Nói về gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, ở xóm Tây Bắc, người dân xã Kha Sơn (Phú Bình) đều dành một tình cảm rất đặc biệt: Vừa cảm thương nhưng cũng đầy khâm phục bởi tấm gương vượt khó, vươn lên học giỏi của 2 cô con gái. Nói như bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã thì đó là hộ nghèo nhất xã nhưng các con đều chăm ngoan, có chí, luôn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh...
Trong căn nhà 3 gian được làm cách đây đã quá nửa thế kỷ, chúng tôi không khỏi cảm thương khi tận mắt trông thấy những tài sản đang có của gia đình anh Tiến. Quan sát một vòng, rồi hai, ba vòng, chúng tôi vẫn không thể đoán định được trong nhà anh, thứ tài sản nào là giá trị nhất, vì có lẽ chẳng có gì đáng giá vài trăm nghìn đồng. Gian phòng học rộng chừng 7m2 của các con anh trông càng tồi tàn, xập xệ. Ngay cả bàn học cũng không có, mà các em phải dùng 1 chiếc hòm gỗ. Ngay cả đèn học các em cũng không có mà phải học dưới ánh sáng lờ mờ của chiếc bóng đèn compact công suất 15W dùng để chiếu sáng cho cả căn phòng. Gian phòng vốn đã chật, càng trở nên chật chội hơn với những đống hàng đan lát mà ngoài giờ học, các em vẫn làm để giúp bố có thêm tiền trang trải cho cuộc sống.
Anh Tiến tâm sự: Nhà đông anh em nên năm 2009, khi vợ chồng tôi tách ra ở riêng, bố mẹ chỉ chia cho được 1 sào ruộng. Vì thế, hai vợ chồng phải lam lũ làm thuê, cấy rẽ cho người ta để có tiền nuôi con ăn học. Khó khăn chồng chất khó khăn khi vợ tôi mắc phải căn bệnh ung thư gan và đã qua đời vào cuối năm 2012... Bản thân anh Tiến từ khi sinh ra đã bị sứt môi, nên khả năng giao tiếp, phát ngôn gặp nhiều trở ngại. Giờ đây, ngoài cấy 2 sào ruộng (trong đó có 1 sào thuê đất để làm), cuộc sống của 3 bố con anh hầu như phải trông cả vào tiền làm thuê bữa đực, bữa cái của anh. Chính vì thế, để đỡ đần bố, cô con gái đầu (sinh năm 1993, hiện là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên), ngoài giờ học lại phải tranh thủ đi bán hàng thuê. Còn cô con út Nguyễn Thị Sang, hiện là học sinh lớp 12A10, Trường THPT Lương Phú (Phú Bình) cũng phải đan thuê hàng thủ công ở nhà. Vất vả là thế, nhưng chị em Quê - Sang không hề nao núng, luôn quyết tâm theo đuổi con đường học tập đến cùng và đã giành được nhiều thành tích đáng nể.
Em Sang tâm sự: Dù cuộc sống khó khăn nhưng chị em em luôn được bố mẹ tạo điều kiện để học tập. Chúng em luôn tự nhủ, chỉ có học tập tốt thì sau này mới có điều kiện thoát khỏi cuộc sống vất vả như hiện nay’’. Bởi thế, 10/11 năm học, em đều là học sinh giỏi. Đặc biệt, năm học vừa qua, Sang đã giành được giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học. Sang cho biết, đây cũng chính là môn học mà em đặc biệt yêu thích và em đang quyết tâm thi đỗ vào Khoa Sinh, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên để sau này trở thành cô giáo.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng xóm Tây Bắc khi nói về chị em Sang đã không ngớt lời ca ngợi. Ông bảo, khi mẹ các cháu còn sống, các cháu thỉnh thoảng còn được mua bộ quần áo mới hoặc được chụp cái ảnh trong ngày Tết. Còn nay, tuy các cháu chưa phải nhịn đói bữa nào, nhưng có khi vài ngày liền, mâm cơm của mấy bố con chỉ có bát rau luộc, sang hơn là có thêm 1-2 bìa đậu phụ. Thời gian mưa nhiều, cháu Sang không đi quét lá, kiếm củi được, thậm chí đến cái nấu cũng không có. Ngay con cháu Quê, nghỉ hè cũng chỉ dám ở nhà vài bữa rồi lại phải lên chỗ trọ kiếm việc làm thuê, để có tiền đóng học, thuê nhà. Rồi ông Tâm chỉ tay ra góc vườn nơi để chiếc xe cải tiến nói: Đó chính là tài sản đáng giá nhất của bố con anh Tiến, giờ bán chắc được hai, ba trăm nghìn... Khổ sở, thiếu thốn là thế, nhưng cả 2 cháu đều rất chăm ngoan, học giỏi và có ý thức vươn lên nên được cả xóm quý mến và khâm phục. Ông Tâm cũng cho biết thêm, mấy năm trước, khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ hộ nghèo làm nhà theo Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ, gia đình anh Tiến cũng có tên trong danh sách. Tuy nhiên, do không có khả năng đối ứng nên anh Tiến đã không dám đăng ký tham gia. Hiện cả xóm chỉ còn gia đình anh đang ở nhà dột nát. Bà con chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm tạo điều kiện giúp đỡ tiền bạc, vật liệu để gia đình anh có điều kiện làm ngôi nhà mới chắc chắn, các con anh không phải lo mưa gió, giá rét, có điều kiện học tập tốt hơn. Nếu được, chúng tôi sẽ có trách nhiệm vận động người thân, bà con láng giềng giúp anh ngày công lao động và một số nguyên, vật liệu…
Chia tay bố con anh Tiến khi kim đồng hồ điểm 11 giờ trưa, hình ảnh gian bếp xiêu vẹo, cùng chỗ đun nấu quá đỗi tềnh toàng với đống lá tre khô, cạnh đó là mớ rau muống đã bắt đầu úa vàng - thức ăn duy nhất trong bữa trưa của 2 bố con, chúng tôi thấy trong lòng ngổn ngang băn khoăn, suy nghĩ. Tôi tự nhủ, giá 2 chị em Sang có điều kiện học tốt hơn, chắc chắn tương lai các em sẽ được mở rộng hơn; giá mà em nào cũng có ý chí và lòng quyết tâm như 2 em thì hẳn sẽ không còn cảnh kẻ ra, người vào tấp nập ở những quán Internet để chơi những trò vô bổ, phải khiến bố mẹ, thậm chí là cả xã hội phiền lòng… Rồi chúng tôi lại hy vọng, một ngày gần nhất, gia đình các em sẽ nhận được sự giúp đỡ từ những tấm lòng nhân ái để có được cuộc sống tốt hơn. Các em thật xứng đáng là tấm gương sáng để các bạn cùng trang lứa học tập, noi theo.