Vẫn tiềm ẩn nhiều mối lo

15:05, 04/08/2014

23% mẫu xét nghiệm test nhanh trong tổng số 2.115 mẫu cho kết quả không đạt chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP); 50% mẫu bún ướt, bánh phở được kiểm tra xét nghiệm có chứa hàm lượng Formol (chất bảo quản bị cấm sử dụng cho thực phẩm); gần 20% cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm không đạt yêu cầu; 13% cơ sở kinh doanh, chế biến không đủ điều kiện về con người làm công việc này, đó là kết quả công tác kiểm tra ATVSTP trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu năm đến nay. Thực tế này đã phản ánh những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe con người từ thực phẩm.

Kiểm tra là có vi phạm

 

Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Hầu hết các mẫu kiểm tra, xét nghiệm được lấy ngẫu nhiên tại các địa phương trong tỉnh, nhưng khi hỏi nguồn gốc đều không xác định rõ. Đặc biệt, 100% mẫu xét nghiệm không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn ATVSTP đều không thể xác minh nguồn gốc, hoặc không thể truy tìm được đâu là nguyên nhân dẫn đến mất an toàn”. Điều này cho thấy chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ và theo một quy trình khép kín. Nguyên nhân chính là do hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Về phía người tiêu dùng cũng theo thói quen “tiện đâu mua đấy”, chưa thực sự quan tâm nhiều đến các vấn đề ATVSTP  và cũng chưa có người dân nào phát hiện, lên án hay tẩy chay hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm mất an toàn, thiếu vệ sinh... Còn có một nguyên nhân nữa là do nhận thức về sử dụng thực phẩm an toàn trong cộng đồng xã hội chưa cao, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nên đã xảy ra những vụ ngộ độc thức ăn dẫn đến chết người (ngộ độc ăn nấm tự nhiên). Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến 37 người phải nhập viện cấp cứu và trong đó 7 trường hợp tử vong.

 

Có nhiều nguyên nhân về mất ATVSTP, nhưng rất nguy hiểm khi người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận đã vi phạm các quy định ATVSTP. Điển hình như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy trình, tẩm ướp Formol vào thực phẩm... Mặc dù vấn đề này trong những năm qua dư luận xã hội đã lên án gay gắt, nhưng qua kiểm tra vẫn phát hiện vi phạm. Cũng theo ông Lý Văn Cảnh: “Trong thực phẩm, hàm lượng Formol cao có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, thậm chí có thể gây tử vong khi nó chuyển hoá thành axít formic làm tăng axít trong máu, gây thở nhanh và thở gấp, bị hạ nhiệt, hôn mê. Mức độ độc của Formol tăng dần ở nhiệt độ cao”.

 

Cơ chế và điều kiện quản lý còn bất cập

 

Khó khăn trong công tác quản lý, giám sát ATVSTP là cơ chế kiểm tra, xử lý. Một vi phạm về ATVSTP được phát hiện có thể liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau, như: Hoạt động lưu thông, kinh doanh hàng hóa thuộc về cơ quan Quản lý thị trường; hoạt động sản suất, chế biến thực phẩm, kể cả sản phẩm - đối tượng mất ATVSTP lại thuộc về cơ quan Nông nghiệp và PTNT quản lý; mất an toàn về sức khỏe về sinh... thì thuộc về cơ quan Y tế. Tuy nhiên, mỗi chế tài xử lý của các cơ quan cũng có hình thức khác nhau. Ông Nguyễn Ngọc Văn, Trưởng phòng Y tế huyện Đại Từ cho biết: “Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành, khi phát hiện vi phạm về ATVSTP thì cơ quan chuyên môn đề xuất xử lý, nhưng việc thu, giữ, thậm chí cả bảo quản tang vật lại thuộc cơ quan chủ trì và việc ra quyết định xử lý cũng thuộc cơ quan này (thông thường là Quản lý thị trường). Chính vì vậy, có những việc xử lý không kịp thời, không có tính ngăn ngừa, răn đe. Cũng có những hoạt động kiểm tra lại chồng chéo giữa các cơ quan, khiến cho cơ sở được kiểm tra bị “làm phiền”, gây dư luận không tốt về công tác quản lý, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở... ”.

 

Một số bất cập trong công tác quản lý, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giám sát, kiểm tra ATVSTP, đó là vấn đề thiết bị, là cơ chế giám sát của người dân. Ông Đàm Văn Bút, Trưởng Phòng nghiệp vụ của Chi cục ATVSTP phân tích: “Để có được kết quả xét nghiệm sau khi lấy mẫu thực phẩm, phải mất 3-4 ngày. Như vậy, nếu phát hiện ra vi phạm, mất an toàn, có độc tố... thì lô hàng đó đã được tiêu thụ và đã ngấm vào cơ thể người tiêu dùng. Trong các trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ thì khó có thể tìm ra được xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm, nhất là người sản xuất kinh doanh không ghi chép tỉ mỉ từng mớ rau, túi thịt... theo ngày, giờ. Về cơ chế giám sát, có nhiều cơ sở nhận được Chứng nhận ATVSTP, nhưng hằng ngày cơ quan quản lý không thể giám sát nên không thể bảo đảm lúc nào cũng đạt tiêu chuẩn. Vấn đề này rất cần có sự tham gia giám sát chặt chẽ của người dân và dám đấu tranh, lên án hoặc tố giác”.

 

ATVSTP hiện nay không chỉ có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe con người mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với lực lượng gần 20 cán bộ chuyên môn làm công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, trực tiếp quản lý về ATVSTP đối với gần 9.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh là chưa tương xứng. Bởi thế, để công tác này đạt hiệu quả, rất cần sự vào cuộc từ phía người dân, cần nâng cao hơn nữa về nhận thức trong giám sát, tiêu dùng. Đối với cơ quan chức năng, cần có những biện pháp mạnh hơn, không chỉ xử phạt hành chính mà cần thiết xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.