Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, lượng bệnh nhân mắc các chứng bệnh tâm thần vì uống rượu phải điều trị tại Bệnh viện đã tăng từ 2 đến 3 lần so với các đây 5 năm. Không chỉ gia tăng số lượng, bệnh nhân tâm thần do uống rượu cũng đang dần dần được “trẻ hóa”.
Ông Trần Văn Sông, 50 tuổi, ở xóm Na Kiếm, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) đã gần 20 năm uống rượu, trong đó gần 10 trở lại đây, ông bị nghiện rượu. Theo lời người nhà, ông Sông uống rượu nhiều lần trong ngày đặc biệt là để ngủ được vào buổi tối. Sức khỏe ngày càng suy giảm và nghiêm trọng hơn là vào năm 2012, ông Sông phải nhập viện trong thời gian hơn 1 tháng với biểu hiện rối loạn tâm thần nặng. Ra viện, ông Sông vẫn tiếp tục uống rượu và 5 hôm trước đây, ông Sông lại tái nhập viện trong tình trạng rối loạn tâm thần nặng hơn với những biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi...
Theo các bác sĩ, ngoài biểu hiện loạn thần, ông Sông còn bị mắc hội chứng cai nghiện với biểu hiện bị rối loạn thần kinh thực vật, huyết áp tăng cao, sốt cao, mất nước dẫn tới nguy cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Để cứu mạng sống của ông, các bác sĩ vừa phải điều trị chống rối loạn thần kinh vừa phối hợp chống rối loạn thần kinh thực vật. Sau 5 hôm điều trị, sức khỏe của ông Sông đã ổn định và đã có thể tự vệ sinh cá nhân, ăn uống bình thường.
Cũng tương, ông Hoàng Văn Mạ, 60 tuổi, ở xã Phú Xuyên (Đại Từ) nghiện rượu trên 20 năm nay và phải điều trị rối loạn tâm thần nhiều lần tại một số bệnh viện trong tỉnh. 3 tuần trước, ông Mạ nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh trong tình trạng rối loạn tâm thần rất nặng với những biểu hiện ảo giác, hoang tưởng, rối loạn hành vi và không thể nhận biết được người thân. Mọi sinh hoạt cá nhân của ông đều do người nhà và các điều dưỡng trợ giúp. Sau thời gian điều trị tích cực, tình trạng rối loạn tâm thần của ông Mạ đã giảm đi đáng kể. Ông đã có thể nhận biết được người nhà, bước đầu kiểm soát được hành vi và giảm đáng kể các ảo giác.
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, lượng bệnh nhân mắc các bệnh tâm thần phải điều trị tại Bệnh viện đã tăng từ 2 đến 3 lần so với cách đây 5 năm. Nếu như vào thời điểm năm 2008, 2009, trung bình mỗi ngày Bệnh viện điều trị cho dưới 5 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần do uống rượu thì đến năm 2014, số lượng này là trên 10 bệnh nhân. Cá biệt, có ngày Bệnh viện điều trị cho trên 20 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần do uống rượu. Tính từ đầu năm đến nay, lượng bệnh nhân loạn thần do rượu chiếm tới 30% tổng số bệnh nhân điều trị tại khoa Nam của Bệnh viện. Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh năm 2013 do Bác sĩ Trần Thị Định, Trưởng khoa Nam làm chủ đề tài thì độ tuổi trung bình của bệnh nhân loạn thần do rượu là 40,5 tuổi. Trong đó, bệnh nhân thuộc nhóm tuổi từ 31 đến 50 chiếm tỷ lệ cao nhất là 75%. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, 67,5% người mắc bệnh tâm thần do rượu có trình độ học vấn thấp; 87,5% bệnh nhân không có nghề nghiệp ổn định hoặc là lao động phổ thông và đa số bệnh nhân có thời gian uống rượu khoảng 10 năm trở lên.
Bác sĩ Trần Thị Định, cho biết: Người lạm dụng rượu lâu ngày thường rơi vào tình trạng nghiện rượu. Dưới góc độ y học, thì đó là một bệnh mãn tính, do nhu cầu uống rượu không được thỏa mãn thường xuyên và ngày càng gia tăng gây cho người bệnh một sự đam mê. Về mặt xã hội thì đó là nhu cầu uống rượu không được thỏa mãn thường xuyên gây ảnh hưởng có hại đến sức khỏe làm cho lối sống bê tha, giảm sức lao động. Nghiện rượu mãn tính thường gây ra hậu quả nặng nề với cơ thể và tâm thần người nghiện. Trong đó, rối loạn tâm thần do rượu là một trong những hậu quả nặng nề về tâm thần ở các bệnh nhân nghiện rượu mãn tính. Loạn thần phát triển chủ yếu do nhiễm độc rượu lâu ngày gây tổn thương các cơ quan nội tạng và rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.
Đáng báo động hơn là hiện nay, số lượng bệnh nhân loạn thần do rượu đang có biểu hiện gia tăng mạnh và dịch chuyển tỷ lệ từ nông thôn về thành thị với tỷ lệ 37,5% người mắc bệnh sống ở khu vực thành thị. Tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần trẻ tuổi cũng gia tăng, có những bệnh nhân mới hơn 20 tuổi đã mắc bệnh loạn thần và phải đến điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Qua điều tra, nghiên cứu, cũng cho thấy nghiện rượu, loạn thần do rượu cũng xuất hiện ở những người có trình độ học vấn cao và là công chức, viên chức nhà nước.
Cũng theo bác sĩ Định, biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân loạn thần do rượu rất phong phú, trong đó 87,5% bệnh nhân có ảo giác, 77,5% bệnh nhân có biểu hiện hoang tưởng, 77,14% bệnh nhân có biểu hiện hoang tưởng kết hợp với ảo giác và 87,5% bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, thường xuyên lo âu, hoảng sợ và trầm cảm... Để điều trị các triệu chứng trên ở người bệnh loạn thần do rượu phải mất khoảng 2 đến 3 tuần với thuốc an thần kết hợp thuốc giải lo âu, viatmin, bồi phụ nước điện giải, thuốc chống trầm cảm… và đặc biệt là phải ngừng uống rượu. Để hạn chế nguy cơ mắc rối loạn thần kinh, mỗi người dân cần hạn chế sử dụng rượu, đồng thời, các cấp, ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi về tác hại của rượu, hậu quả của người nghiện rượu đồng thời cần có những chính sách thích hợp để quản lý, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh rượu trên thị trường.