Nâng cánh ước mơ xanh

08:46, 07/08/2014

Chương trình tặng sách giáo khoa cho con em nạn nhân chất độc da cam/điôxin (nạn nhân) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh triển khai từ năm học 2012-2013 đến nay. Trung bình mỗi năm học, toàn tỉnh có hơn 200 con, cháu nạn nhân được nhận sách giáo khoa, riêng năm học 2014-2015, mỗi em còn được nhận thêm 20 vở viết. Tuy trị giá món quà không nhiều, nhưng mỗi trang vở mới đã như một động lực nâng cánh ước mơ xanh, để các em - những con, cháu nạn nhân tự tin hơn trong học tập.

Những ngày cuối tháng Bảy, cán bộ, nhân viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh như bận rộn nhiều hơn. Kể từ anh Hoàng Đức, Chủ tịch Hội cho đến chị nhân viên văn phòng, hết kỳ cạch bên máy vi tính để kiểm tra việc triển khai thực hiện hỗ trợ nạn nhân làm nhà, sửa nhà, hỗ trợ nạn nhân mắc bệnh hiểm nghèo; lại bấn bíu với những túi quà tặng nạn nhân trong dịp ngày 10-8, Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam. Bận rộn là thế, song anh, chị em cán bộ, nhân viên trong Hội không quên việc mua sách giáo khoa, vở viết tặng con, cháu nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 

Anh Đức cho biết: Đến cuối tháng Bảy, hơn 200 bộ sách giáo khoa, từ lớp 1 đến lớp 12 và hơn 4.000 vở viết đã được chuyển đến những địa chỉ xanh. Còn anh Nguyễn Bá Đạt, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Định Hóa cho biết thêm: Một số gia đình nạn nhân trong huyện có 2 cháu được nhận sách giáo khoa, vở viết đợt này, như 2 anh em Ma Lăng Hữu, học sinh lớp 2 và Nông Thị Hoàng Lan, học sinh lớp 2, cháu nạn nhân Hoàng Văn Thạo, xã Tân Dương; 2 anh em Ma Khắc Lực, học sinh lớp 9 và Ma Khắc Sĩ, học sinh lớp 6, cháu nạn nhân Nguyễn Công Kế, xóm Đồng Đau (Định Biên).

 

Tôi nhẩm tính: Từ cuối tháng Bảy đến ngày khai giảng năm học mới vào đầu tháng Chín còn hơn 1 tháng nữa, vậy mà sách, vở đã đến tay con, em nạn nhân nghèo. Vậy là, các em đã có sách, vở để chủ động bước vào năm học mới. Trước năm học này, Hội đồng Quản lý quỹ nạn nhân của tỉnh lựa chọn, tặng cho con em ở các hội: T.P Thái Nguyên, Đại Từ, Phú Bình, Phổ Yên, Sông Công, Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ và Trường Khuyết tật, với tổng trị giá hơn 65 triệu đồng.

 

Tôi biết, với số lượng sách giáo khoa và vở viết này thật chưa thấm vào đâu, vì như lời anh Hoàng Hà Long, Chánh Văn phòng Hội: Sau kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tỉnh Thái nguyên có 25.686 nạn nhân, trong đó có 4.744 con, cháu nạn nhân bị di chứng chất độc da cam. Nhưng hằng ngày vẫn có hàng nghìn con, cháu nạn nhân vượt lên đau đớn, bệnh tật để cắp sách sách đến trường. Giây lát dừng lời, anh tiếp tục câu chuyện: Với những người lính từng xông pha đạn lửa, trở về sau trận mạc đã đành, nhưng thương các cháu chỉ biết chiến tranh qua sách vở, song lại phải gánh chịu hậu quả đau đớn cả thể xác, tinh thần. Vì thế, Hội đặc biệt quan tâm, khuyến khích, động viên các con, cháu nạn nhân vươn lên trong học tập, để sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội.

 

Tôi đã chứng kiến hàng trăm trường hợp là con, cháu nạn nhân biết gượng dậy, tự vượt lên nỗi đau riêng mình để học tập, như trường hợp của em Nguyễn Kim Huỳnh, xóm Lòng Chảo, xã Động Đạt (Phú Lương). Chị gái của Huỳnh bị mù bẩm sinh, bản thân Huỳnh không được minh mẫn, nhưng nhờ kiên trì trong học tập, Huỳnh đã thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm năm 2011. Trước ngày nhập trường, Tập Đoàn Tài chính SVA đã thông qua Tỉnh hội, trao tặng Huỳnh suất học bổng 3 triệu đồng.

 

Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin của tỉnh luôn đồng hành với con, cháu nạn nhân vượt khó vươn lên trong học tập. Từ lâu, Hội còn là đầu mối kết nối những tấm lòng hảo tâm, để từ đây, từng món quà ý nghĩa đến với các em. Giúp các em trụ vững để vươn lên trong cuộc sống, như trường hợp của em Bế Duy Ngọc, 10 tuổi, cháu nạn nhân Bế Duy Cấp, xóm Vườn Thông, xã Động Đạt Phú Lương (ông Cấp đã mất). Trong gia đình còn 5 người, thì 3 người bị bệnh tâm thần. Thông qua tổ chức Hội, nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội, đoàn thể đã thường xuyên đến giúp đỡ gia đình em tiền làm nhà ở, gạo ăn, xe đạp đến trường… Anh Long cho biết thêm: Năm 2012, Tập đoàn Tài chính SVA đã thông qua tổ chức Hội trao tặng 11 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) cho con, cháu nạn nhân đang học tại Trường Khuyết tật của tỉnh.

 

Những món quà xuất phát từ lòng thiện tâm của mọi người trong cộng đồng xã hộ đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam của bao nạn nhân. Ông Đỗ Văn Trường, tổ 11, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên tâm sự: Hơn 10 năm trong quân ngũ, tôi cùng các đồng chí mình có lúc phải ngủ dưới rừng cây trụi lá vì chất độc hóa học. Ngày đất nước thống nhất, tôi trở về với gia đình và mang theo trong cơ thể chất độc da cam. Mỗi khi trái gió trở trời, mình mẩy đau ê ẩm, song tôi luôn động viên con trai mình phải nỗ lực, cố gắng vươn lên trong học tập…

 

17 giờ, Đỗ Thanh Tùng, con trai ông Trường đi học thêm về đến nhà. Tùng lễ phép ngoan ngoãn, bảo: Bố cháu là nạn nhân của chiến tranh, cháu luôn tự động viên mình phải học tập hết sức mình để bố mẹ không buồn. Năm nay cháu vào học lớp 10, Trường THPT Lương Ngọc Quyến. Cháu đã nhận được sách giáo khoa, vở viết do Hội Nạn nhân chất dộc da cam/điôxin của tỉnh trao tặng. Cháu hứa sẽ phấn đấu học tập tốt hơn để không phụ lòng mong đợi của bố, mẹ và các bác.

 

Có mặt ở đó, ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) cho biết thêm: Năm học 2014-2015, ngoài cháu Tùng, phường Trưng Vương còn có các cháu là con nạn nhân được tặng sách giáo khoa và vở viết, là: Nguyễn Huyền Trang, học sinh lớp 12, ở tổ 3; Ngô Thị Kim Cương, học sinh lớp 12, ở tổ 6 và Nguyễn Trường Giang, học sinh lớp 9, ở tổ 10. Tôi là người được Hội cấp trên ủy quyền mang sách giáo khoa và vở viết đến từng nhà để trao tặng tận tay cho các cháu.

 

Năm học mới đang đến gần, những học sinh là con nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã có sách, vở mới. Thật vui biết nhường nào khi tận mắt thấy 2 chị em: Hoàng Thị Duyên, học sinh lớp 9 và Hoàng Thị Dương, học sinh lớp 5 nhảy chân sáo khoe sách, vở mới với mẹ. Mẹ của các em là chị Hoàng Thị Khuyên, xóm Na Mấy, xã Vũ Chấn (Võ Nhai). Chị Khuyên là nạn nhân gián tiếp, bị thiểu năng trí tuệ. Chị không hiểu gì về việc học chữ của các con, nhưng khi thấy các con vui, nụ cười cũng trở nên hồn nhiên phúc hậu trên khuôn mặt của người mẹ dại khờ.