Việc sử dụng ma túy liên tục trong một khoảng thời gian nhất định sẽ dẫn đến tình trạng nghiện ma túy, hay là sự lệ thuộc của con người vào ma túy cả về mặt thể chất và tâm lý.
Sự lệ thuộc về mặt cơ thể
Cơ chế thần kinh của nghiện ma túy chính là hình thành phản xạ có điều kiện. Khi cơ thể hoạt động bình thường, dưới vỏ não sản xuất chất endorphine (hay thường gọi là morphin nội sinh). Chất này có tác dụng giảm đau đớn, mệt mỏi, phục hồi sức khỏe để cơ thể hoạt động bình thường. Khi ma túy được đưa vào cơ thể, nó cũng có những tác dụng giống như chất endorphine; kích thích hoạt động nhanh nhạy của thần kinh làm cho người dùng ma túy cảm thấy hết mệt mỏi, sảng khoái. Nếu chỉ dùng một, hai lần đầu thì người dùng bị rối loạn hoạt động sản xuất morphin nội sinh của cơ thể. Nhưng nếu dùng lặp lại nhiều lần, cơ thể sẽ ngừng hoạt động sản xuất morphin nội sinh mà phụ thuộc vào chất ma túy từ bên ngoài đưa vào. Đến lúc này, cơ thể đã bị lệ thuộc hoàn toàn vào ma túy. Và nếu ngừng sử dụng, cơ thể sẽ thèm ma túy, hội chứng cai xuất hiện với những triệu chứng như: cơ thể mệt mỏi, đau nhức, vật vã…
Sự lệ thuộc về tâm lý
Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma tuý (PSD), cũng như của nhiều tổ chức khoa học khác, bên cạnh sự lệ thuộc về mặt cơ thể thì người nghiện còn phải chịu sự lệ thuộc về mặt tâm lý vào ma túy.
Người nghiện sau giai đoạn cắt cơn, khoảng từ 1-2 tuần (lâu nhất là 30 ngày), tùy thuộc vào thời gian và liều lượng ma túy sử dụng của từng người, cơ thể phải tự điều chỉnh để sớm chấm dứt hội chứng cai. Cơ thể sẽ khôi phục dần dần lại quá trình sản sinh chất endorphine để điều hòa hoạt động của cơ thể. Vậy thì tại sao gần như 100% người nghiện ma túy sẽ tái nghiện sau khi cắt cơn một thời gian ngắn nếu không được điều trị duy trì chống tái nghiện? Đó chính là do sự lệ thuộc về mặt tâm lý vào ma túy vẫn còn tồn tại và tồn tại vô cùng mạnh mẽ, sự lệ thuộc đó có thể kéo dài đến 5 năm hay lâu hơn nữa, sau khi họ đã ngừng sử dụng.
Qua nghiên cứu, người nghiện sau khi cắt cơn vẫn tiếp tục nhớ ma túy trong một thời gian rất dài, nhớ và thèm cảm giác sảng khoái do ma túy đem lại. Bộ não của người nghiện ma túy đã phản ứng hàng ngày trong một thời gian dài với những cảm giác dễ chịu, sảng khoái do chất ma túy gây ra; từ đó dẫn đến việc hình thành những phản xạ có điều kiện trong não bộ. Cơ sở sinh học của những phản xạ này rất vững chắc nên rất khó mất đi. Khi gặp một yếu tố kích thích gợi nhớ chất ma túy, các phản xạ có điều kiện đó được kích hoạt trở lại, làm xuất hiện cảm giác thèm nhớ ma túy, dẫn đến thúc đẩy người nghiện quay lại tìm và sử dùng ma túy.
Vì thế, sự thèm nhớ ma túy cùng với sự thiếu kiểm soát môi trường sống là những yếu tố kích thích người nghiện quay trở lại sử dụng thuốc. Có khi người nghiện chỉ cần bắt gặp hình ảnh giống với nơi họ từng mua ma túy trước đây, một mùi mồ hôi chua chua quen thuộc hay gặp một người bạn từng chơi ma túy cùng… thì dòng hồi tưởng về ma túy của họ sẽ được kích hoạt trở lại. Cùng với dòng hồi tưởng này, cảm giác thèm nhớ ma túy cũng quay trở lại kèm theo những căng thẳng, khó chịu về mặt cơ thể như: nhịp tim tăng, huyết áp tăng, hơi thở trở nên nhanh hơn, trong người thấy nôn nao, khó chịu, da gà nổi từng đợt… dù đã rất lâu không dùng ma túy.
Những sự căng thẳng, khó chịu này là một trong những nguyên nhân chính khiến cho người nghiện xuất hiện nhu cầu sử dụng lại ma túy để lấy lại cảm giác dễ chịu, loại bỏ những lo âu, căng thẳng cả về mặt cơ thể và tâm lý.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tái nghiện hiện vẫn còn đang rất cao và trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội.