Nghĩ về công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam

16:36, 08/08/2014

Trong xã hội hiện đại, công nghiệp sáng tạo là một lĩnh vực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu. Với tiềm năng to lớn, Việt Nam có thể trở thành một nền kinh tế sáng tạo năng động của khu vực Đông Nam Á trong tương lai. Nhận thức rõ hơn về công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa và coi văn hóa như là một tài sản, là sự bổ sung giá trị trong cả nền kinh tế là điều cần thiết.

1. Trong xã hội hiện đại, văn hóa đã được coi là một yếu tố - động lực nội sinh của sự phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và phát triển các thiết chế kinh tế, xã hội cũng là xây dựng các thiết chế văn hóa và ngược lại. Sự phát triển văn hóa được coi là yếu tố bên trong, hữu cơ của tất cả các quá trình phát triển kinh tế xã hội. Có thể lấy thí dụ ở ba nước châu Á như sau:

 

 

- Nhật Bản, Hàn Quốc đã đặt phát triển văn hóa thành một trong những chính sách trọng điểm của Nhà nước. Thậm chí, Hàn Quốc còn chủ trương nâng công nghiệp văn hóa lên vị trí dẫn dắt các ngành công nghiệp khác.

 

- Trung Quốc xây dựng lý luận về lực lượng sản xuất văn hóa với ba thành tố cơ bản: trí tuệ; trình độ văn minh; kiến thức khoa học, quản lý sản xuất, tổ chức lao động và lấy đó làm cơ sở lý luận để phát triển mạnh kinh tế văn hóa...

 

Ở Việt Nam, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, chúng ta đã có những nhận thức mới về vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển bền vững mọi mặt của đất nước trong tiến trình hiện đại hóa, bảo đảm an ninh quốc gia và phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia. Trong bối cảnh mới hiện nay, chúng ta càng cần thiết phải có những nhận thức lý luận mới về mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế; về lực lượng sản xuất văn hóa và các lý thuyết, mô hình phát triển kinh tế văn hóa, công nghiệp văn hóa...

 

2. Tài sản lớn nhất của một đất nước là con người, sự sáng tạo cá nhân, kỹ năng và tài năng của người dân đất nước đó. Trong nền kinh tế nói chung, các ngành công nghiệp dựa trên nền tảng các tài sản này được gọi là “Công nghiệp sáng tạo” - một lĩnh vực đặc biệt tạo ra của cải và mang đến công ăn việc làm thông qua việc phát triển và khai thác tài sản trí tuệ.

 

Những ý tưởng ban đầu về lĩnh vực công nghiệp sáng tạo từ/trong các hoạt động văn hóa đã xuất hiện từ giữa những năm 1980. Quá trình đi từ một ‎‎ý tưởng đến tiêu dùng (và các bộ phận hợp thành liên quan đều thu được lợi ích của mình) một sản phẩm văn hóa bao gồm toàn bộ các khâu: Hình thành ý tưởng, sản xuất, phân phối và tiêu thụ. Việc thương mại hóa các sản phẩm “mang tính ý tưởng” liên quan đến văn hóa và nghệ thuật là tiền đề cho sự hình thành của công nghiệp sáng tạo. Trong quá trình toàn cầu hóa, sáng tạo trở thành phương tiện mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế. Công nghiệp sáng tạo nằm trong/và là một bộ phận của kinh tế tri thức, nhưng khác với kinh tế tri thức, kinh tế (công nghiệp) sáng tạo có thể đo lường được và tính được doanh thu. Nó là sự kết nối giữa văn hóa với thương mại và tạo ra lợi nhuận.

 

Theo định nghĩa của UNESCO: Công nghiệp sáng tạo bao gồm những sản phẩm mang tính sáng tạo thuộc lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Đó là hoạt động bắt nguồn từ sự sáng tạo, kỹ năng và năng khiếu của cá nhân, có tiềm năng tạo ra của cải, việc làm qua quá trình khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

 

Công nghiệp sáng tạo bao gồm các chu trình, sản phẩm và dịch vụ rộng lớn mà ở đó sự sáng tạo là trung tâm. Hiện nay, 11 ngành đã được coi là thuộc về công nghiệp sáng tạo gồm: quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính. Là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và lớn nhất, vài năm gần đây, mặc dù sự tăng trưởng này không nhanh ở một số khu vực do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và hệ quả của nó, song, nhìn tổng thể ngành này vẫn phát triển, đặc biệt là ở các thị trường tiêu thụ chính.

 

Ở châu Âu, ngành công nghiệp sáng tạo có sự đóng góp lớn cho nền kinh tế, tạo ra khoảng 3% GDP (theo giá thị trường khoảng 500 tỷ Euro) và tạo công việc cho khoảng 6 triệu người. Ở Anh, xuất khẩu dịch vụ bởi các ngành công nghiệp sáng tạo chiếm 10,6% tổng số kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2011. Ở các nước kinh tế đang phát triển, ước tính xuất khẩu toàn cầu các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo tăng gấp đôi từ năm 2002 đến năm 2008. Ở Hồng Kông, 85% thu nhập quốc dân có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình, quảng cáo.

 

3. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành một nền kinh tế có ngành công nghiệp sáng tạo phát triển của khu vực Đông Nam Á. Ngành công nghiệp văn hóa sẽ là một trong những tài sản chính và các thế mạnh của Việt Nam trong tương lai. Một ngành công nghiệp sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa được kết nối rộng rãi và được hỗ trợ mạnh mẽ sẽ mang đến cho Việt Nam khả năng thương mại lớn và “sức” cạnh tranh toàn cầu. Từ năm 2012, các chuyên gia UNESCO đã tham vấn Việt Nam phát triển một “Chiến lược Công nghiệp văn hóa” khả thi, nêu sự cần thiết tạo cơ hội về chính sách cho sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

 

Những thế mạnh của ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã được các chuyên gia đánh giá cao. Việt Nam có thị trường nội địa lớn, cùng với thị trường khu vực đang mở rộng và rất nhiều hứa hẹn. Thuận lợi này bảo đảm tiềm năng tăng trưởng cho ngành công nghiệp sáng tạo. Việt Nam lại có dân số trẻ, có “độ nhạy” thương mại và trình độ công nghệ kỹ thuật số ngày càng cao.

 

Việt Nam còn có “lợi thế về sự đa dạng” văn hóa. Cảnh quan văn hóa ở Việt Nam rất phong phú - từ hệ thống di tích, di sản cho tới các thành phố năng động đang phát triển; từ các thực hành văn hóa truyền thống cho tới thời trang và truyền thông đương đại. Phần đông người Việt Nam đều đam mê, tự hào về sự đặc sắc văn hóa cũng như có xu hướng mạnh mẽ giữ gìn/nuôi dưỡng văn hóa truyền thống của mình. Sự phong phú và khác biệt vùng, miền cũng tạo điều kiện nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển những sáng tạo văn hóa.

 

Ở Việt Nam, nhiều ngành sản xuất mới trong chuỗi cung của ngành công nghiệp sáng tạo đã hình thành (trong lĩnh vực thời trang/dệt may, vi điện tử và tin học...). Nền kinh tế đa dạng với sự tăng trưởng mạnh của ngành du lịch (bao gồm cả du lịch văn hóa), các ngành sản xuất trình độ cao, một số ngành công nghiệp tri thức (như công nghệ thông tin) cũng tạo những điều kiện tốt cho công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam phát triển. Đó là những tiềm năng cho Việt Nam vươn lên trở thành “công trường” và cũng là thị trường hàng đầu về công nghiệp sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam hoàn toàn có cơ hội và khả năng phát triển một nền công nghiệp sáng tạo với vai trò trung tâm trong tổng thể nền kinh tế quốc gia tương lai.

 

4. Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng song, điểm xuất phát để xây dựng ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam không phải là cao. Có thể dễ nhìn thấy các điểm yếu: Nền tảng dữ liệu kém và thiếu chiến lược quốc gia cho ngành công nghiệp sáng tạo - trong đó thiếu một tập hợp các chương trình, kế hoạch cho sự tăng trưởng, bền vững và gia tăng giá trị của ngành; quản lý nhà nước phức tạp, nhiều khi chồng chéo và vì thế, trách nhiệm phát triển ngành công nghiệp sáng tạo không thuộc về một vị trí hay một ban, ngành cụ thể nào; năng lực, kỹ năng, trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực còn ở mức độ thấp trong gần như toàn bộ các ngành công nghiệp văn hóa: đào tạo về sáng tạo ít, thiếu đào tạo sau đại học có mục tiêu nhằm giúp cho sinh viên sau khi ra trường có thể “sẵn sàng về mặt thị trường”, có ít đơn vị mang tính trung gian hỗ trợ chuyên môn cho các doanh nghiệp; kết cấu hạ tầng kỹ thuật kém phát triển (có thể thấy rõ nhất trong lĩnh vực sản xuất phim), thiếu chuyên gia và các phương tiện cập nhật nói chung; tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan trên thị trường cũng làm hạn chế tiềm năng tăng trưởng trong một số lĩnh vực hoạt động nhất định. Môi trường sáng tạo nói chung - các trường đại học, doanh nghiệp, các tổ chức nhà nước và đơn vị hoạt động trong một hệ thống có tính trao đổi văn hóa cao - còn thiếu và chưa đạt chất lượng cần thiết. Vấn đề riêng của từng ngành cụ thể cũng có thể thấy rõ qua sự kém chất lượng trong các chương trình thời trang, trong hoạt động biểu diễn âm nhạc trực tiếp…

 

5. Công nghiệp sáng tạo là một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận kinh tế, vì thế, nó cần một hệ thống chính sách phù hợp. Trình độ quản lý hành chính nhà nước về văn hóa trực tiếp tác động vào các ngành thuộc công nghiệp sáng tạo. Vì vậy, muốn phát triển công nghiệp sáng tạo cần phải có hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình sản xuất và tiêu dùng văn hóa, tổng hợp cả những biện pháp về kinh tế, pháp luật, hành chính, giáo dục, tạo dư luận xã hội, thông tin kịp thời...

 

Các nhà nghiên cứu và tư vấn chính sách cho rằng, muốn xây dựng công nghiệp sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa, cần đổi mới quan niệm của các nhà quản lý về lĩnh vực này. Trước hết, cần thay đổi tư duy coi văn hóa - sáng tạo là ngành/nghề phi sản xuất, không đem lại của cải (hữu hình) cho xã hội và cần nhìn nhận đúng các vấn đề (sẽ) xuất hiện trong thị trường văn hóa. Trong thị trường văn hóa khó tránh khỏi việc xuất hiện các vấn đề phức tạp nhưng không vì thế mà phủ định thị trường văn hóa.

 

Khi đề cập một chiến lược cho công nghiệp sáng tạo, cần phân biệt giữa chính sách văn hóa, nghệ thuật với các chương trình phát triển và đầu tư - nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp sáng tạo nói chung hay là nhằm tăng tốc sự phát triển của các ngành cụ thể (như phim ảnh, truyền thông, thời trang, trò chơi...). Bên cạnh đó, công nghiệp sáng tạo cần có các chương trình hỗ trợ có mục tiêu cho các hoạt động kinh doanh các sản phẩm thủ công có “tính” mỹ nghệ ở khu vực nông thôn - phục vụ du lịch, xuất khẩu... cùng với các sáng kiến về thương hiệu và xây dựng thị trường, nhằm thúc đẩy việc phân phối và bán sản phẩm của khu vực này.

 

Để công nghiệp sáng tạo phát triển nhất thiết cần chuyển từ mô hình “bao cấp” sang mô hình “đầu tư” cho ngành văn hóa. Điều này có nghĩa rằng, Chính phủ cần xác định được (trước) các giá trị thu về từ sự đầu tư đó. Thí dụ, sự đổi mới nội dung, có thêm công việc mới, thu hút được nhiều khán giả hơn, sự xuất hiện của các cá nhân xuất sắc... gắn với tăng trưởng, thu nhập và số thuế được nộp lại cho ngân sách. Ngoài ra, chúng ta cần có các chương trình phát triển kỹ năng, tri thức và xây dựng năng lực cho nguồn nhân lực hoạt động trong các tổ chức văn hóa nhằm nâng cao năng lực và cả sự “tự tin” giúp cho ngành văn hóa có thể mang lại sự tăng trưởng cho ngành công nghiệp sáng tạo./.