ngoại - Chấn thương, Bệnh viện C Thái Nguyên cho biết: Trong số những bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa có khoảng 15% số ca bệnh bị tai nạn lao động, trong đó bệnh nhân là người lao động tự do chiếm gần 10%. Hầu hết những người lao động tự do khi bị tai nạn đều phải chịu hậu quả rất nặng nề nhưng lại không có thẻ bảo hiểm y tế, do đó không ít gia đình lao đao khi phải lo một số tiền lớn để điều trị cho người bệnh.

 

Những người lao động tự do có một điểm chung là họ không thuộc sự quản lý của một tổ chức hay đơn vị nào, do trình độ hạn chế, làm việc theo thời vụ nên họ cũng không nghĩ đến các chế độ mà lẽ ra mình được hưởng mà chỉ nghĩ đơn giản là làm để có thu nhập. Trong khi đó, phần lớn các chủ sử dụng lao động lại không thực hiện các quy định về pháp luật lao động như: Xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động, tổ chức huấn luyện an toàn lao động; khám sức khoẻ cho người lao động… chính điều này là một trong những nguyên nhân khiến ngành chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, bảo đảm quyền lợi cho lao động tự do. Ông Nguyễn Xuân Nhân, Trưởng phòng Lao động, Thương binh - Xã hội T.X Sông Công cho biết: Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách nào để thống kê được trên địa bàn thị xã có bao nhiêu người lao động tự do, bao nhiêu cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có sử dụng người lao động. Do đó, việc kiểm tra, giám sát về thực hiện an toàn lao động đối với người lao động tự do cũng chưa biết phải bắt đầu từ đâu.

 

Có thể thấy, nghề lao động tự do tuy tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng vẫn thu hút rất đông những người không có công việc ổn định. Thiết nghĩ, để hạn chế những rủi ro đáng tiếc, người lao động nên tự tìm hiểu Luật Lao động để bảo vệ quyền lợi cho mình, ngoài ra, cũng cần có chế tài xử phạt nghiêm những chủ sử dụng lao động vi phạm quyền lợi của người lao động...