Chung tay thực hiện Đề án 1956

15:06, 20/09/2014

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 (Đề án 1956) là chủ trương đúng đắn nhằm giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Trong thời gian qua, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) đã tích cực chung tay cùng với tỉnh, ngành chức năng, các địa phương vùng Dự án thực hiện có hiệu quả Đề án này, xứng đáng được chọn làm điển hình để các doanh nghiệp khác học tập.

Góp phần tích cực khắc phục những hạn chế 

 

Sơ kết 3 năm thực Đề án 1956 (cuối năm 2013), Thái Nguyên có trên 12.300 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó chủ yếu là nghề may, cơ điện, chăn nuôi, thú y và chế biến chè. Số lao động nông thôn được đào tạo theo Đề án có việc làm sau khi học nghề gần 9.100 người, chiếm 74%; trên 4.500 lao động nông thôn được vay vốn tạo việc làm theo chính sách của Đề án 1956 với kinh phí hơn 125 tỷ đồng; có 192 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo...

 

Tuy nhiên cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, trong quá trình thực hiện Đề án 1956, tỉnh ta cũng bộc lộ những hạn chế: chất lượng chương trình dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, còn nặng về lý thuyết thiếu tính thực hành; việc lập, phê duyệt kế hoạch, kinh phí hỗ trợ dạy nghề ở nhiều địa phương thực hiện chưa đúng và chưa thật sự quan tâm đến việc hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề, đặc biệt là vốn và thị trường đầu ra cho sản phẩm do người dân tạo ra…

 

Chung tay cùng với Nhà nước thực hiện Đề án 1956, NuiPhao Mining là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong tỉnh phần nào đã khắc phục được những hạn chế trên, chủ động tiếp cận với Đề án, kết nối để người dân nắm bắt được chủ trương, chính sách và những lợi ích mà Đề án mang lại; bổ sung thêm nguồn ngân sách của Nhà nước trong đào tạo nghề; giải quyết việc làm và tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Thời gian qua, NuiPhao Mining đã phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Bắc đào tạo nghề tuyển khoáng cho 230 học viên, 100% số học viên đều được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty; phối hợp với Trường Cao đẳng Cơ điện - Luyện kim Thái Nguyên đào tạo nghề điện - hàn - cơ khí cho 140 học viên; phối hợp với Trường Dạy nghề Nam Thái Nguyên đào tạo nghề mộc cho 30 học viên; phối hợp với ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn về nông nghiệp, trong đó có lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP cho gần gần 300 lượt học viên ở các xã Hà Thượng, Tân Linh và thị trấn Hùng Sơn… Tổng số tiền chi phí cho các chương trình lên đến hàng tỷ đồng.

 

Ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc NuiPhao Mining cho biết: Khi tham gia thực hiện Đề án 1956, chúng tôi không chỉ đơn thuần là phối hợp cùng với tỉnh, sở, ngành trong việc đào nghề mà còn tiếp sức cho người dân về vốn, tạo cho họ những cơ hội về việc làm, tăng thu nhập, ổn định đầu ra cho các sản phẩm mà họ làm ra sau khi được học nghề. Rất nhiều học viên các lớp đào tạo nghề từ năm 2008 đến nay đã được NuiPhao Mining tuyển dụng. Để thực hiện Đề án 1956, đối với chương trình chè VietGAP cho tất cả các xã bị ảnh hưởng, NuiPhao Mining đã bổ sung khoản ngân sách 300 triệu đồng để triển khai các hoạt động đào tạo, tư vấn,  thực hiện mô hình canh tác, chế biến chè... Nói chung, chúng tôi đã thực hiện tốt sự gắn kết, hỗ trợ, hợp tác giữa 3 bên Nhà nước - người dân và doanh nghiệp vì lợi ích chính đáng giữa các bên và góp phần ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho người dân vùng ảnh hưởng bởi Dự án.


Đánh giá - cảm nhận và bài học

 

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: Khi tỉnh ta tiếp nhận các dự án vào đầu tư đồng nghĩa với việc hàng nghìn người dân phải bàn giao đất ở, đất sản xuất cho các dự án. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với quy luật của sự phát triển xã hội từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang các phát triển công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, điều khó khăn đặt ra là khi người nông dân bị mất đất canh tác, họ sẽ làm gì để sinh tồn trong khi nghề nghiệp khác không có? Đó là một bài toán khó, song Dự án Núi Pháo đã giải tốt bài toán này thông qua việc phối hợp với tỉnh, với các sở, ngành, các trường dạy nghề…, để đào tạo, giải quyết việc làm cho các lao động thuộc những địa phương ảnh hưởng bởi Dự án một cách bài bản và chuyên nghiệp. NuiPhao Mining không chỉ hỗ trợ các học viên tiền ăn ở, đi lại cao hơn gấp mấy lần so với chính sách hiện hành của tỉnh mà còn cam kết sẽ giải quyết việc làm cho các học viên sau khóa đào đạo (nếu đạt yêu cầu đào tạo và có nhu cầu vào làm việc cho Dự án). Cái hay của Dự án Núi Pháo là không phải đến khi cần lao động mới cho đi đào tạo, mà những việc Dự án làm đều có kế hoạch trước. Việc đào tạo và giải quyết việc làm của Dự án Núi Pháo trong thời gian qua là một thành công, đáng được đưa ra làm điển hình để rút ra những bài học kinh nghiệm hay để các dự án khác học tập.

 

Anh Chu Văn Bách, Giám đốc Công ty TNHH Hà Quang Huy (xã Hà Thượng), cho biết: Gia đình tôi đã bàn giao hơn 12.000m2 đất sản xuất, thổ cư cho Dự án. Lâm vào hoàn cảnh này, ban đầu tôi cũng rất hoang mang không biết mình sẽ ổn định cuộc sống bằng cách nào khi đất đai không còn, miệng ăn núi lở, công việc lại không ổn định... Nhưng nhờ sự động viên, khích lệ của các cán bộ Dự án Núi Pháo, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của NuiPhao Mining, tôi đã mạnh dạn thành lập Công ty chuyên sản xuất đồ mộc, cung cấp sản phẩm giá đỡ và thanh chèn cho nhà máy. Trong quá trình hoạt động, NuiPhao Mining cũng rất quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp như: trang bị toàn bộ quần áo bảo hộ lao động; mở lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân... Công ty của tôi bước đầu làm ăn có hiệu qủa, gia đình tôi không chỉ ổn định được cuộc sống mà còn tạo việc làm cho gần 30 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Trong thời gian tới, tôi có kế hoạch sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động hơn nữa...

 

Còn ông Bùi Đức Quân, Trưởng xóm 12, xã Tân Linh phấn khởi nói: Xóm tôi chỉ có 4-5 hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án nhưng NuiPháo Mining vẫn tạo điều kiện cho 41 người được tham gia lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi tham gia lớp học, chúng tôi không chỉ được học miễn phí; hỗ trợ toàn bộ văn phòng phẩm mà còn được đi thăm quan, học tập các mô hình sản xuất chè hiệu qủa. Tôi thay mặt các hộ dân trong xóm cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của NuiPhao Mining đã dành cho chúng tôi.

 

Từ kết quả bước đầu của sự chung tay, phối hợp này, chúng tôi ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm, như: Dạy nghề cần đi đôi với việc làm và đầu ra cho sản phẩm; để chất lượng đào tạo nghề tốt cần phải có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, không chỉ là thể hiện trách nhiệm ở việc bồi thường - thu hồi đất mà còn ở đường lối, kế hoạch triển khai phù hợp trong công tác đào tạo nghề để kịp thời cung ứng được lao động có kỹ năng khi doanh nghiệp cần và đáp ứng kịp thời nhu cầu việc làm cho người dân bị mất đất…